Bán hàng thay con gái. |
Ông lão bán quán vụng về
Người dân ở ga Trần Quý Cáp, Hà Nội quá quen với hình ảnh Trần Hạnh ngày ngày ngồi coi hàng tạp hóa cho con gái. Một ki-ốt nhỏ chừng 10m2, bày từ đồ điện gia dụng tới giày dép, quần áo, nồi cơm điện. Khi phóng viên đến, Trần Hạnh đang ngồi đăm chiêu trên chiếu ghế nhựa, nhìn ra đường, cửa hàng ngập tiếng xập xình của bài Teen vọng cổ. Ông bảo mở cho có không khí chứ chẳng phải để nghe. 82 tuổi, rất minh mẫn nhưng tai diễn viên Cuốn sổ ghi đời không thể tinh nhạy như ngày trẻ. Ngồi sát vào ông vẫn phải nói to. Trần Hạnh đứng lên, thân mật bảo: “Chờ bố tắt đài đi, để nó nghe buồn cười quá”.
Lối xưng hô “bố - con” của Trần Hạnh làm người lần đầu tiên nói chuyện với ông cũng cảm thấy như thân quen từ bao giờ. Trần Hạnh nói như phân trần cho việc, mình cũng lao vào thương trường như ai: “Tôi không thường xuyên có mặt tại đây, chỉ là trông thay con gái. Nó đi có việc gì thì mình trông hộ. Người ta mua gì lại gọi điện hỏi con gái xem bao nhiêu tiền chứ có biết giá cả gì đâu”.
Khách đến, nhiều khi chẳng phải để mua đồ, chỉ là cái cớ để nói chuyện với một ông lão quen mặt trên màn ảnh, chuyên vào những vai nông dân nghèo khổ, chất phác và đôn hậu. Những khi ấy, Trần Hạnh có niềm vui nho nhỏ thấy khán giả ít nhiều nhớ tới mình. Thế nhưng, cũng có khi ông phát rầu vì việc hàng quán. Ông lão thật thà nên thường xuyên làm mất đồ. Khách xem hàng bên trong thì phía ngoài cửa hàng, kẻ gian rút đồ đi, có khi là đôi dép năm, mười nghìn đồng, có khi là cái mũ bảo hiểm tiền trăm. Con gái về lại trách bố chẳng biết trông hàng: "Bận sau người ta mua cái gì, bố đứng ra ngoài quan sát cả, không lời chưa thấy đâu lại chỉ thấy lỗ".
Nét đăm chiêu của lão nghệ sĩ nhiều trăn trở với nghề. |
Vẫn chờ một vai phản diện
Nhìn dáng Trần Hạnh ngồi, nụ cười nhăn nheo, quần áo cũ kỹ, chẳng ai ngờ ông là người gốc Hà Nội. Trần Hạnh sinh ra và lớn lên ở ngõ 51 Phát Lộc (Hàng Bạc), ngày trẻ là công nhân cầu đường, khi lấy vợ về làm thợ đóng giày, tối đi tập kịch nghiệp dư ở Thành đoàn Hà Nội, chỗ nhà thuyền Long Vân bây giờ. Khi khóa đầu tiên đào tạo diễn viên chính quy của trường Sân khấu được mở thì ông rẽ ngang về Đoàn kịch Hà Nội bởi lý do duy nhất: phụ cấp ở đó cao hơn 10 đồng. “Mọi người thấy tôi có năng khiếu nên bảo: Đằng nào cậu cũng vợ con rồi, xin vào đoàn chuyên nghiệp mà làm. Tôi xin đi học, người ta động viên: Thôi, học xong cũng làm sân khấu, chi bằng đi làm ngay, tôi trả lương kha khá cho. Thế là tôi về đoàn kịch Hà Nội, làm từ năm 1959 đến năm 1989 thì về hưu” - Trần Hạnh lim dim hồi tưởng.
Gắn bó với sân khấu hơn ba mươi năm, lần sang nhất của Trần Hạnh là vào vai Nguyễn Trãi trong Lam Sơn tụ nghĩa. Ông khoe, trong tập sách Người Hà Nội, Lưu Quang Vũ viết: "Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội". Từ ngày nghỉ hưu, chuyển sang đóng phim, Trần Hạnh chỉ còn được diễn những vai nông dân nghèo khổ. “Người Hà Nội có tiếng hào hoa, ấy vậy mà buồn cười, tôi lại toàn bị đóng nông dân. Chẳng hiểu vì sao. Có thể người ta thấy tôi phù hợp làm nông dân cả về ngoại hình, cách sống” - ông tủm tỉm cười. Vai diễn mới nhất của Trần Hạnh trên màn ảnh là trong Vệt nắng cuối trời - một ông nhà quê được con cháu đưa lên thành phố, tiếng là để cha hưởng phúc, thực ra để chúng tranh nhau bán mảnh đất hương hỏa đang được giá. Vẫn là nông dân nhưng lần đầu tiên Trần Hạnh được ở trong ngôi nhà sạch sẽ, khang trang.
Được yêu mến bởi dáng vẻ hiền lành khắc khổ, thật thà nhưng chính ông luôn khao khát được đổi mới mình. “Nhiều khi tôi cũng trách các đạo diễn bởi lẽ các ông các bà cứ quen ăn sẵn. Thấy mình phù hợp làm nông dân thì cứ bắt làm nông dân mãi, tôi xin vai ngược lại không ai cho cả. Muốn đóng một vai gì ác ác một chút, cá tính khác đi một chút, người ta bảo, thôi ông làm cái này cho nhanh” - giọng Trần Hạnh bỗng chốc chuyển qua đầy suy tư. Ông bảo, chưa vai nào mình hài lòng cả. Vai nào khi xem lại cũng thấy, chỗ này lẽ ra phải có cái này, chỗ kia phải thêm ý nọ. Ông tiếc vì thấy mình làm chưa tới. Trần Hạnh tự bạch rằng, ngoài đời ông giản dị, dễ dãi nhưng trong nghệ thuật thì rất khắt khe. Ông vẫn chờ được thay đổi mình bằng hình ảnh trái ngược, ví dụ một lão già giàu có, keo kẹt hay ác độc. Ông chẳng ngại mất hình tượng trong mắt khán giả, vì nếu mình làm tốt người ta vẫn yêu quý tài năng của mình. Chỉ sợ mình làm không ra gì mà thôi.
Trần Hạnh và chiếc xe ông coi như chiến hữu. |
Tình yêu đến sau hôn nhân
Những người làm nghệ thuật hay có câu: “vai diễn vận vào người”. Trần Hạnh không tin điều ấy dù bản thân ông thừa nhận: “Đời tôi có khi còn khổ hơn những vai diễn trong tivi”. Vợ ông - cô hàng xóm xinh đẹp, mạnh khỏe ngày nào giờ là bà lão gầy yếu, nằm liệt giường, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người khác. 9 năm nay, đêm nào ông cũng nằm canh cho vợ ngủ. Tầm 12h đêm, bà mệt quá thiếp đi, ông mới yên tâm chợp mắt. Đàn ông nhiều tuổi, chân tay lóng ngóng, việc thay giặt cho vợ trông chờ phần nhiều vào cô con gái. “Nếu không có nó, chắc tôi chết luôn rồi. Hai vợ chồng có với nhau 7 mặt con, chúng nó lớn tách ra lập gia đình, cuối cùng vẫn chỉ có hai ông bà già. Nhà cũng chật, có hơn 10 m, không cáng đáng được thêm ai. Những khi con gái chạy qua giúp mẹ, tôi lại thay nó trông hàng” - vừa kể, mắt ông vừa nhìn ra xa.
Ông lão ngoại bát tuần, nặng có hơn 40 kg, vẫn chạy xe Honda 82 đi theo các đoàn làm phim, vừa vì đam mê, vừa vì kế sinh nhai. Cát-xê kiếm được phụ thêm vào đồng lương hưu ít ỏi của hai vợ chồng, vừa thuốc men cho vợ, vừa chi tiêu sinh hoạt. Hỏi ông đã bao giờ nghĩ đến chuyện nghỉ chưa, ông bảo còn đi được thì cứ phải làm thôi, trừ khi không cưỡng được số mệnh nữa. “Nhiều người cũng băn khoăn về việc mình bằng này tuổi còn chạy xe máy đường xa, biết đâu cái xảy nảy cái ung nhưng đời là cái số rồi con ạ” - ông nói như trấn an người đối diện. Thường các đoàn phim hay đưa đón diễn viên. Diễn viên tập trung lên hãng rồi có ôtô đưa nhưng Trần Hạnh cứ túc tắc xe máy một mình. Ông lý giải, đi theo ôtô thì ở những nơi không cần thiết có mặt cả ngày, mình vẫn phải chờ đoàn tới 10h đêm, trong khi bà xã ốm nằm liệt ở nhà. Thà đi xe máy, 3 - 4 giờ chiều túc tắc đi về trước còn hơn.
Tự nhận rằng cuộc đời mình chẳng sung sướng gì nhưng Trần Hạnh bảo, đến tận giờ phút này, ông chẳng có gì nuối tiếc hay ân hận. “Tôi lúc nào cũng bằng lòng với những gì mình đang làm. Tôi luôn nghĩ nhiều người còn khổ hơn mình” - ông tâm sự. Trần Hạnh bằng lòng từ việc 7 đứa con mưu sinh vất vả, không đứa nào theo nghề bố vì năng khiếu là cái không di truyền đến việc bà vợ tai biến mạch máu não nằm liệt giường. Kể về vợ, Trần Hạnh cười khoe hết cả hàm răng to, xỉn, có cái đã rụng. Hai người nên duyên từ hồi ở ngõ Phát Lộc, trước khi Trần Hạnh bén nghệ thuật. Vợ đan len, chồng đóng giầy, sau chồng chuyển sang sân khấu thì vợ cũng may mắn xin được vào ngành ăn uống Hà Nội. “Chúng tôi tuy gần nhà nhưng chẳng biết nhiều về nhau. Thời tôi, không mấy ai tự do tìm hiểu mà đều là người lớn sắp đặt. Bà nội tôi lấy vợ cho tôi. Thế nhưng tôi ưng ý. Đến tận bây giờ vẫn rất hài lòng. Cũng có thể xem là kiểu tình yêu đến sau hôn nhân. Chỉ có về già bà ấy hơi lắm điều một tý” - ông lại tủm tỉm cười.
Câu chuyện về lão nông gốc Hà Nội kết thúc khi cô con gái đi xe 82 của bố về thay ca trông cửa hàng. Giỏ xe có một ít thức ăn chuẩn bị cho bố nấu cơm trưa. Trần Hạnh tất bật đứng lên, không quên vỗ vai tôi: “Bố về đây, hôm nào nói chuyện sau nhé. Về xem bà lão thế nào”. Cái dáng gầy gò trên chiếc cúp xanh dần khuất vào dòng người đông đúc đổ ra từ ga Trần Quý Cáp, giữa cái nắng chói chang ngày hè.
Ngọc Trần
Ảnh: Ngọc Trần
Cảm nhận của bạn về con người Trần Hạnh và những vai diễn của ông?