Danh sách ca khúc của album là những bài khá quen thuộc của dòng nhạc tiền chiến: Mùa thu cho em, Xóm đêm, Mắt biếc, Gửi gió cho mây ngàn bay, Bản tình cuối, Niệm khúc cuối, Đêm đông, Ai về sông Tương, Lá đổ muôn chiều, Chiếc lá cuối cùng. Những bài này gần đây được hát lại khá nhiều bởi những giọng ca cũng gắn liền với nhạc tiền chiến: Ánh Tuyết, Quang Dũng, Đức Tuấn, Xuân Phú... Lần này, Tùng Dương "quái quái" với những dòng nhạc mang tính chất thể nghiệm, Lệ Quyên ăn khách cùng những ca khúc thị trường, Tuấn Hiệp - cái tên còn khá lạ với thị trường âm nhạc chung, thể hiện "hương xưa" là một điều lạ. Và họ, 3 ca sĩ trẻ của Hà Nội, đã mang đến cho CD nhạc một không gian vừa mới mẻ vừa nồng nàn tình cảm.
Hình ảnh bìa của CD "Mắt biếc". |
Với 3 bài hát Mùa thu cho em, Gửi gió cho mây ngàn bay, Lá đổ muôn chiều, Tùng Dương không "ma quái" mà chỉ tinh lọc đúng cái chất nam tính, vững chãi và tinh tế để hát nhạc xưa. Bài hát của Ngô Thụy Miên vừa đẹp bởi sự lãng mạn vừa ngập tính ngẫu hứng, 2 ca khúc của Đoàn Chuẩn - Từ Linh thì mới mẻ bởi nét phiêu diêu của jazz qua xử lý có chút phá cách của ca sĩ. Ba ca khúc được cảm và thể hiện vừa rất đúng tinh thần vừa "đậm chất". Mùa thu cho em bớt suy tư mà bay bổng hơn, không gian Hà Nội xưa trong Gửi gió cho mây ngàn bay, Lá đổ muôn chiều vẫn đẹp lãng mạn, còn có thêm sự ngẫu hứng, nghịch ngợm.
Cách hát bản năng, ngọt ngào của Lệ Quyên ngẫu nhiêu trở thành đặc sản, phù hợp với không gian cô đơn, lạnh giá của Xóm đêm, Đêm đông, chất si tình của Niệm khúc cuối, Chiếc lá cuối cùng. Giọng ca đang gắn liền với những ca khúc thị trường này hóa thân trong một chân dung mới, sâu thẳm và đậm đà hơn. Không kể đến những yếu tố xử lý bài hát, điều mà Lệ Quyên làm được trong sản phẩm này chính là chuyển tải khá đầy đặn hồn của những ca khúc mang âm hưởng buồn sâu nặng, trong đó có Đêm đông của Nguyễn Văn Thương, một ca khúc thuộc dạng kinh điển của nhạc tiền chiến.
Thành công còn lại thuộc Tuấn Hiệp, giọng ca còn lạ với thị trường âm nhạc Việt Nam. Gắn liền với nhạc cổ điển, những ca khúc truyền thống, chàng trai xuất hiện có phần đột ngột với nhạc tiền chiến cũng tìm được nét riêng cho mình. Có thể thấy qua lối hát trầm tư là sự kỹ tính đặc trưng của người chuyên hát nhạc cổ điển trong thể hiện. Tuấn Hiệp với Mắt biếc, Bản tình cuối, Ai về sông Tương, có chút gì đó của Sỹ Phú xưa, nhưng thêm cả phần trong, sáng và rõ. Niệm khúc cuối, bài song ca của anh với Lệ Quyên, là sự kết hợp thú vị giữa lối hát tiết chế cảm xúc và cách thể hiện bản năng.
Mắt biếc qua 3 giọng ca trẻ, với 3 sắc thái, 3 cảm nhận khác nhau về tình yêu, cuộc sống, nỗi buồn trong nhạc xưa. Ba nhạc sĩ hòa âm Hồng Kiên, Đức Nghĩa, Hồ Hoài Anh cũng là 3 người trẻ tuổi. Tất cả họ mang đến một màu sắc mới cho dòng nhạc trở lại khá "hoành tráng" thời gian gần đây.
Đ.D.