Inside of me - bộ sưu tập mới của Nguyễn Thị Châu Giang - bao gồm 15 bức tranh lụa, chủ thể là những người phụ nữ khỏa thân ở nhiều tư thế. Xoay quanh họ là những con rồng xanh, đỏ - biểu tượng cho nội tâm chất chứa của mỗi người. Tranh được vẽ với chất liệu mực in không phai và màu nước.
Ngoài việc đặt tranh lên tường như cách truyền thống, các bức vẽ còn được treo từ trên trần xuống. Một số tác phẩm được vẽ cả hai mặt, giúp khán giả cảm thụ đặc sắc hơn thông qua hiệu ứng xuyên thấu của lụa.
Bộ sưu tập được Châu Giang hoàn thành trong vòng 9-10 tháng. Từ một bức tranh của chị được triển lãm tại Nhật, nữ họa sĩ phát triển ý tưởng thành một series. Châu Giang vốn tốt nghiệp chuyên ngành vẽ tranh sơn dầu và từng tổ chức nhiều triển lãm tác phẩm thuộc chất liệu này. Chị làm quen với tranh lụa cách đây khoảng 10 năm. Khi thực hiện bộ sưu tập mới, chị gặp một số bạn bè vốn là họa sĩ chuyên về lụa để tham khảo kỹ thuật làm tranh. Khác với sơn dầu, lụa khi đã vẽ lên thì không thể xóa đi để vẽ lại, dù dùng nước rửa vẫn để lại dấu vết. Tác giả cũng gặp khó khăn trong khâu bồi tranh (công đoạn đắp thêm giấy hoặc hồ, giúp bảo quản tranh lâu dài) và phải tự tìm tòi kỹ thuật riêng để giữ được màu sắc, đường nét của các tác phẩm.
Châu Giang thích vẽ nude. Theo chị, khi đấy, mọi vẻ đẹp đều trở nên mong manh, khó che đậy. Một số chủ thể trong tranh là chính bản thân họa sĩ. Nhiều mẫu khác là người quen, người giúp việc của chị... Tác giả không chú trọng vào tiêu chuẩn sắc đẹp như đường cong, hình thể chuẩn, mặt mũi... "Tôi có một chuẩn đẹp riêng, đa số người phụ nữ trong tranh tôi đều mập mạp, toát lên vẻ khỏe mạnh", chị chia sẻ.
* Ảnh: Một số tác phẩm trong bộ sưu tập của Châu Giang
Rồng là hình ảnh đặc trưng trong bộ sưu tập mới của Châu Giang. Nghệ sĩ lý giải, đây là linh vật thiêng liêng song cũng rất gần gũi trong đời sống người dân. Với người châu Á, rồng biểu tượng cho sự thịnh vượng, giàu có. Song, ở một số nước châu Âu, rồng là loài thoắt ẩn thoắt hiện, đại diện cho tính ác bên trong mỗi người. Theo nữ họa sĩ, đó cũng là những đặc trưng trong thế giới tâm tư phức tạp của phái đẹp. Đôi khi, chị lấy cảm hứng từ chính đời sống vợ chồng chị - với những cãi vã, lo toan thường nhật.
"Tôi muốn nói đến nội tâm nhiều mâu thuẫn giữa cái thiện - ác, niềm vui lẫn nỗi buồn... Gam màu xanh - đỏ đại diện cho sự đối lập đấy. Con người ai cũng có một bản ngã khác ở bên trong, và luôn phải đấu tranh với bản thân", Châu Giang nói. Đó cũng là lý do chị chọn lụa - một chất liệu mong manh, khó nắm bắt - để diễn tả thế giới của những người phụ nữ.
Đêm khai mạc, căn phòng triển lãm khoảng 20 m2 chật kín khán giả đến thưởng thức. Ngoài công chúng trong nước, tác phẩm còn thu hút nhiều khách Anh, Mỹ, Hàn... bởi hình ảnh, chất liệu đậm chất Á Đông. Đội mưa đến địa điểm, Tuấn Thành (sinh viên đại học Mỹ thuật TP HCM) kể anh đọc thông tin về sự kiện qua mạng xã hội và chờ đợi triển lãm này đã lâu. Anh tâm đắc với cách tác giả vẽ tranh trên cả hai mặt. Có tác phẩm, ở mặt này, con rồng là chủ thể, người phụ nữ nép sau con rồng, nhưng nhìn từ mặt kia, con rồng lại là bóng dáng của người mẫu. "Dù vẽ ở khổ lớn, các bức tranh vẫn thể hiện được nhiều chi tiết nhỏ như móng con rồng, bông hoa... Điều này chứng tỏ tác giả vẽ rất nghiêm túc, kỳ công", khán giả này nhận xét.
Triển lãm tiếp tục diễn ra đến ngày 20/10. Châu Giang đang lên ý tưởng cho bộ sưu tập mới. Vẫn chủ thể là những người phụ nữ, chị chọn cách thể hiện song song qua tranh sơn dầu lẫn lụa. Từ đó, khán giả cảm nhận được sự phong phú của mỗi chất liệu khi khắc họa cùng một đề tài.
Họa sĩ Châu Giang tên đầy đủ là Nguyễn Thị Châu Giang, sinh năm 1975 ở Hà Nội. Năm 8 tuổi, chị theo gia đình vào TP HCM. Chị hai lần nằm trong top 10 Nghệ sĩ trẻ tài năng TP HCM năm 1997 và 1999. Sau khi tốt nghiệp đại học Mỹ thuật, chị được học bổng bốn tháng tại trường Mỹ thuật Paris. Năm 2014, chị là nghệ sĩ lưu trú tại xưởng nghệ thuật Cave ở New York. Ngoài vẽ, chị còn xuất bản hàng chục tập truyện ký, truyện ngắn, từng được vinh danh trong giải Văn học tuổi 20 và giải Văn học vì tương lai đất nước của Hội Nhà văn TP HCM và Nhà xuất bản Trẻ.
Mai Nhật