"Tôi rất thích ý tưởng một bộ phim tâm lý kịch tính được quay hầu hết bằng camera cầm tay, bởi tôi nghĩ từ trước tới nay chưa ai làm thế. Có một vài cảnh trong phim được quay từ góc nhìn của quái vật, bằng camera cầm tay, nhưng làm tất cả theo dạng phim tài liệu lại là chuyện hoàn toàn khác", đạo diễn Darren Aronofsky kể lại về ý tưởng thực hiện Thiên nga đen.
Clip |
* Các hiệu ứng đặc biệt của "Thiên nga đen" |
Ông đã theo bước đội thiết kế tài năng của mình để hình thành hai ý tưởng hình ảnh chủ đạo - cái nhìn bản năng về ballet, với kiểu quay sơ bộ bằng camera cầm tay, và cái nhìn kỳ dị, đáng sợ, nhưng lột tả được sự góc cạnh. Nhiều cảnh quay có sử dụng gương khúc xạ và các hóa thân kỳ quái góp phần xóa mờ ranh giới giữa thực và ảo trong phim. Máy quay, tựa như nhân vật chính, cũng dường như di chuyển mọi lúc, mọi nơi.
Cảnh quay mở đầu phim "Thiên nga đen". |
Nhóm có sự tham gia của nhiều đồng sự của Aronofsky, đi đầu là nhà làm phim Matthew Libatique, thiết kế sản phẩm Thérèse DePrez, thiết kế trang phục Amy Westcott, biên tập Andrew Weisblum, và chỉ đạo kỹ xảo điện ảnh Dan Schrecker.
Darren Aronofsky nói tiếp: "Tôi cảm thấy rằng mang camera cầm tay vào thế giới của ballet tạo cảm giác chúng ta đang thực sự xâm nhập vào nó. Điều này cũng đã từng được áp dụng trong The Wrestler. Camera chuyển động và xoay tròn cùng vũ công. Nó ghi lại nỗ lực, những giọt mồ hôi, nỗi đau, và cận cảnh cái gọi là nghệ thuật".
Những tấm gương đóng vai trò không nhỏ trong cấu trúc hình ảnh của phim. Darren giải thích rằng trong thế giới của ballet, gương có ở khắp nơi. Các vũ công luôn phải quan sát chính mình, mối quan hệ giữa họ và cái tôi trong gương đóng vai trò rất lớn trong việc định nghĩa bản thân. "Mọi nhà làm phim đều thích khai thác về gương, nhưng tôi muốn nâng nó lên một tầm cao mới".
Chiếc gương xuất hiện ở khắp mọi nơi trong "Thiên nga đen". |
Bối cảnh của Thiên nga đen được đặt chủ yếu tại Lincoln Center, ngôi nhà của nghệ thuật ballet tại New York, Mỹ. Các địa điểm đều nằm ở New York, chủ yếu trong địa phận khu Manhattan.
Nhiệm vụ xây dựng thế giới của cô nàng vũ công Nina được giao cho nhà thiết kế bối cảnh Thérèse DePrez. Tại đây, bà phải đối mặt với thử thách gấp đôi bình thường - thiết kế một bộ phim tâm lý học kịch tính lấy bối cảnh Manhattan, đồng thời trộn lẫn nó với tuyệt phẩm Hồ thiên nga.
"Darren luôn tiếp cận bộ phim một cách có hệ thống. Bởi vậy, tôi nhìn bảng màu và thấy Hồ thiên nga. Tôi cũng thấy những gì Nina thấy hàng ngày. Chúng tôi luôn muốn tối thiểu hóa mọi thứ, bởi vậy phần lớn tông màu của phim là đen, trắng, xám, cùng màu hồng của ballet", Thérèse kể lại.
Bà giải thích rằng màu hồng của ballet còn được chia ra hai kiểu - hồng nhạt của Nina và hồng thẫm dành cho Beth. Thêm vào đó là một chút xanh lá, hầu hết tới từ bối cảnh thiên nhiên trong Hồ thiên nga. "Vậy là hết. Chúng tôi hạn chế màu sắc đến mức tối thiểu".
Phần thiết kế hình ảnh của "Thiên nga đen" để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem. |
Nhà thiết kế bối cảnh cho biết thêm: "Tất cả yếu tố trong bối cảnh đều có thể di chuyển được. Chúng tôi không muốn có bất cứ thứ gì trì trệ hoặc đứng yên. Bạn sẽ được chứng kiến những yếu tố nhất định di chuyển khi điệu múa bắt đầu. Bóng cây xào xạc, ánh trăng rọi tới từ phía sau, thậm chí vách đá cũng có thể dời đi được. Mọi thứ được tô điểm thêm để làm nổi bật nét hiện đại và bất ngờ. Tất cả đều hòa hợp một cách công phu".
Thiết kế trang phục Amy Westcott thì bắt đầu công việc của mình bằng cách xâm nhập vào thế giới ballet. "Tôi ngồi tại các lớp học, hàng giờ. Đi xem biểu diễn ở ABT và New York City Ballet. Chính khi đó nhiều ý tưởng mới nảy ra". Từng hợp tác cùng đạo diễn Darren Aronofsky trong The Wrestler, Amy hiểu rõ phần việc phải làm. "Darren thích đắm chìm trong một thế giới để hiểu tới cốt lõi của nó. Nhiệm vụ của chúng tôi là bơi sát theo ông ấy".
Một yếu tố đóng vai trò quyết định đối với sự thành công của Thiên nga đen là tìm ra mẫu trang phục thích hợp nhất cho Natalie Portman trong vai Nina. Amy cho biết cô muốn thể hiện ý tưởng rằng, ban đầu, mẹ Nina có ảnh hưởng lớn tới cách ăn mặc của cô con gái. Bà muốn giữ cô mãi ở thời niên thiếu, bởi vậy trang phục của Nina hầu hết có màu trắng, ghi xám và hồng.
"Khởi đầu phim chúng tôi sử dụng chủ yếu tông màu hồng. Nhưng tới cuối phim hầu như cô ấy chỉ mặc màu đen. Khi màu sắc trang phục chuyển từ hồng sang đen, bạn có thể cảm nhận được rằng một cái gì đó đã thay thế, đã hoán đổi, và cô ấy đang ở phía bên kia hàng rào", Amy Westcott tiết lộ.
"Thiên nga đen" đã đem lại cho Natalie Portman tượng vàng Oscar đầu tiên trong sự nghiệp. |
Amy sử dụng những tính cách cơ bản nhất của nhân vật để thiết kế vẻ ngoài cho các nhân vật. "Lily sexy và tự tin, bởi vậy cô sẽ mặc chủ yếu màu đen, đôi khi có những điểm nhấn màu bạc bắt sáng. Thêm một vẻ gì đó biểu lộ sự lý tưởng nơi cô mà chúng tôi cũng nỗ lực thể hiện. Thomas Leroy mạnh mẽ, bởi vậy Vincent mặc tông đen, xám và trắng".
Sau gần 10 ngày công chiếu tại Việt Nam, Thiên nga đen đang là tiêu điểm tại các rạp. Với một câu chuyện giàu tính nhân bản, diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên và ngôn ngữ điện ảnh mang đậm phong cách của đạo diễn Darren Aronofsky, phim đã chinh phục được nhiều khán giả yêu thích dòng phim nghệ thuật.
Ra mắt từ tháng 12 năm ngoái tại Mỹ, Thiên nga đen giành được hơn 30 giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ trên thế giới. Hôm 27/2, Natalie Portman đã vinh dự bước lên bục vinh quang của nhà hát Kodak, Los Angeles, Mỹ để nhận danh hiệu Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc.
N.M. (Ảnh: Fox)