Trong bài phỏng vấn mới nhất với trang Vulture, đạo diễn tên tuổi Quentin Tarantino lên tiếng chỉ trích mùa thứ hai của True Detective: “Đây là loạt phim quy tụ những diễn viên bảnh bao cố tỏ ra họ không bảnh và đi lại nặng nề như thể đang gánh trọng trách của cả thế giới trên vai mình. Mọi thứ đều như ‘cố tỏ vẻ nguy hiểm’ và mùa này có vẻ thực sự tệ hại”.
Sự thật đáng buồn là nhiều người từng yêu thích True Detective mùa đầu tiên cách đây hơn một năm cũng phải đồng ý với Tarantino, khi mùa thứ hai đã đánh mất những gì từng khiến series này trở thành hiện tượng màn ảnh nhỏ năm 2014.
Thử nghiệm liều lĩnh của Nic Pizzolatto
Vào những tháng đầu năm 2014, True Detective xuất hiện và nhanh chóng thu hút hàng triệu khán giả. Loạt phim truyền hình trinh thám của HBO được đánh giá xuất sắc ở nội dung, thoại cùng diễn xuất của hai ngôi sao Matthew McConaughey và Woody Harrelson. Tám tập phim của mùa đầu tiên kết thúc trong sự thỏa mãn của khán giả với điểm số gần như tuyệt đối trên nhiều trang web đánh giá phim. Chính vì lẽ đó, khi nhà sản xuất Nic Pizzolatto công bố kế hoạch làm mùa thứ hai True Detective với nội dung và dàn diễn viên hoàn toàn mới, không ít người hâm mộ đã khấp khởi mừng thầm.
Câu chuyện mùa thứ hai diễn ra tại California với bốn nhân vật chính được sợi chỉ số phận gắn chặt với nhau qua một vụ án mạng. Sau khi viên cảnh sát tuần tra đường cao tốc Paul Woodrugh (Taylor Kitsch thủ vai) phát hiện ra thi thể của một nhân vật VIP ở bên lề đường, thám tử Ray Velcoro (Colin Farrell) và nữ cảnh sát Ani Bezzerides (Rachel McAdams) được cử tới hỗ trợ anh. Bất chấp những rắc rối riêng trong cuộc sống và mục đích khác nhau từ cấp trên khi được cử tham gia vụ án, ba người vẫn tìm cách tìm ra chân tướng vụ án mạng chứa nhiều uẩn khúc.
Cái chết của nhân vật VIP kể trên còn ảnh hưởng trực tiếp tới ông trùm Frank Semyon (Vince Vaughn), khi nạn nhân đã chết với số tiền đầu tư của hắn. Frank dự định đoạn tuyệt với thế giới mafia nhưng khi hàng triệu USD đột nhiên biến mất, hắn buộc phải theo dõi cuộc điều tra gắt gao để xem kẻ nào đang giữ tiền của mình...
Có thể nói mùa thứ hai của True Detective là một thử nghiệm mới lạ của nhà sản xuất Nic Pizzolatto, khi số lượng nhân vật chính được tăng gấp đôi và những tuyến truyện phụ cũng vì thế mà tăng theo. Song trong thực tế, thử nghiệm này có thể bị xem như một thất bại với đa phần người hâm mộ True Detective. Với dòng series anthology (mỗi mùa có một dàn diễn viên, cốt truyện khác nhau) thì việc có mùa hay, mùa dở là không tránh khỏi. Nhưng việc True Detective 2 gây thất vọng là vì series này đã có mùa đầu tiên quá thành công và đẩy kỳ vọng của người hâm mộ lên mức cao nhất.
Cách xử lý câu chuyện lê thê, tình tiết rườm rà, thừa thãi
True Detective 2 có tổng cộng tám tập nhưng nếu lấy nửa chặng đường là bốn tập phim đầu để đánh giá thì quả thực những lời nhận xét của Quentin Tarantino không lấy gì làm quá đáng. Các tập phim đem lại cảm giác chậm rãi, lê thê. Có nhiều tình tiết được đưa vào khiến khán giả nhớ để rồi khi series kết thúc mới nhận ra rằng chúng hoàn toàn thừa thãi. Việc xử lý tình tiết phim giữa các tập cũng có độ chênh nhất định chứ không hề đều tay như mùa đầu tiên. Điều này không khó lý giải bởi tám tập của mùa thứ hai được đạo diễn bởi sáu người khác nhau, trong khi mùa đầu tiên chỉ do mình Cary Fukunaga chỉ đạo.
Bốn tập cuối của True Detective 2 có sự cải thiện, khi người xem dần quen với các nhân vật trong khi tiến trình phá án được đẩy nhanh hơn. Tuy nhiên, những khán giả không có nhiều thời gian thì khó mà kiên nhẫn với sự dài dòng trong cách dẫn dắt câu chuyện và “cố tỏ vẻ nguy hiểm” từ những nhân vật chính.
Với số lượng nhân vật nhiều hơn hẳn và một cuộc điều tra có quy mô cao hơn hành trình phá án 17 năm của mùa đầu tiên, True Detective 2 khiến nhiều người phải hoang mang khi xem phim. Lý do là bởi có nhiều nhân vật nên một số chi tiết được nhắc tới chỉ thoáng qua nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc phá án, trong khi có những trường đoạn đáng chú ý mà về cuối lại chìm dần trong quên lãng.
Nhìn về tổng thể, True Detective 2 hoàn toàn không phải một series dở. Nếu đứng riêng rẽ và không mang mác HBO - nơi sản xuất những series xuất sắc như The Sopranos, Game of Thrones hay chính True Detective 1 - thì có lẽ đã không nhận nhiều lời chê bai đến vậy. Mùa thứ hai vẫn có những điểm sáng như màn bắn súng ở cuối tập bốn hay trường đoạn Ani Bezzerides đột nhập hang ổ tội phạm.
Các diễn viên cũng ít nhiều để lại ấn tượng, đặc biệt là hai nhân vật Ray Velcoro và Frank Semyon. Colin Farrell thể hiện rất đạt vai Velcoro - viên cảnh sát đã nhúng chàm và chịu sự thao túng của Frank sau khi chịu ơn hắn trong quá khứ. Velcoro đi chơi vơi giữa làn ranh giới của thiện - ác và ngày càng tự hủy hoại bản thân. Thứ duy nhất khiến gã vẫn cố không đánh mất hoàn toàn bản thân là cậu con trai đang sống với người vợ cũ...
Diễn viên vốn quen thuộc với những vai hài là Vince Vaughn cũng diễn vai ông trùm Semyon rất “ngọt”. Gã cố sống lương thiện với vợ khi gây ra nhiều tội ác trong quá khứ nhưng cái chết bất ngờ của nhân vật VIP kia không cho hắn được lương thiện. Trước sức ép từ công việc, những đối thủ cạnh tranh hay những nhân vật cộm cán, hắn buộc phải “xù lông nhím” và trở thành một con quỷ.
Semyon và Velcoro là hai nhân vật thú vị nhất của True Detective 2, nhưng vẫn không đủ cứu vãn sự thất vọng của phần lớn khán giả. Chỉ dừng lại ở mức trung bình khá về nội dung, True Detective 2 là một bước lùi của nhà sản xuất Nic Pizzolatto. Mùa thứ ba với một dàn diễn viên và nội dung mới chắc chắn sẽ lại được những người hâm mộ True Detective ngóng đợi, nhưng Pizzolatto cần rút kinh nghiệm từ những thất bại của mùa hai để lấy lại phong độ.
Trailer phim "True Detective" (mùa thứ hai) |
|
Thịnh Joey