- Thưa nhà văn Lê Lựu, ông đã cộng tác với đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh để làm bộ phim này, lại là phim nhựa, vậy công việc đến đâu rồi?
- Anh Minh ngỏ ý với tôi muốn chuyển thể Thời xa vắng thành phim nhựa từ năm 1987. Sau đó, trong những lần anh Minh về nước, chúng tôi đã đi chọn diễn viên, chọn cảnh quay ở làng quê miền Bắc. Nhưng do một số nguyên nhân, phim vẫn chưa được dựng. Thời gian qua đi, những cảnh ngày ấy chúng tôi chọn giờ đã thay đổi nhiều, diễn viên dự định vào các vai cũng già đi. Bây giờ phải làm lại từ đầu. Kịch bản do anh Minh viết có nhờ tôi cố vấn. Tôi đề cập đến ba vấn đề chính: ý tưởng của phim, không khí nhà quê trong phim sao cho đó là nhà quê của Thời xa vắng chứ không phải của nơi nào khác, cuối cùng là ngôn ngữ đối thoại và tính cách nhân vật. Kịch bản bộ phim đã được thông qua và Hãng phim Giải Phóng đứng ra làm. Cuối năm nay, anh Minh về nước sẽ tiến hành khởi quay. Các khâu như chọn diễn viên, ê-kíp làm phim đều do đạo diễn làm, tôi tin tưởng vào sự lựa chọn của Hồ Quang Minh. Ngược lại, anh ấy cũng tôn trọng ý kiến của tôi.
- Nghe nói phim được kết hợp giữa "Thời xa vắng" và một truyện ngắn khác của ông?
- Đúng vậy. Bộ phim chỉ thể hiện phần I của Thời xa vắng và kết hợp thêm Bến sông của tôi. Tôi và anh Minh muốn đặt vấn đề hơi khác một chút. Thêm Bến sông, chúng tôi tạo ra những bối cảnh mới cho nhân vật để nhấn mạnh ý tưởng của mình. Tôi muốn nói với khán giả rằng con người vốn cô đơn nên rất cần sự nương tựa. Trong phim khán giả sẽ thấy bố mẹ ép buộc Sài lấy Tuyết đến mức quá quắt. Nhưng Sài không có tình yêu với cô ta, mỗi lần bị dằn vặt như thế, anh ta lại ra bến đò với một ông già sống cô độc để tìm nguồn an ủi.
- Có lần ông đã nói nếu được viết lại "Thời xa vắng" thì ông sẽ viết khác. Bây giờ xây dựng kịch bản phim, ông có thêm vào những sự kiện mới để mang hơi thở của cuộc sống hiện đại không?
- Trong kịch bản chúng tôi giữ nguyên các chi tiết của tiểu thuyết. Người xem sẽ vẫn thấy một Sài lầm lũi trong cái bóng của mình, một Tuyết cam chịu với số phận, một Hương sống nhường nhịn với mọi người, nhưng rất mãnh liệt trong tình yêu… Trong phim có thêm bối cảnh mới chỉ để làm tôn thêm tâm trạng, hoàn cảnh nhân vật. Vấn đề còn lại bây giờ là tài năng của đạo diễn và diễn viên.
- Ông có đánh giá gì về kịch bản bộ phim này?
- Tôi khẳng định rằng kịch bản là yếu tố đầu tiên quyết định sự hay dở của phim. Với Thời xa vắng, tôi rất hài lòng về kịch bản. Anh Minh và tôi có những ý tưởng giống nhau nên chúng tôi tôn trọng hoàn toàn kết cấu và các nhân vật trong tác phẩm, điều đó tạo nên nét riêng cho bộ phim.
- Ông có mong ước gì cho tác phẩm của mình khi lên màn ảnh?
- Thực sự tôi không mong ước gì cả. Tiểu thuyết Thời xa vắng được tái bản 10 lần thì nhiều người đã biết, nó có vị trí riêng trong lòng bạn đọc. Có lẽ công chúng cũng muốn nó được dựng thành phim. Và qua những gì đã làm được, tôi tin là tác phẩm sẽ đáp ứng được lòng mong mỏi của người xem.
- Liệu ông có sợ bị một nguyên mẫu nào đó đi kiện như "Sóng ở đáy sông"?
- Một tác phẩm được viết từ nhiều nhân vật, sự kiện chứ không phải là một nguyên mẫu nào. Chuyện kiện tụng Sóng ở đáy sông là một việc buồn cười. Với Thời xa vắng, tôi không ngại sẽ bị ai kiện tụng cả.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo Hà Nội Mới Chủ Nhật)