"Siêu mẫu" là thuật ngữ chỉ những chân dài có cát-xê cao ngất ngưởng, thường xuyên trình diễn trang phục cao cấp, xuất hiện trên bìa tạp chí uy tín hay các chiến dịch thương hiệu quy mô, và nổi tiếng ở phạm vi toàn cầu. Danh xưng "siêu mẫu" đặc biệt phổ biến và thống trị ngành công nghiệp thời trang thế giới trong những năm 1980.
Bản thân tên của các siêu mẫu cũng là một "thương hiệu", chúng được nhiều người nhắc tới với tần suất dày đặc, đồng thời sự nghiệp của người mẫu này được cả làng mốt quốc tế thừa nhận.
Nhìn chung, hầu hết siêu mẫu đình đám đều từng góp mặt trên các tạp chí uy tín như Vogue phiên bản Pháp, Anh và Italy. Siêu mẫu Claudia Schiffer từng chia sẻ: "Để có thể trở thành siêu mẫu, một người mẫu phải xuất hiện trên tất cả trang bìa danh tiếng ở phạm vi toàn cầu vào cùng một thời điểm, để mọi người có thể nhận ra họ".
Về cơ bản, những chân dài kiệt xuất đã được thừa nhận trong hàng siêu mẫu thế giới đều đáp ứng được các tiêu chí sau:
1. Hợp tác làm việc với các công ty quản lý, nhà thiết kế hàng đầu
Một người mẫu bình thường muốn thành danh trên thị trường quốc tế trước hết phải đầu quân cho những công ty quản lý càng lớn càng tốt. Thời gian và địa điểm casting cho các show ở nước ngoài luôn được giữ bí mật, chỉ có nhà tổ chức show và các công ty quản lý nắm rõ. Danh tiếng của hãng quản lý càng lớn đồng nghĩa với việc mối quan hệ của họ càng rộng, người mẫu có nhiều cơ hội tỏa sáng hơn. Một siêu mẫu có thể làm việc cho nhiều công ty quản lý trên thế giới.
Ví dụ, siêu mẫu Alessandra Ambrosio sau khi hoàn thành lớp người mẫu ở Erechim (Brazil) đã dời đến Sao Paolo sống và đầu quân cho một công ty quản lý địa phương. Dưới sự bảo trợ của hãng, cô tham vào một cuộc thi người mẫu tổ chức bởi Elite, một trong những công ty quản lý lớn nhất của New York, và giành giải nhất. Alessandra Ambrosio sau đó được hàng loạt công ty quản lý hàng đầu săn đón, như New York có DNA, Milan là Elite Milan hay London là Models 1. Tất cả hãng quản lý này đều thuộc hàng top tại các kinh đô thời trang.
Ngoài việc tham gia các cuộc thi lớn, các chân dài còn có thể tìm kiếm cơ hội ở các hội nghị người mẫu. Trong sự kiện này, các công ty quản lý nhỏ ở địa phương sẽ quảng cáo người mẫu của mình tới những hãng lớn hơn. Hai chân dài Amy Wesson và Jessica White cũng từng được phát hiện theo cách này ở Hội nghị Người mẫu và Tài năng Quốc tế diễn ra ở New York và Los Angeles hai năm một lần.
Mặc dù vậy, làng mốt cũng có những trường hợp ngoại lệ. Bước lên đỉnh vinh quang sớm nhất trong lịch sử làng mẫu, Kate Moss được công ty quản lý Storm phát hiện khi cô ở sân bay John F. Kennedy (Mỹ). Trong khi đó, Adriana Lima và Gemma Ward lại được tìm thấy khi họ đi cổ vũ một người bạn trong một cuộc thi tìm kiếm người mẫu. "Hầu hết những siêu mẫu này đều không nghĩ rằng mình có tiềm năng. Họ cũng là minh chứng cho thấy những cô gái xinh nhất chưa hẳn đã là một người mẫu xuất sắc", Ivan Bart, đại diện của công ty quản lý hàng đầu New York là IMG Models cho biết.
2. Ký nhiều hợp đồng quảng cáo giá trị
Muốn tên tuổi trở thành "điểm nóng" trong làng mốt, giới mẫu phải tìm cách xuất hiện trong show của những tên tuổi hàng đầu để quảng bá bản thân. Sau khi ký xong hợp đồng với các công ty quản lý lớn, các người mẫu mới vào nghề phải nỗ lực làm việc để tạo thương hiệu cá nhân. Thử thách lớn nhất là phải vượt qua các tuần thời trang uy tín ở New York, Paris, Milan và London. Với lịch hẹn làm việc dày đặc, họ phải tận dụng từng phút một để đi gặp gỡ khách hàng và diễn show trong suốt 6 tuần liên tục cho một sự kiện fashion week.
Thông thường, một người mẫu có kinh nghiệm sẽ kiếm được trung bình từ 250 USD đến 1.200 USD (từ 5 triệu đồng đến 25 triệu đồng) cho một show diễn kéo dài một tiếng. Tuy vậy, người mẫu mới vào nghề thì kiếm được ít hơn nhiều, thậm chí gần như không có gì. Hầu hết nhà thiết kế đều không trả tiền diễn show. Trong khi đó, cát-xê mà người mẫu thu được sẽ bị trừ 10% để công ty quản lý trả cho các phương tiện di chuyển. Mức này có thể bị đưa lên mức 20% nếu người mẫu vẫn còn hợp đồng với công ty quản lý nhỏ ở địa phương.
Tuy nhiên, những hy sinh này không hề vô nghĩa. Bốn tuần lễ thời trang lớn là sự kiện hội tụ nhiều nhân vật thế lực trong ngành công nghiệp, từ nhà thiết kế, biên tập viên thời trang, nhiếp ảnh gia cho đến các công ty quần áo và mỹ phẩm. Nếu được mời làm đại sứ thương hiệu cho một hãng lớn hoặc may mắn "lọt mắt xanh" của tổng biên tập Vogue, Anna Wintour, các chân dài sẽ nhanh chóng gặt hái được không ít danh tiếng và tiền tài sau đó. Đây chính là lý do khiến cho việc một người mẫu nào trở thành đại sứ của một hãng thời trang tên tuổi hay lên bìa Vogue luôn khiến giới mộ điệu chú ý.
Estee Lauder được coi là bệ phóng thành công cho không ít người mẫu nổi tiếng. Có thể kể đến một loạt tên tuổi như Hilary Rhoda, Paulina Porizkova, Elizabeth Hurley, Carolyn Murphy, Karen Graham hay Liya Kibede. Ngoài danh tiếng, những người mẫu này còn được hãng mỹ phẩm ký hợp đồng trị giá từ 300.000 USD đến 2 triệu USD một năm (khoảng 6,3 tỷ đồng đến hơn 42 tỷ đồng). Con số họ kiếm được hàng năm từ hợp đồng này tùy thuộc vào thời gian làm việc của người mẫu mỗi ngày và mức độ độc quyền của công việc.
3. Có tầm ảnh hưởng lớn đến làng thời trang thế giới
Thước đo đích thực của một siêu mẫu không chỉ dừng lại ở số tiền họ kiếm được. Bên cạnh những hợp đồng quảng cáo kếch xù, một siêu mẫu phải khẳng định được thương hiệu của mình trên thế giới.
Hồ sơ của siêu mẫu phải có đủ cả hình quảng cáo lẫn editorial (có nội dung, phi quảng cáo) của các nhà thiết kế hàng đầu trên những tạp chí lớn. Sàn catwalk của những thương hiệu nổi tiếng, từ đồ ứng dụng cho đến couture, đều không bao giờ thiếu sự vắng mặt của các chân dài này.
Bên cạnh đó, các chân dài muốn được gọi là siêu mẫu phải có tầm ảnh hưởng đặc biệt đến ngành công nghiệp. Lúc này, cá tính, bản sắc riêng của mỗi người sẽ tạo nên sự khác biệt giữa một người mẫu bình thường với một siêu mẫu. Cuộc sống, phát ngôn, các hoạt động, tầm ảnh hưởng và hình ảnh của họ vượt qua cả những trang tạp chí, len lỏi cả vào những bài viết về lịch sử cũng như xã hội học.
13 siêu mẫu cuốn hút nhất mọi thời đại
Thành Trương