Hiện nay, Nhật Chiêu tập trung vào công việc sáng tác truyện ngắn - những truyện ngắn mang hơi thở của Hậu hiện đại. Hạc vàng là tác phẩm trích từ tuyển tập Người ăn gió và quả chuông bay đi.
Mưỡu
Cánh hạc vàng, cánh hạc vàng
Hư không bỏ lại, điêu tàn mang theo
Câu mưỡu đơn của thể thơ hát nói mở đầu truyện ngắn. Mưỡu là đề từ chăng? Để gợi nhớ về Thôi Hiệu chăng? Hay là để tìm kiếm hạc vàng của thời xưa cũ?
Bìa tập truyện ngắn. |
Nếu chúng ta phân tích một truyện ngắn, chắc hẳn công việc đầu tiên là giới thiệu tóm lược câu chuyện xảy ra trong đó. Nhưng thực sự là không thể làm như thế với Hạc vàng, bởi nó là Hậu hiện đại. Một trong những cơ sở của thủ pháp Hậu hiện đại là giải cấu trúc, nghĩa là phải phá vỡ, phải hóa giải cấu trúc - một hệ thống khép kín tồn tại trong những sáng tác văn chương. Hãy tự đọc tác phẩm và tùy anh, yêu hay ghét nó.
Nhật Chiêu không xây dựng một cốt truyện hoàn chỉnh có mở đầu và có kết thúc. Hạc vàng của ông chỉ là những phiến đoạn đặt cạnh nhau, không coi cái nào là trọng tâm, không có phiến đoạn nào là thứ yếu. Mười một phiến đoạn bình đẳng, ngang hàng nhau. Và cũng không hề xen vào một lời bình luận nào giữa chúng. Tính phiến đoạn là thủ pháp của nghệ thuật Hậu hiện đại.
Hậu hiện đại là trào lưu của cái nhìn, đưa ta về với thế giới như nó vốn là, không gán thêm bất kỳ ý nghĩa nào cho nó. Đây là mảnh đất của tự do: tự do tư tưởng, tự do sáng tạo, tự do sống...
Hạc vàng của Nhật Chiêu rất tự do, không bị gò bó trong một thủ pháp khu định nào. Hình thức biểu hiện của truyện ngắn này là sự góp mặt của rất nhiều thể loại: hát nói, văn xuôi, thơ tự do, lục bát, ca dao.
"Mẹ ơi, đó là con vịt bị ốm à?
Không phải đâu.
Chắc là ngỗng con đang nhớ bố?
Không phải."
"Nhất lung thiên địa tàng thân tiểu
Hạc đã quên bay, cánh hạc vàng!
Hạc vàng nhất khứ,
Vĩnh cửu quy hồi"
Sự tìm kiếm những cách diễn đạt mới như trên làm cho hình thức tác phẩm Hậu hiện đại trở nên đa dạng.
Nhìn ở một góc độ nào đó, Hạc vàng giống như một bài hát nói chính cách mười một câu với kết cấu: mưỡu đầu – trổ đầu (gồm 4 phần 1, 2, 3, 4) – trổ giữa (5, 6, 7, 8) – trổ cuối (9, 10, 11). Trong đó, phần thứ mười (10) có chứa mưỡu hậu và câu keo:
Hư không đâu, bóng dương tà?
Mang mang cát bụi, còn ta với sầu
Tan nghìn xưa, nát nghìn sau!
Đây chính là sự vận dụng nghệ thuật nhại đùa Hậu hiện đại của tác giả Nhật Chiêu. Hình thức nhại đùa không có ý phỉ báng hay giễu cợt, đơn giản nó chỉ muốn cho người đọc trong một lúc tìm thấy nhiều cách viết khác nhau về cùng một đối tượng.
Trong tác phẩm của mình, Nhật Chiêu đã sử dụng rất nhiều yếu tố nhại đùa.
Ông nhại lại bài thơ Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu.
Hạc vàng nhất khứ,
Vĩnh cửu quy hồi.
So với:
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Ông đã dịch bài thơ nổi tiếng này sang tiếng Việt bằng thể lục bát, và giờ đây, ông cũng nhại lại bài dịch ấy của mình trong hai câu mưỡu ở phần đầu truyện ngắn:
Chở tiên đi, cánh hạc vàng
Bỏ hư không lại còn Hoàng hạc lâu
Trong bản dịch bài Đăng An Lục tây lâu của Triệu Hỗ, Nhật Chiêu viết:
Lầu gác ngày ngày mở tiệc chơi
...
Mây mưa ngầm đổi người ca múa
Sông núi không ngưng chén khóc cười
Thì trong Hạc vàng ông nhại rằng:
Mây mưa ngầm đổi
Người ca múa rồi
Giữa thinh không ấy
Nửa chừng cuộc chơi.
Còn:
Xe xe, bụi bụi,
Ma ma, người người
Phải chăng tác giả muốn nhại lại Phản chiêu hồn của Nguyễn Du?
Hay hình ảnh con cò chết rũ trên cây trong ca dao Việt Nam đã trở thành "cánh hạc vàng chết rũ trong lồng". Mà hình ảnh cái lồng mà ông nhắc đến ở đây và ở trong phần một của truyện ngắn phải chăng cũng là sự nhại đùa cái lồng trong sở thú nơi nhốt những anh hùng của chốn rừng xanh như trong thơ của Rainer Maria Rilke (bài Con báo), hay cũi sắt giam cầm sự oai nghiêm của chúa tể sơn lâm trong Nhớ rừng của Thế Lữ...
Sự nhại lại hướng người đọc đến cách đọc liên văn bản. Qua đó chủ nghĩa Hậu hiện đại cho rằng không có cái mới vì cái mới chẳng qua là sự tái sắp xếp những điều đã có từ xưa. Những cái nhại lại của Nhật Chiêu trong Hạc vàng không phải là cái mới hay chính là cái mới?
Trở lại với tính chất phiến đoạn trong truyện ngắn Hạc vàng. Mười một phần xếp ngang bằng nhau cho chúng ta mười một mảnh vỡ từ cuộc sống. Những đoạn đối thoại xuất hiện gần như trong tất cả các phần.
Mi có biết thành phố lớn này thật sự là lớn không?
Mi có biết trường Đại học này thật sự là vĩ đại không?
Mi có biết cái lồng dựng trước cổng Đại học này thật sự là cái lồng bao la không?
Đây là những đại tự sự nhai đi nhai lại với một lòng tự hào không giấu giếm để bắt ép hoàng hạc phải tỏ ra vui mừng khi được nhốt trong một cái lồng bao la, trước một cái trường vĩ đại của một thành phố lớn. Trong khi thế giới chỉ là một tinh cầu bé nhỏ! Trong khi hoàng hạc được xem là linh điểu xứ thần tiên! Nực cười thay cho sự bao la ấy.
Chim vàng một thuở
Rơi thì đã rơi!
Hạc vàng đã lạc giữa trần gian, nơi không thể trở về, nơi đầy rẫy lũ chim anh vũ nhảm nhí, nơi sự thay đổi đến không gì cưỡng lại được, nơi người và ma lẫn lộn.
Ta là Hạc Vàng. Như ta vẫn là.
Không gì là thật và không gì là giả. Hãy nhìn hạc vàng là hạc vàng. Hạc vàng đã đến như nó chính là, cớ sao không chấp nhận nó, cớ sao lại hỏi chuyện thần tiên.
Vị giáo sư bày tỏ tham vọng biến hạc vàng từ một "hình tượng" thơ ca thành một "hình ảnh" để giải phẫu kiếm tìm chân lý thơ ca. Hạc vàng đã sống cả nghìn năm.
Lời đề nghị của chủ gánh xiếc biến hạc vàng thành trò mua vui cho thiên hạ. Nhà thiết kế thời trang muốn đổi lấy những chiếc lông vàng thần tiên. Nhà sử gia muốn đưa hạc vàng vào "chính sử". Cõi trần gian chỉ là những lời đề nghị thực dụng và thô thiển với cánh hạc thiêng liêng, cánh hạc của thi ca.
Hạc vàng bất tử. Bi kịch của những kẻ bất tử.
Và đến phần mười một, những cái kết thúc diễn ra, mơ hồ với câu hỏi lớn dành cho độc giả. Hạc vàng sẽ ra sao?
Trong thế giới mà vẻ bề ngoài vật chất luôn được quan trọng hóa: "thực sự lớn" hay "thực sự vĩ đại".
Trong thế giới mà những kẻ nhảm nhí thường được đắc chí.
Trong thế giới bất định và hỗn loạn mà vẫn có những kẻ muốn đặt nó trong tầm kiểm soát, muốn biết hết, muốn đạt đến "chân lý tuyệt đối".
Trong thế giới mà vẻ đẹp của thơ ca bị trần trụi hóa.
Trong thế giới chữ tiền choáng ngợp. "Ngàn năm bay mà không có một xu".
Trong một thế giới thích phô trương. Thơ ca là "pô - em" hay "pô - anh" nhỉ?
Trong thế giới mà bằng cấp quan trọng hơn thực học. Buồn cười thay cho vị giáo sư của Tôi À À của trường Đại học vĩ đại kia, không nói được một câu cho rõ ràng mà cứ muốn đuổi bắt cho được nàng thơ trong hạc vàng.
Chỗ của hạc vàng không phải là ở trong lồng, dù là cái lồng bao la đến mấy. Chỗ của hạc vàng là bầu trời cao xanh tự do của thơ ca mà thiếu nó, hạc vàng cũng chỉ là, "một con chim, ờ nhỉ!".
Có một nhà thơ xuất hiện, nhẹ nhàng mở cửa lồng. Bạn có thấy gì không? Câu chuyện Hạc vàng ngừng tại chỗ ấy.
Lê Thị Hồng Nhung