Đối với Hollywood, ảo thuật dường như không phải là đề tài được ưa chuộng và khai thác một cách thực sự triệt để. Nhưng bộ phim nào làm về ảo thuật cũng có nét độc đáo riêng, lôi cuốn, ăn khách và chiếm được cảm tình của khán giả cũng như giới phê bình…
Ví dụ như trường hợp của Now You See Me, ra mắt hồi mùa hè năm ngoái. Sau khi rời khỏi rạp, nhiều khán giả đã không ngần ngại tìm xem lại hai siêu phẩm về ảo thuật khác, cùng công chiếu vào năm 2006, cùng gặt hái thành công lớn về mặt doanh thu. Đó là The Prestige và The Illusionist.
Không chỉ có những màn ảo thuật độc đáo với kỹ xảo đỉnh cao làm mãn nhãn người xem, cả hai phim còn thu hút bởi phần nội dung ẩn chứa nhiều yếu tố bất ngờ và để lại suy ngẫm. Bên cạnh đó là dàn diễn viên diễn khá đồng đều, vừa có thực lực lại vừa có tiếng tăm, đảm bảo cả hai yếu tố nghệ thuật và thương mại.
The Prestige được đạo diễn Christopher Nolan dàn dựng dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anh Christopher Priest viết năm 1995, còn The Illusionist là sản phẩm của đạo diễn Neil Burger, dựa theo câu chuyện Eisenheim the Illusionist của Steven Millhauser. Cả hai đều lấy bối cảnh là những năm chuyển giao giữa hai thế kỷ 19 - 20, một ở London và một ở Vienna... Đây là giai đoạn mà khoa học đã phát triển nhưng chưa đạt đến đỉnh cao và con người luôn thèm khát được thấy những điều kỳ diệu (dù ý thức được đó chỉ là mánh lới hay trò bịp bợm) hơn bao giờ hết.
Hai góc nhìn của một vấn đề
Tuy cùng khai thác đề tài ảo thuật nhưng mỗi phim lại có cách thể hiện riêng về bộ môn này. Xem The Illusionist, khán giả sẽ thấy ảo thuật thật tinh tế, thanh lịch và huyền bí như sương như khói. Còn với The Prestige, ảo thuật chỉ là tập hợp của những gì được gọi là độc ác, tàn nhẫn, thủ đoạn và điện - thứ còn tương đối xa lạ với cuộc sống thời bấy giờ.
Nhà ảo thuật Eeisenheim trong The Illusionist biến ra cây trĩu quả từ một hạt chanh, những cánh bướm lung linh với chiếc khăn tay thơm phức... còn John Cutter trong The Prestige làm con chim biến mất bằng cách đập nát chiếc lồng lẫn con chim bên trong, làm người biến mất bằng cách trói chân tay lại và quăng vào thùng nước bịt kín, hay Alfred Borden vì diễn trò bắt đạn đã mất đi hai ngón tay.
Những màn biểu diễn đáng kinh ngạc của Eisenheim cho đến phút cuối vẫn là bí mật trong lòng người xem, còn tất cả thủ thuật của Alfred Borden và Robert Angier đều đã bị lật tẩy. Ảo thuật hay kỹ thuật - phát minh của Telsa, đối thủ chính của Thomas Edison - được ứng dụng vào tiết mục gây chấn động nhất thành phố London buộc người xem phải hỏi đi hỏi lại câu hỏi đó...
Ngay từ cách tiếp cận vấn đề, hai bộ phim đã có sự khác biệt rõ rệt. Theo dõi cuộc đời của Eisenheim trong The Illusionist từ lúc còn nhỏ, khán giả thấy ảo thuật quả thực là... ảo thuật - không gì không làm được nhưng lại không thể giải thích được bất cứ điều gì. Còn trong The Prestige, mọi bí quyết ảo thuật - từ đơn giản đến vĩ đại nhất đều chỉ nằm gọn trong 3 màn: The Pledge, The Turn và The Prestige.
Với The Pledge, nhà ảo thuật cho bạn xem một thứ gì đó rất bình thường: con chim, quân bài hay đơn giản là người. Họ còn yêu cầu bạn kiểm tra xem nó có bình thường không (dĩ nhiên là không). Với The Turn, ông ta làm cho thứ bình thường đó trở thành bất thường. Và dĩ nhiên, bạn cố gắng đi tìm lời giải đáp cho điều bí ẩn, nhưng không thể. Cuối cùng, The Prestige khiến thứ bất thường trở lại thành bình thường, hoàn tất cho một chu trình khép kín của cái được gọi là ảo thuật.
The Prestige là màn quan trọng nhất, cũng là màn khó nhất. Cả hai nhân vật Robert Angier và Alfred Borden đều vì muốn có một màn Prestige hoàn hảo nhất trong lịch sử mà đi đến bi kịch cuộc đời mình... Eisenheim trong The Illusionist thì khác một chút. Ông ta cũng đã thực hiện được một màn Prestige hoàn hảo nhất nhưng không gặp phải bi kịch nào bởi đơn giản, đối thủ của ông ta không phải là một nhà ảo thuật...
Hấp dẫn về mặt nội dung
Điểm quyết định để The Prestige và The Illusionist thuyết phục gần như hoàn toàn giới phê bình chắc chắn không phải kỹ xảo mà là phần nội dung quá sức ấn tượng. Các nhà sản xuất đã rất khéo léo khi dẫn dắt người xem theo một con đường mà ai cũng tưởng mình đã biết trước ở phía cuối có những gì. Nhưng khi đến nơi, tất cả mới giật mình thảng thốt vì mọi thứ khác xa với những gì họ đã hình dung.
Nội dung của The Prestige và The Illusionist đều đã làm “ảo thuật” với khán giả, và màn prestige cuối cùng ở cả hai phim thực sự thuyết phục và gây ấn tượng mạnh. So về kết cấu và độ phức tạp của câu chuyện thì The Prestige có phần chiếm ưu thế hơn - mạch lạc, chặt chẽ, có thắt có mở, có cao trào và có những khoảng lắng quá thú vị. Còn The Illusionist thiên về chiều hướng cổ điển, đơn giản, cao trào không rõ rệt và có một vài chi tiết khó giải thích (điều này chắc chắn sẽ làm một số khán giả ưa tò mò cảm thấy không thoải mái khi xem xong).
Các màn ảo thuật xuất sắc của Eisenheim thực hiện ở kinh thành Vienna hóa ra chỉ để giành giật lại người tình từ thuở ấu thơ. Trong khi đó, những gì mà Robert Angier và Alfred Borden làm là để sinh tồn, để giành lại danh dự, để trả thù và hơn hết - để cho cả thiên hạ thấy họ thực sự tài giỏi hơn người kia. Xem The Prestige, khán giả gần như thấy căng thẳng và hồi hộp từ đầu đến cuối, bởi hai nhân vật chính là một cặp đối thủ xứng tầm - cả về tài năng lẫn thủ đoạn. Còn The Illusionist, Eisenheim có thể tự do sắp xếp mọi chuyện diễn ra theo ý mình vì anh ta là độc nhất vô nhị ở thành Vienna... Anh ta đại diện cho sự thay đổi của thời thế, còn hoàng gia đã quá già cỗi, quá yếu ớt để chống lại sự thay đổi đó.
Cả ba nhân vật chính, Robert Angier, Alfred Borden trong The Prestige và Eisenheim trong The Illusionist đều không thuộc tuyến chính diện. Xem The Prestige, tình cảm của khán giả có thể lúc nghiêng về người này, lúc nghiêng về người kia, nhưng đến cuối cùng sẽ là một tiếng thở dài ngao ngán cho thân phận và những tham vọng kỳ quặc của con người. Còn Eissenheim, từ khi người tình cũ xuất hiện, anh ta dựng nên và thực hiện một kế hoạch quá hoàn hảo để giành lại nàng. Kết quả tuy có hậu với anh ta nhưng cái giá phải trả là một người vô tội nằm xuống, mất hết danh dự. Ảo thuật và những người làm ảo thuật trong hai bộ phim, cho đến cuối cùng, chỉ còn là thủ đoạn, lừa đảo.
Now You See Me của năm ngoái là một bộ phim hay nhưng có lẽ còn chưa đạt tới chiều sâu như hai “đàn anh” ra đời trước đó 7 năm. Năm 2011, điện ảnh Hong Kong cũng tung ra bộ phim Đại Ma Thuật Sư (The Great Magician) với Lương Triều Vỹ và Châu Tấn thủ vai chính. Tuy dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Trương Hải nhưng phim vẫn bị chê là có nội dung ăn theo The Illusionist. Muốn xem thêm một siêu phẩm điện ảnh về ảo thuật nữa, niềm hy vọng lớn nhất của khán giả lúc này có lẽ đặt cả vào Now You See Me 2, được cho là sẽ tiếp tục thực hiện vào năm nay và ra mắt năm 2016.
* Trailer phim "The Illusionist" |
* Trailer phim "The Prestige" |
Hoàng Cương