Pham Mi Ly
Trong sách, người châu Phi được mô tả “không biết làm toán, tâm tư đơn giản và hết lòng tôn sùng Người Da trắng Vĩ đại”. Harry Mount nhận định, cách mô tả đó khó có thể chấp nhận trong xã hội hiện đại nơi con người được tuyên truyền chống lại nạn phân biệt chủng tộc. Nhưng đó không đủ để trở thành lý do để cấm cuốn truyện hay loại khỏi giá sách thiếu nhi và dán nhãn cảnh báo, như người ta đã làm với cuốn truyện từ nhiều năm nay.
![]() |
Truyện "Tintin in the Congo" bị kiện vì mô tả người da đen "như bầy khỉ, đần độn và sùng bái người da trắng". Ảnh: Telegraph. |
"Trẻ em nên đọc Tintin, ngay cả khi cuốn truyện có tính phân biệt chủng tộc hay không”, nhà văn Anh tuyên bố ngay trong tiêu đề bài viết trên Telegraph. “Trẻ em là những độc giả khôn khéo”, ông viết. “Các em có thể đọc sách có các nhân vật ở nhiều lứa tuổi, bối cảnh khác nhau và nhận ra rằng, ở những nơi khác nhau, tại những thời điểm khác nhau thì có những giá trị khác nhau. Từ chối trao cho trẻ em cơ hội khám phá những thời kỳ khác nhau trong lịch sử, những quan điểm sống đa dạng ở khắp thế giới, tức là đã tạo ra một bức tường nhốt các em lại với sự ngu dốt và ngây thơ”.
Nhà văn nhận định, nhiều người đã bày tỏ một nỗi sợ hãi thừa thãi về tính khờ dại của trẻ em khi cho rằng các em chỉ có thể chấp nhận một nền văn học “sạch”, không có sự kỳ thị, xúc phạm và định kiến. Trẻ em chỉ có thể trưởng thành nếu đọc thật nhiều loại sách và trong đó phải bao gồm cả những cuốn sách không tích cực.
“Thực tế, đó là một quan điểm quá đơn giản và nhàm chán khi người ta chỉ hướng đến những gì người ta thích, và còn nhàm chán hơn nữa khi người ta chỉ hướng đến những cái tích cực”, nhà văn Anh nhận xét. “Nên nhớ, một tờ báo chỉ đăng tin về những nhân vật, sự việc tích cực không thể là một tờ báo hay”.
Về trường hợp “Tintin in the Congo”, Mount cho rằng đây không hẳn là cuốn sách đầy tiêu cực. Vấn đề là cách đọc của những người cấm đoán không phù hợp với một tác phẩm hư cấu. “Nhận ra tính tiêu cực của một cuốn sách không có nghĩa là chúng ta phải “tự vệ” trước nó bằng cách cấm đoán, tịch thu, lên án…”.
![]() |
Hình ảnh trong phim hoạt hình 3D "The Adventures of Tintin: The Secret of the Unicorn" của đạo diễn Steven Spielberg. Ảnh: Paramount Pictures. |
Vào năm 2007, Ủy ban về Bình đẳng Chủng tộc ở Anh từng đề xuất cấm lưu hành cuốn truyện bởi nó chứa đựng “những định kiến ghê tởm về chủng tộc”. Vì thế, tập đoàn sách Borders đã quyết định chuyển sách truyện về Tintin từ giá sách thiếu nhi sang giá sách cho người lớn trong toàn bộ cửa hàng sách thuộc hệ thống của mình. Sau đó, tập đoàn Waterstones cũng có quyết định tương tự.
Còn nhà xuất bản của bộ truyện, Egmont UK, đã phát hành sách kèm dải băng ghi thông điệp cảnh báo về nội dung sách và giới thiệu hoàn cảnh sáng tác cuốn truyện để định hướng suy nghĩ cho độc giả.
Lời cảnh báo có đoạn: “Xây dựng bức tranh Congo thời còn là thuộc địa của Bỉ, tác giả Herge trẻ tuổi đã phản ánh cả cách cư xử của con người dưới chế độ thực dân. Tác giả đã mô tả người dân châu Phi dưới góc nhìn định kiến, gia trưởng và tư sản. Điều đó có thể khiến nhiều người cảm thấy bị xúc phạm”.
“Cha đẻ” là tuyện tranh Tintin là nhà văn Herge, tên thật Georges Prosper Remi. Ông qua đời năm 1983.