"Kiệt tác của dòng phim chiến tranh" đã đánh bại đối thủ chính - "siêu phẩm 3D Avatar" - để được vinh danh với giải Phim hay nhất tại Lễ trao giải Oscar 2010 diễn ra tối 7/3 tại Nhà hát Kodak, Los Angeles, Mỹ, tức sáng 8/3 (giờ Hà Nội).
Những nhân vật chủ chốt làm nên thành công của "The Hurt Locker". Ảnh: AFP. |
"The Hurt Locker" là câu chuyện về ba người lính với ba tính cách khác nhau có nhiệm vụ dò tìm và tháo gỡ bom mìn ở Baghdad (Iraq) - nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau vài tích tắc. Với vỏn vẹn 11 triệu USD, Kathryn Bigelow và đoàn phim đã biến "những điều không thể thành có thể". Bất chấp những tai tiếng quanh việc nhà sản xuất vận động hành lang trái phép cho bộ phim, giá trị thực sự của The Hurt Locker đã được Viện Hàn lâm ghi nhận.
Với tác phẩm này, Kathryn Bigelow cũng chiến thắng chồng cũ James Cameron ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc và trở thành người phụ nữ đầu tiên đoạt danh hiệu này trong lịch sử Oscar. Trước đó, Bigelow cũng là nữ đạo diễn xuất sắc đầu tiên tại giải BAFTA - nơi The Hurt Locker cũng đánh bại "kỳ quan Avatar".
Đạo diễn Kathryn Bigelow của "The Hurt Locker" trở thành Nữ đạo diễn xuất sắc đầu tiên trong lịch sử Oscar. Ảnh: AFP. |
Cầm tượng vàng trong tay, Bigelow run run nói lời cảm ơn tới tác giả kịch bản bộ phim - người vừa đoạt giải Kịch bản gốc xuất sắc, các diễn viên và những con người từng chiến đấu tại Iraq - bối cảnh của "The Hurt Locker". Ý thức được kỳ tích quan trọng mình vừa lập được, nữ đạo diễn tài năng chia sẻ: "Đây là khoảnh khắc hiếm có trong đời một con người".
Ngoài sự cố "vận động hành lang, trước khi Oscar diễn ra, "The Hurt Locker" từng bị tố ăn cắp hình ảnh nhân vật. Jeffrey S. Sarver, một chuyên gia phá bom mìn tại Iraq, cho biết, Boal đã sử dụng những tình tiết xảy ra khi chiến đấu cùng tiểu đội với Sarver để đưa vào câu chuyện. Còn đoàn làm phim tuyên bố “The Hurt Locker” là một tác phẩm hoàn toàn hư cấu.
Tổng cộng, trong 9 đề cử, The Hurt Locker đoạt 6 tượng vàng, gồm: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc (Kathryn Bigelow), Kịch bản gốc xuất sắc (Mark Boal), Biên tập âm thanh xuất sắc (Paul N.J. Ottosson), Hòa âm xuất sắc (Paul N.J. Ottosson và Ray Beckett) và Dựng phim xuất sắc (Bob Murawski và Chris Innis).
Hai đạo diễn James Cameron ("Avatar") và Kathryn Bigelow ("The Hurt Locker") chúc mừng nhau. Ảnh: AFP. |
Cũng với 9 đề cử, phim bom tấn "Avatar" được đánh giá là đối thủ nặng ký của "The Hurt Locker". Sự góp mặt của hai bộ phim này cũng khiến cho Lễ trao giải Oscar 2010 thực sự gay cấn, khi hai kiệt tác tranh đua nhau quyết liệt ở từng hạng mục. Tuy nhiên, càng về cuối, ở những giải quan trọng, "Avatar" ngày càng hụt hơi. Cuối cùng, "bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại" chỉ đoạt 3 tượng vàng dành cho Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc (Rick Carter và Robert Stromberg), Quay phim xuất sắc (Mauro Fiore) và Hiệu ứng hình ảnh (bộ tứ Joe Letteri, Stephen Rosenbaum, Richard Baneham và Andrew R. Jones).
Sandra Bullock nhận giải tại Oscar lần thứ 82. Ảnh: AFP. |
Gương mặt Gabourey Sidibe ("Precious") đẫm nước mắt khi cô được Nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey tôn vinh bằng những lời có cánh trước khi giải Nữ diễn viên chính xuất sắc được công bố. Nhưng cuối cùng, giải thưởng đã thuộc về Sandra Bullock với vai diễn trong phim "The Blind Side". Trong phim, Sandra vào vai Leigh Anne - một phụ nữ nhân hậu, đôi khi hơi nghiêm khắc với bản thân. Anne đã giang tay che chở cuộc đời Michael Oherb - một thanh niên gốc Phi có hoàn cảnh éo le.
Hoa hậu FBI trở thành nữ diễn viên đầu tiên trong lịch sử đoạt hai giải thưởng đối lập: Mâm xôi vàng (với "All About Steve") và Oscar (với "The Blind Side") trong cùng một năm. Tất nhiên, chỉ khi được Viện Hàn lâm tôn vinh, cô mới vui mừng đến rơi nước mắt.
Sandra phát biểu: "Tôi có thực sự xứng đáng không, hay tôi đã quá mệt mỏi vì chờ đợi rồi?". Sau đó cô cảm ơn đoàn phim và chia sẻ niềm vui với những nữ diễn viên khác được đề cử cùng hạng mục. Đặc biệt, người đẹp đã khóc nghẹn ngào khi nhớ lại những ngày gian khó, khi cô phải học tập, rèn luyện vất vả để có được thành công như hôm nay.
Nam diễn viên chính xuất sắc Jeff Bridges. Ảnh: AFP. |
Sau 5 lần được đề cử, Jeff Bridges nhận được tượng vàng đầu tiên trong phim "Crazy Heart". Ngôi sao kỳ cựu gửi lời cảm ơn tới cha mẹ và các đồng nghiệp của mình trong đoàn phim. Nam diễn viên cũng khiến vợ rơi nước mắt khi ông dành những lời tri ân chân thành cho người bạn đời đã gắn bó suốt 33 năm. Jeff Bridges đã góp cho giải Oscar 2010 một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất.
Trước những đối thủ nặng ký như Penélope Cruz, Vera Farmiga, Maggie Gyllenhaal và Anna Kendrick, nữ diễn viên da màu Mo'Nique đoạt giải Oscar đầu tiên trong sự nghiệp với "Precious" ở hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc. Dường như dâng đầy cảm xúc, Mo'Nique đã phải rất cố gắng mới kìm được nước mắt. Ở dưới hàng ghế khán giả, chồng cô - Sidney Hicks - cũng rất xúc động. Anh dành cho vợ ánh mắt đầy trìu mến và động viên khi cô gửi lời cảm ơn tới anh.
Mo'Nique rất xúc động khi nhận giải. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó,vượt qua các đề cử cùng hạng mục như Matt Damon ("Invictus"), Woody Harrelson (The Messenger"), Christopher Plummer, ("The Last Station"), Stanley Tucci ("The Lovely Bones"), Christoph Waltz đã đoạt tượng vàng Nam diễn viên phụ xuất sắc của mùa giải Oscar 2010. Đây là đêm trao giải đầu tiên anh được tham dự và cũng là lần đầu tiên anh được đề cử. Waltz chia sẻ lời cảm ơn những người đã cho anh cơ hội được có mặt trong bộ phim "Inglourious Basterds". Giải thưởng Oscar dành cho Christoph Waltz được đánh giá là "không có gì đáng ngạc nhiên" khi anh hóa thân đầy thuyết phục trong vai Hans Landa của bộ phim về đề tài Đức quốc xã.
Christoph Waltz lên nhận giải Oscar Nam diễn viên phụ xuất sắc. Ảnh: AFP. |
Ở cuộc đua Kịch bản chuyển thể xuất sắc, Geoffrey Fletcher đoạt tượng vàng với "Precious", dựa trên tiểu thuyết "Push" của tác giả Sapphire. Anh xúc động gửi lời cảm ơn tới những người thân - những người đã góp phần lớn vào thành công của anh hôm nay. Chiến thắng tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất là "El Secreto de sus Ojos" - niềm tự hào của điện ảnh Argentina.
Ở hạng mục Phim hoạt hình hay nhất, giải thưởng thuộc về "Up". Đạo diễn Pete Docter của bộ phim chia sẻ: "Tôi không nghĩ những hình vẽ tôi từng thực hiện trong các tập sách toán lại giúp tôi đoạt giải thưởng này". Anh từng 6 lần được đề cử trước khi chạm được đến tượng vàng danh giá. "Up" còn đoạt giải thưởng thứ hai ở hạng mục Nhạc phim hay nhất dành cho Michael Giacchino.
Quang cảnh sân khấu trong màn mở đầu lễ trao giải, với hai người dẫn chương trình Steve Martin và Alec Baldwin. Ảnh: AFP. |
Giải Bài hát trong phim hay nhất được trao cho "The Weary Kind" trong "Crazy Heart".
"Logorama" - tác phẩm dài 16 phút của Nicolas Schmerkin đoạt giải Phim ngắn xuất sắc, vượt qua các đề cử khác như "The Lady and the Reaper", "Granny O'Grimm's Sleeping Beauty", "French Roast" và "A Matter of Loaf and Death". Còn ở hạng mục Phim tài liệu ngắn xuất sắc, tượng vàng thuộc về "Music by Prudence" của Roger Ross Williams và Elinor Burkett. Lên ngôi ở cuộc đua Phim tài liệu xuất sắc là "The Cove" của Louie Psihoyos và Fisher Stevens.
Giải Phim ngắn hành động được trao cho "The New Tenants" của Joachim Back và Tivi Magnusson. Ở cả 3 hạng mục này, những người được vinh danh đều lần đầu tiên đoạt giải Oscar.
Với chỉ 3 đề cử ở hạng mục Hóa trang xuất sắc, "Star Trek" dễ dàng vượt qua "Il Divo" và "The Young Victoria" để đem về những tượng vàng đầu tiên cho Barney Burman, Mindy Hall và Joel Harlow. Trong màn trao giải Hóa trang xuất sắc, nam diễn viên Ben Stiller đã mang đến những bất ngờ thú vị cho khán giả khi anh hóa thân thành người dân tộc Na'vi trong "Avatar" để công bố giải thưởng. Anh cũng chia sẻ, anh rất bất ngờ khi "Avatar" không được đề cử vào hạng mục này.
Danh hài Ben Stiller hóa trang như người dân tộc Na'vi trên hành tinh Pandora trong phim "Avatar" lên công bố giải Hóa trang xuất sắc. Ảnh: AFP. |
Thua cuộc tại hạng mục Hóa trang xuất sắc, nhưng The Young Victoria đoạt giải Thiết kế trang phục xuất sắc dành cho Sandy Powell.
Năm nay, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh dường như dành cơ hội để vinh danh những gương mặt mới. Nhiều giải thưởng được trao cho những gương mặt lần đầu tiên được đề cử, thậm chí là lần đầu tiên được tham dự một lễ trao giải Oscar.
Lễ trao giải Oscar 2010 do Steve Martin và Alec Baldwin dẫn chương trình. Buổi lễ đã được họ dẫn dắt một cách hóm hỉnh, duyên dáng. Ngoài các giải thưởng, Viện Hàn lâm còn dành thời gian tôn vinh những người có đóng góp lớn cho nền điện ảnh thế giới, tượng niệm nhà văn, đạo diễn John Hughes và những ảnh hưởng của dòng phim kinh dị...
Danh sách đề cử Oscar 2010 (In đậm là đoạt giải)
Phim hay nhất
"Avatar"
"The Blind Side"
"District 9"
"An Education"
"The Hurt Locker"
"Inglourious Basterds"
"Precious"
"A Serious Man"
"Up"
"Up in the Air"
Đạo diễn xuất sắc
James Cameron, "Avatar"
Kathryn Bigelow, "The Hurt Locker"
Quentin Tarantino, "Inglourious Basterds"
Lee Daniels, "Precious"
Jason Reitman, "Up in the Air"
Nam diễn viên xuất sắc
Jeff Bridges, "Crazy Heart"
George Clooney, "Up in the Air"
Colin Firth, "A Single Man"
Morgan Freeman, "Invictus"
Jeremy Renner, "The Hurt Locker"
Nữ diễn viên xuất sắc
Sandra Bullock, "The Blind Side"
Helen Mirren, "The Last Station"
Carey Mulligan, "An Education"
Gabourey Sidibe, "Precious"
Meryl Streep, "Julie & Julia"
Nam diễn viên phụ xuất sắc
Matt Damon, "Invictus"
Woody Harrelson, "The Messenger"
Christopher Plummer, "The Last Station"
Stanley Tucci, "The Lovely Bones"
Christoph Waltz, "Inglourious Basterds"
Nữ diễn viên phụ xuất sắc
Penelope Cruz, "Nine"
Vera Farmiga, "Up in the Air"
Maggie Gyllenhaal, "Crazy Heart"
Anna Kendrick, "Up in the Air"
Mo"nique, "Precious"
Phim hoạt hình hay nhất
"Coraline"
"Fantastic Mr. Fox"
"The Princess and the Frog"
"The Secret of Kells"
"Up"
Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất
Israel - "Ajami"
Argentina - "El Secreto de sus Ojos"
Peru - "The Milk of Sorrow"
Pháp - "Un Prophete"
Đức - "The White Ribbon"
Kịch bản gốc xuất sắc
Mark Boal, "The Hurt Locker"
Quentin Tarantino, "Inglourious Basterds"
Alessandro Camon and Oren Moverman, "The Messenger"
Joel Coen and Ethan Coen, "A Serious Man"
Peter Docter, Bob Peterson, Tom McCarthy, "Up"
Kịch bản chuyển thể xuất sắc
Neill Blomkamp và Terri Tatchell, "District 9"
Nick Hornby, "An Education"
Jesse Armstron, Simon Blackwell, Armando Iannucci, Tony Roche, "In the Loop"
Geoffrey Fletcher, "Precious"
Jason Reitman, Sheldon Turner, "Up in the Air"
Phim tài liệu hay nhất
"Burma VJ"
"The Cove"
"Food, Inc."
"The Most Dangerous Man in America: Daniel Ellsberg and the Pentagon Papers"
"Which Way Home"
Nhạc phim hay nhất
"Avatar"
"Fantastic Mr. Fox"
"The Hurt Locker"
"Sherlock Holmes"
"Up"
Bài hát trong phim hay nhất
"Almost There" trong "The Princess and the Frog"
"Down in New Orleans" trong "The Princess and the Frog"
"Loin de Paname" trong "Paris 36"
"Take It All" trong "Nine"
"The Weary Kind (Theme from Crazy Heart)" trong "Crazy Heart"
Dựng phim xuất sắc
"Avatar"
"District 9"
"The Hurt Locker"
"Inglourious Basterds"
"Precious"
Quay phim xuất sắc
"Avatar"
"Harry Potter and the Half-Blood Prince"
"The Hurt Locker"
"Inglourious Basterds"
"The White Ribbon"
Thiết kế trang phục xuất sắc
"Bright Star"
"Coco Before Chanel"
"The Imaginarium of Doctor Parnassus"
"Nine"
"The Young Victoria"
Lưu Hà