Anh Vân -
- Đọc "Cọp trắng" nguyên bản tiếng Anh ("The White tiger") trước khi cuốn sách được dịch sang tiếng Việt, ông có thể cho biết ấn tượng của ông về cuốn sách?
- Có một ấn tượng mà tôi tạm gọi là sự giải thiêng nền văn hóa Ấn Độ. Nhà văn Aravind Adiga nhìn văn hóa và xã hội Ấn từ bên trong lẫn bên ngoài. Nếu như trong tác phẩm của nhiều văn hào Ấn trước đây, đất nước lâu đời này được thể hiện vừa huyền bí, thiêng liêng vừa đầy ắp tình yêu và nét đẹp thần linh lẫn trần thế thì khi đọc Cọp trắng, độc giả được chuyển kênh sang một "Ấn Độ trong bóng tối"...
Ví dụ, nhiều đại thi hào, văn sĩ Ấn trước Aravind Adiga từng đề cập về vấn nạn phân chia giai cấp ở đất nước này, nhưng ít ai phát biểu điều đó quyết liệt như Cọp trắng, khi cho rằng: phát minh vĩ đại nhất của Ấn Độ trong mười nghìn năm lịch sử là Chuồng Gà (một hình ảnh ẩn dụ của nhà văn Aravind Adiga trong cuốn sách khi nói những người nghèo Ấn Độ đang bị nhốt chặt trong chiếc Chuồng Gà vô hình).
Tiểu thuyết "Cọp trắng" đã có mặt tại các nhà sách trên toàn quốc. |
Balram, nhân vật chính trong tác phẩm không cam chịu ở yên trong Chuồng Gà và tìm mọi cách thoát ra, kể cả bằng cách đen tối nhất là giết người. Một con gà vươn mình trở thành một con cọp trắng (ý nghĩa của từ "balram" trong tiếng Ấn), đó là hình ảnh ẩn dụ ấn tượng.
Cọp trắng lột trần mặt trái của xã hội Ấn và người ta không thấy có bóng dáng của núi Himalaya linh thiêng hùng vĩ ở phía sau giống như nhiều tác phẩm khác.
- Điểm khác biệt nào khiến tiểu thuyết đầu tay của một nhà văn trẻ như Aravind Adiga lại đoạt giải thưởng Man Booker danh giá?
- Đó là sáng tạo trong cách kể chuyện độc đáo, lôi cuốn và hài hước. Trước đây, nhiều nhà phê bình "chê" rằng nhà văn Ấn Độ thường không có óc hài hước bằng nhà văn Trung Quốc và Nhật Bản. Nhưng qua Cọp trắng, có thể thấy nhận xét này là chưa đúng. Cuốn sách có giọng văn trào lộng hấp dẫn.
Theo nhà nghiên cứu Phan Nhật Chiêu, "Cọp trắng" giúp độc giả thấu hiểu những chuyển biến mạnh mẽ của xã hội Ấn Độ hiện đại. |
- Sự nhạo báng, đi ngược lại truyền thống cùng sự hoài nghi và chỉ trích xã hội đầy ắp trong "Cọp trắng" liệu có gây phản ứng ngược về góc nhìn cực đoan của một tác giả trẻ?
- Tôi nhớ nhà văn Lỗ Tấn từng nói: Trung Quốc là xứ của người ăn thịt người. Ngay cả tinh thần AQ mà Lỗ Tấn nêu ra cũng cho thấy mặt trái trong quốc dân tính của đất nước này. Không thể vì thế mà cho là Lỗ Tấn không yêu nước của ông.
Tiểu thuyết Cọp trắng đi ngược lại những tín ngưỡng truyền thống bao đời tôn vinh thần linh của xứ Ấn. Qua ngòi bút của tác giả, những vị thần bị "giáng cấp" chẳng khác gì người trần. Sông Hằng linh thiêng được mô tả chẳng khác dòng sông đen ngòm, đầy rác rưởi và xác chết. Trong bối cảnh đó, một xã hội thực dụng, phân chia giữa thế giới của người giàu và người nghèo được hiện rõ. Chính từ cách thể hiện này, nhà văn có thể giúp chúng ta hiểu một phần của cuộc đời, hiểu về bóng tối của xã hội hiện đại Ấn Độ. Đồng thời, tác phẩm có thể nêu lên một giả định: Liệu điều gì có thể xảy với thế giới khi những con người kiểu như Balram nổi loạn và vùng lên bằng mọi cách?
Tôi không nghĩ tác giả viết ra cuốn sách để ca ngợi mẫu nhân vật kiểu Balram. Milan Kundera từng nói, mục đích của tiểu thuyết không phải là ca ngợi hay chê bai mà là làm cho ta thấu hiểu. Cách viết phê phán trong Cọp trắng cho thấy một trong những nhiệm vụ của văn chương là dùng "thuốc đắng", cực đắng để "giải bệnh" cho xã hội. Nếu Aravind chỉ nhìn vào khía cạnh thiêng liêng của nền văn hóa đất nước mình thì ông khó mà phơi bày được "bóng tối" của nó. Ngay cả bản thân tác giả cũng từng nói: "Tôi viết Cọp trắng để mong xã hội tốt đẹp hơn".
- Ông nghĩ sao về việc chưa nhiều tác phẩm văn học Ấn Độ đương đại xuất hiện tại Việt Nam?
- Ấn Độ là một tiểu lục địa mênh mông, bát ngát. Với xứ sở bao la, có nền văn hóa lâu đời và hiện có hơn một tỷ dân, nói 15 ngôn ngữ chính thức như thế thì việc giới thiệu văn học Ấn Độ hiện đại tại Việt Nam như hiện nay còn quá khiêm tốn, chưa xứng tầm. Đó là điều đáng tiếc cho độc giả.
Tọa đàm Ấn Độ hiện đại qua góc nhìn của "Cọp trắng" diễn ra ngày 22/10 tại đại học KHXH & NV TP HCM thu hút hơn 100 sinh viên tham gia. Ngoài phần trình bày của nhà nghiên cứu Phan Nhật Chiêu, tọa đàm có sự góp mặt của dịch giả Phạm Viêm Phương, dịch giả Thi Trúc (người chuyển ngữ tiểu thuyết The White Tiger sang tiếng Việt). Nhiều người dự khán khá bất ngờ vì dịch giả Thi Trúc còn rất trẻ nhưng chị đã chuyển thể thành công một tiểu thuyết văn học đoạt giải thưởng lớn của thế giới. Nhân dịp này, các dịch giả cũng chia sẻ với các bạn trẻ về nhiều kinh nghiệm khi muốn gắn bó với công việc dịch thuật. |
Anh Vân ghi