Dựa trên tiểu thuyết ăn khách cùng tên phát hành năm 1985 của nữ nhà văn Margaret Atwood, The Handmaid’s Tale đưa người xem đến một xã hội tương lai khắc nghiệt. Khi dịch bệnh và ô nhiễm khiến loài người dần mất đi khả năng sinh sản, một nhóm cực đoan trên nước Mỹ đã tiến hành đảo chính để thành lập chính phủ Gilead.
Chính quyền được tổ chức theo kiểu quân sự hóa và phân chia tầng lớp xã hội nghiêm ngặt, trong đó những phụ nữ còn khả năng sinh sản bị biến thành hầu gái, bị tước đoạt quyền làm việc và sở hữu tài sản. Họ bị cưỡng hiếp như một nghi lễ để sinh con cho những gia đình chức quyền.
Giống như lời của một hầu gái, những gì họ trải qua vượt quá lằn ranh thấp nhất của đạo đức con người. Từ những phụ nữ độc lập, họ bị ép vào khuôn khổ bởi vũ lực, bị gán những cái tên đánh dấu sở hữu, bị cưỡng hiếp, đánh đập rồi tước đi đứa con mình mang nặng đẻ đau.
* Thế giới tương lai u ám trong "The Handmaid's Tale"
Trung tâm của câu chuyện là June (Elisabeth Moss), người sau đó mang tên Offred - viết lái từ chữ “Of Fred” (mang nghĩa "sở hữu của Fred" - chủ nhân của cô). Bị chia cắt với chồng và con gái, Offred cam chịu tủi nhục, tuân theo mệnh lệnh để nuôi hy vọng đoàn tụ với gia đình. Cũng như bao hầu gái khác, Offred bị Fred Waterford cưỡng hiếp. Qua góc nhìn của cô, người xem cũng chứng kiến số phận nghiệt ngã của những hầu gái khác, có người bị trừng phạt vì giới tính, có người bị móc mắt vì cư xử không đúng mực.
Thông qua vợ chồng người chủ, Offred biết được một vài bí mật về sự vận hành của Gilead. Cô cũng hay tin về chồng và con gái cùng những tổ chức tị nạn ở Canada mà chồng cô đang nương nhờ. Nàng hầu bắt đầu vạch kế hoạch và dần chống đối người chủ. Mùa đầu tiên của series có kết cục bỏ lửng khi Offred đứng trước hai ngã rẽ sau những hành vi phản kháng của mình.
Được dán nhãn 18+, The Handmaid's Tale dùng nhiều cảnh gây sốc để mô tả xã hội giả tưởng. Thế giới trong series gây ám ảnh bởi sự hòa trộn giữa không khí lạnh lẽo thời hiện đại của xe cộ và súng ống với không khí ghê rợn thời trung cổ - thể hiện qua những hình thức xử tội như treo cổ, móc mắt, chặt tay hoặc ném đá đến chết. Bao trùm lên đó là nỗi ám ảnh mang màu sắc tôn giáo hà khắc - thứ được sử dụng như một công cụ để điều chỉnh hành vi của bất cứ kẻ nào có dấu hiệu phản loạn.
Nổi bật nhất và cũng là điểm đặc thù của loạt phim là những nghi lễ quái dị nhuốm màu bệnh hoạn. Mỗi khi người hầu gái bị chủ nhân cưỡng hiếp hay sinh nở, những bà vợ ở bên cạnh và hành xử theo lối tự huyễn hoặc rằng mình mới là người thực hiện điều những cô hầu đang trải qua.
Dưới bầu không khí đen tối, mỗi nhân vật dù ở địa vị nào cũng đều cất giấu những suy nghĩ, tính toán riêng. Offred với thân phận hầu gái phải chịu đựng những màn tra tấn về thể xác lẫn tinh thần, nhưng ẩn sau máu và nước mắt là sự âm thầm chống trả. Fred Waterford (Joseph Fiennes) - chủ nhân của Offred - che giấu những dối trá và thủ đoạn phía sau vẻ ngoài đạo mạo của một chính trị gia. Serena (Yvonne Strahovski) - vợ của Fred, từng là một nhà hoạt động xã hội - chấp nhận từ bỏ vai trò của một người phụ nữ độc lập. Tuy nhiên, cô vẫn mang trong mình khao khát được thừa nhận và làm mẹ.
Được xây dựng với cấu trúc phi tuyến tính, phim đan xen giữa thực tại và hồi tưởng của các nhân vật về thời kỳ trước và sau khi thành lập chính phủ Gilead, qua đó nêu bật sự tương phản giữa hai thế giới. Vừa cảm nhận được sức sống căng tràn của June trong vòng tay của chồng, ngay sau đó người xem phải chứng kiến ánh mắt vô hồn và bất lực của Offred khi bị cưỡng hiếp.
Phần lời thoại được kết hợp hài hòa giữa đối thoại thông thường với các mẩu tự sự của Offred, góp phần định hướng khéo léo cho câu chuyện. Những lời tự sự của nàng hầu chứa đựng những ẩn dụ đắt giá như khi mô tả về sự biến đổi của nước Mỹ - nơi chỉ còn “hai ngôi sao trên quốc kỳ”, chỉ còn “chúng tôi” và “bọn họ”. Hình ảnh trong series được chăm chút, hỗ trợ tốt cho không khí của phim. Phim được phủ một màu xanh dương lạnh lẽo, khi kết hợp với ngoại cảnh trời mưa hoặc tuyết rơi tạo nên những phân đoạn vừa đẹp vừa u ám.
Nhà quay phim Colin Watkinson khai thác tối đa cách lấy sáng độc đáo với một loạt cảnh tại gian bếp hoặc cạnh cửa sổ. Những trích đoạn bạo lực được thể hiện dứt khoát và chân thật. Cách xử lý của Watkinson - phối hợp ăn ý với phần nhạc nền gồm các bài Feeling Good của Nina Simone hay Nothing's Gonna Hurt You Baby của nhóm Cigarettes After Sex - đưa đẩy cảm xúc người xem trong vài cảnh slow-motion (quay chậm).
Khâu thiết kế phục trang cũng đóng vai trò không nhỏ trong loạt phim mà quần áo chính là dấu hiệu phân biệt đẳng cấp xã hội. Hầu gái mặc màu đỏ thẫm, phu nhân mặc màu xanh dương còn những bà dì cai quản đám hầu gái lại vận màu xám xịt. Khi những tuyến nhân vật này cùng xuất hiện trong khung hình, sự tương phản về màu sắc đem lại hiệu ứng thị giác rõ ràng.
Nếu câu chuyện và các yếu tố kỹ thuật kết hợp tạo ra không khí căng thẳng chung, diễn xuất là mảnh ghép hoàn hảo để mang lại thành công tổng thể cho series. Trong vai chính Offred, nữ diễn viên Elisabeth Moss thể hiện xuất sắc tâm lý phức tạp của một nhân vật sống giữa quá khứ và thực tại, vừa phục tùng, vừa chống đối từ âm thầm đến công khai.
Trong những diễn biến cụ thể, chỉ cần một thoáng lơ đãng, người xem có thể bỏ lỡ những chuyển đổi tâm lý do Elisabeth Moss thể hiện. Đó có thể là một cái cười mỉm đắc ý hoặc một chút run rẩy khi lo sợ.
Dù có ít đất diễn hơn, Ann Dowd cũng chứng tỏ tài năng diễn xuất với vai dì Lydia, người quản thúc và dạy dỗ các hầu gái. Nhân vật của Dowd buộc phải cư xử khắt khe và bạo lực, nhưng đôi khi bà ta vẫn không giấu được sự mềm lòng. Hai cung bậc này được truyền tải nhờ khả năng diễn xuất tuyệt vời qua ánh mắt của nữ diễn viên 61 tuổi. Ngoài ra, Yvonne Strahovski cũng gây ấn tượng khi thể hiện một nhân vật có nhiều ẩn ức.
Điểm trừ của The Handmaid’s Tale là thiếu đi những đại cảnh với không gian rộng và đông đảo quần chúng. Xã hội trong phim bị bó hẹp, một nước Mỹ chỉ quẩn quanh trong một khu phố và những quốc gia dường như cách nhau một cung đường ngắn. Hiểu được điều này, trên Entertainment Tonight, các nhà sản xuất hứa hẹn mở rộng thế giới trong phần hai.
Ở giải Emmy năm nay, The Handmaid's Tale giành giải "Series chính kịch xuất sắc". Ngoài ra, series còn thắng bảy hạng mục khác của thể loại chính kịch, trong đó có giải "Nữ diễn viên chính xuất sắc" (Elisabeth Moss), "Nữ diễn viên phụ xuất sắc" (Ann Dowd) và "Đạo diễn xuất sắc" (Reed Morano).
Tám giải Emmy minh chứng cho chất lượng của tác phẩm - vốn ra mắt lặng lẽ hơn các series đình đám như Westworld hay Stranger Things. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử phim ảnh, một tác phẩm được phát hành bởi một dịch vụ trực tuyến đoạt giải Emmy "Series chính kịch xuất sắc". Thắng lợi này tiếp tục đánh dấu sự trỗi dậy của các đơn vị chọn cách phát hành không chính thống như Hulu, Netflix và Amazon.
Minh Dương