Ngôn từ và hình ảnh vốn là những phương tiện diễn đạt, chúng có vẻ khác biệt nhưng lại được sử dụng đồng thời và thường xuyên bổ sung cho nhau. Một sự vật mang trong nó nhiều ý nghĩa, hay những sự kiện không rõ ràng đều cần tới ngôn từ và hình ảnh để có một lời giải cuối cùng. Trong cuộc sống, chúng ta cũng kết hợp nhiều ngôn ngữ khác nhau để thể hiện, nhưng trong nghệ thuật, người ta thường rạch ròi phương tiện biểu đạt.
![body-1-9081-1395463953.jpg](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2014/03/22/body-1-9081-1395463953.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EOTIazqtD_Rmd7EOtkK8oQ)
Một phần của sắp đặt Tôi đến thăm bạn với một câu chuyện thị giác.
Tôi đến thăm bạn với một câu chuyện thị giác mang tới những cách thưởng thức tác phẩm mới lạ. Người xem có thể đọc một cách từ tốn, tập trung, để từ đó thấy hình ảnh. Song song đó, họ cũng có thể xem hình ảnh để chạm tới ngôn từ.
Trần Trọng Vũ xâu chuỗi những trang bản thảo ngôn từ của mình trên những sợi dây và treo chúng trong một căn phòng tối. Trong không gian với chút ánh sáng xanh dịu đó, người xem có thể đọc chậm từng chi tiết.
Bên ngoài phòng sắp đặt, tác giả cũng để những tập bản thảo Thư của chỉ một người.
![body-3-9103-1395463953.jpg](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2014/03/22/body-3-9103-1395463953.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8bYUKhDayMmahudP3XRBgA)
Bản thảo Thư của chỉ một người. (Ảnh: Manzi).
Sinh năm 1964 tại Hà Nội, Trần Trọng Vũ là con trai của cố nhà thơ Trần Dần. Anh đỗ đầu trường Mỹ thuật Hà Nội năm 1987, được học bổng vào học tại trường mỹ thuật Ecole Nationale des Beaux - Art tại Pháp. Hiện Trần Trọng Vũ sống tại Paris, đã thực hiện triển lãm mỹ thuật tại nhiều nơi trên thế giới.
Hiền Đỗ