Thứ bảy, 29/6/2024
Chủ nhật, 7/5/2023, 13:07 (GMT+7)

Thời thanh xuân của Thành Lộc, Quang Minh và dàn tài tử

Thành Lộc trẻ trung với tóc rẽ mái, Quang Minh để ria mép phong trần trong bộ ảnh về dàn nghệ sĩ kịch vang danh một thời.

Chân dung Thành Lộc thuở đôi mươi, lúc vừa tốt nghiệp trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM). Giai đoạn này, anh nổi lên như một trong những tài năng kịch sáng giá của sân khấu phía Nam, gia nhập câu lạc bộ Kịch thể nghiệm TP HCM (sau đổi tên thành Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ). Từ đây, anh thành công với loạt vai Chu Xung - vở "Lôi Vũ", ông Tư - vở "Dạ cổ hoài lang". Những ngày qua, Thành Lộc gây chú ý với thông tin sắp rời sân khấu Idecaf sau 26 năm diễn nhưng anh chưa lên tiếng.

Bức ảnh nằm trong loạt chân dung gương mặt nghệ sĩ nam của sân khấu kịch sau năm 1975, do Triều Nguyễn - một khán giả yêu kịch nói - sưu tập. Anh cho biết yêu kịch từ thuở bé, thường xem chương trình "Trong nhà ngoài phố" vì chưa đủ tiền mua vé vào sân khấu. Sau này, anh cất công sưu tầm ảnh hiếm về các nghệ sĩ yêu thích.

Khán giả xếp hàng xem Thành Lộc diễn '12 bà mụ'
 
 

Thành Lộc biến hóa khi diễn kịch "12 bà mụ" năm 2022 tại TP HCM. Video: Mai Nhật

Hữu Châu - gương mặt được yêu thích của Idecaf - với mái tóc xoăn "thương hiệu" khi còn trẻ. Vào nghề cùng lúc với Thành Lộc, anh tạo dựng tên tuổi từ đoàn kịch nói Kim Cương, ghi dấu trong nhiều vở như "Lá sầu riêng", "Nhân danh công lý", "Người tình trễ xe".

Hồng Đào, Hồng Vân, Hữu Châu, Lê Vũ Cầu trong hài kịch "Bắc Kim Thang"
 
 

Hữu Châu, Hồng Đào, Hồng Vân, Lê Vũ Cầu trong hài kịch "Bắc Kim Thang" đầu thập niên 1990. Video: PNF

Thời trẻ, nghệ sĩ Quang Minh cũng chung đoàn Kim Cương với Hữu Châu. Ngoại hình sáng, anh chuyên được giao đóng kép. Sau khi qua Mỹ định cư, anh theo nghiệp diễn hài cùng diễn viên Hồng Đào, trở thành đôi ăn khách của sân khấu hải ngoại. Năm 2019, sau 24 năm gắn bó, anh và Hồng Đào ly hôn, nam nghệ sĩ đi về giữa Mỹ - Việt Nam để tham gia các dự án phim ảnh.

Thập niên 1980, nghệ sĩ Việt Anh bắt đầu nổi tiếng với vai Chu Phác Viên của "Lôi Vũ", từ đó trở thành một trong những gương mặt hàng đầu của sân khấu Sài Gòn. Năm 1995, góp mặt cùng Thành Lộc trong vở "Dạ cổ hoài lang" - vai ông Năm, nhận giải Mai Vàng năm đầu tiên cho hạng mục Nam nghệ sĩ kịch nói.

Bảo Chung thời trẻ với kiểu tóc xoăn quen thuộc. Cuối thập niên 1980, anh dần khẳng định tài năng diễn hài với vai Trần Lôi trong vở tuồng "Chắp cánh chim bằng" (tác giả Thanh Kim Huệ, đạo diễn Thanh Điền). Sang những năm 1990, anh là một trong những cây hài ăn khách nhất miền Nam, từng đoạt huy chương vàng cuộc thi "Danh hài TP HCM" - được tổ chức tại Nhà hát Hòa Bình năm 1996.

Nghệ sĩ Thành Hội thời mới vào nghề. Khi tốt nghiệp khóa đầu trường Nghệ thuật Sân khấu 2, hơn mười năm, anh đóng vai quần chúng để nuôi khát vọng làm nghề. Sau này, cùng Ái Như, anh gây dựng sân khấu Hoàng Thái Thanh thành một trong những sàn diễn nổi tiếng nhất TP HCM.

Chân dung về cố nghệ sĩ Thanh Hoàng khiến vợ ông - bà Trương Đào - xúc động khi ngắm lại. Từ độ tuổi đôi mươi, diễn viên thành công qua các vai già, vai ông lớn trong các vở kịch cổ điển nước ngoài. Sau này, ông viết "Dạ cổ hoài lang" - tác phẩm được diễn hàng nghìn suất, tạo nhiều cơn sốt vé.

Cố nghệ sĩ Lê Bình thời thanh niên với mái tóc lãng tử. Ông từng là họa sĩ vẽ tranh cổ động trước khi lấn sân kịch, thành công với các phim "Đất phương Nam", "Mùa len trâu" và series phim "Cổ tích Việt Nam".

Diễn viên Tấn Thành từng vang danh với nhiều vở thập niên 1990 như "Đèn không hắt bóng", "Thời con gái đã xa", "Sự thật không cần nó". Sau này, anh sang Mỹ định cư, chia tay sàn diễn.

Mai Huỳnh là gương mặt nổi tiếng màn ảnh nhỏ với các vai: thầy giáo Thành trong "Người đẹp Tây Đô", Tư Thương trong "Chuyện ở quê", bác sĩ Thanh trong "Tự thú trước bình minh". Đến nay, anh tham gia hơn 100 tác phẩm, gần đây là "Gạo nếp gạo tẻ" - phim truyền hình gây sốt năm 2020.

Mai Nhật
Ảnh: Triều Nguyễn cung cấp