The Great Gatsby (F.Scott Fitzgerald) luôn được xem là cuốn tiểu thuyết "phải đọc" với dân nghiền sách trên toàn thế giới. Modern Library xếp The Great Gatsby ở vị trí thứ hai trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất của thế kỷ 20. Tạp chí Time vinh danh The Great Gatsby là một trong 10 tác phẩm văn học vĩ đại nhất mọi thời đại.
Trailer phim "The Great Gatsby" |
|
Việc chuyển thể một trong những kiệt tác bất hủ của văn học Mỹ cùng sự góp mặt của tài tử Leonardo DiCaprio - tài năng đang trong độ "chín" nhất - khiến The Great Gatsby trở thành tác phẩm điện ảnh được đón chờ nhất năm 2013. Tuy không được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng bộ phim rất được lòng người hâm mộ. Đến nay, The Great Gatsby xứng đáng được coi là bản chuyển thể tiệm cận nhất với sự hoàn hảo của tác phẩm gốc.
Phim đặt bối cảnh tại Long Island vào năm 1922, khởi đầu của thời kỳ về sau được sử sách gọi là "những năm 20 gầm thét" (Roaring Twenties), "thời đại hoàng kim" hay "thời đại nhạc Jazz" (theo chính cách gọi của F.Scott Fitzgerald). Đây là thời kỳ nền kinh tế thế giới, đặc biệt là kinh tế Mỹ, phát triển đến đỉnh điểm của sự thịnh vượng để rồi kết thúc bằng cuộc Đại suy thoái năm 1929. Cuộc đời của Gatsby, nhân vật chính trong phim, về bản chất, chính là lời tiên đoán bi quan và chính xác của Fitzgerald cho sự tàn lụi không thể ngăn chặn của xã hội Mỹ lúc bấy giờ. Có thể ví cuộc đời Gatsby cũng như toàn bộ nước Mỹ thập niên 1920 của thế kỷ trước với chính chiếc Roll Royce màu vàng thời thượng mà Gatsby sở hữu - ngày càng tăng tốc điên cuồng về phía trước, mất kiểm soát và cuối cùng dẫn đến thảm họa.
Bộ phim của Baz Luhrmann bám khá sát truyện gốc và được dẫn dắt theo mạch hồi tưởng của Nick Carraway, người mà ở khởi đầu phim đang phải điều trị chứng trầm cảm và nghiện rượu. Những năm tháng tuổi trẻ sôi sục nhiều tham vọng, Nick từng đến New York và tại đây anh có quen với một con người kỳ lạ, hành tung bí ẩn tên là Gatsby. Không ai biết Gatsby là ai, anh ta đến từ đâu. Không ai từng gặp Gatsby ngoài đời. Tất cả những gì thiên hạ biết về anh chỉ là tòa dinh thự lộng lẫy và những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng.
Bộ phim dần dần hé lộ nhiều hơn về Gatsby - quá khứ bí ẩn và tội lỗi của anh ta; tình yêu mãnh liệt không phai tàn theo năm tháng của anh dành cho Daisy Buchanan, một tiểu thư "nhà lành" anh từng quen tại Louisville và đã kết hôn với một triệu phú khác. Thông qua cầu nối là Nick Carraway, Gatsby dần tìm cách giành lại Daisy về phía mình...
Gatsby là một biểu tượng lớn trong văn hóa đại chúng Mỹ. Gatsby đại diện cho một kiểu người từ tay trắng đi lên, có một quá khứ đen tối, một người tình bí ẩn; người trong cuộc đời đã chạm tới tột đỉnh vinh quang để rồi mất đi tất cả. Người ta nhìn thấy ở Gatsby một sự hiến sinh cho những phù phiếm lòe loẹt của cái gọi là "Giấc mơ Mỹ". Nhưng đồng thời ở Gatsby cũng tồn tại một năng lực hy vọng kỳ lạ của kẻ không bao giờ biết bỏ cuộc, một tình yêu say đắm chân thành và cao thượng; một sự lãng mạn ngây thơ không hề bị vẩn đục. Chính những phẩm chất đó đã xây dựng nên một Gatsby phức tạp - một kẻ vừa là nạn nhân, vừa là trò hề, đồng thời cũng là một đấng anh hùng. Những thăng trầm trong cuộc đời Gatsby cũng là minh chứng rõ cho tính phù du, tạm bợ, đầy bất trắc của kiếp người.
Baz Luhrmann đã có một lựa chọn chính xác khi đưa Leonardo DiCaprio vào vai chính Gatsby. Leo kiểm soát vai diễn tốt và khiến khán giả tin chắc rằng, ngoài anh ra không còn ai xứng đáng hơn để hóa thân vào gã si tình vĩ đại của nước Mỹ. Lịch lãm, sầu khổ, phiền muộn, phù phiếm, cùng chút ngây thơ quê mùa của kẻ giàu xổi... Leo chính là một Gatsby "chuẩn chỉ" trong trí tưởng tượng của khán giả. Từ một gã trai bạt mạng trong Romeo + Juliet (lần hợp tác đầu tiên của anh với Baz Luhrmann) đến một quý ông si tình trong The Great Gatsby, Leonardo DiCaprio là một minh chứng cho câu danh ngôn "rượu càng để lâu năm càng ngon". Chỉ riêng phần diễn xuất xuất sắc của Leonardo DiCaprio cũng đủ để khán giả mua vé đến rạp cảm thấy "đáng đồng tiền bát gạo".
Carrey Mulligan cũng thể hiện rất thành công nhân vật Daisy Buchanan, mối tình ám ảnh của Gatsby. Đặc trưng nhất ở Daisy không phải là sắc đẹp "nghiêng nước nghiêng thành" mà ở lối nói nhấn nhá các đại từ, cách kéo dài các âm tiết, giọng lên bổng xuống trầm như một điệu nhạc vui. Bí quyết quyến rũ của Daisy là giọng thủ thỉ, thì thầm, cốt để người nghe phải ghé sát vào mình. Vẻ đẹp mong manh cùng giọng nói nhẹ như không vương hơi thở của Carrey Mulligan giúp cô có một vai diễn thành công.
Baz Luhrmann đã dành những cảnh quay ấn tượng nhất để giới thiệu Gatsby và Daisy, hai linh hồn của bộ phim. Khán giả sẽ choáng ngợp về cách Daisy xuất hiện lần đầu tiên, trong căn phòng rực nắng với những tấm rèm trắng cuồn cuộn bay khắp phòng như trong khung cảnh thần tiên. Gió tan và những tấm rèm hạ dần nhường chỗ cho bàn tay nhỏ nhắn, thanh tú của Daisy trên ghế sofa (với chiếc nhẫn kim cương của Tiffany & Co. trên ngón tay áp út) rồi gương mặt nũng nịu dễ thương của Daisy từ từ ngước lên nhìn khán giả.
Baz Luhrmann kế tục xuất sắc dụng ý của F.Scott Fitzgerald khi dành lại cho Gatsby sự xuất hiện sau cùng trong dàn nhân vật chính. Gatsby hoàn toàn giấu mặt trong suốt phần đầu của bộ phim và chỉ xuất hiện trong những lời ngồi lê đôi mách của thiên hạ. Nick Carraway, người dẫn chuyện, chỉ thấy bóng dáng thấp thoáng của Gatsby sau ô cửa sổ hoặc trên bến tàu.
Đến lúc khán giả ít ngờ nhất, thì Gatsby bỗng từ đâu hiện ra, tay giơ cao ly rượu vang, quay lưng lại mỉm cười với Nick Carraway một nụ cười mê hoặc – nụ cười "có lẽ cả đời chỉ gặp được bốn, năm lần", "có phẩm chất khiến ta thấy yên lòng mãi mãi", cùng với dàn pháo hoa bất chợt xòe nở ngay đằng sau. Một hình ảnh mạnh mẽ, ấn tượng, không thể nào quên đối với bất cứ ai từng yêu mến Leonardo DiCaprio hoặc hâm mộ cuốn tiểu thuyết.
The Great Gatsby sở hữu gần như mọi yếu tố để trở thành một tác phẩm điện ảnh xuất sắc - một câu chuyện gốc thuộc hàng kinh điển nhất, một dàn diễn viên hợp vai, nhạc phim bắt tai, phục trang xa hoa được tài trợ từ hãng thời trang danh tiếng Prada và hãng kim hoàn huyền thoại Tiffany & Co.
Nhưng Baz Luhrmann đã sai lầm khi chọn cách quá tập trung vào hình ảnh cùng những ấn tượng thị giác, khiến câu chuyện bị nông và hời hợt. Trang phục thời thượng và đá quý lấp lánh đã che lấp ánh sáng thực sự tỏa ra từ tác phẩm gốc của F.Scott Fitzgerald. Đối với những hình ảnh biểu tượng của phim như cặp mắt của bác sĩ T.J. Eckleburg và ánh đèn xanh, dường như sợ khán giả không hiểu, Baz Luhrmann đã giải thích trực tiếp bằng lời thoại hoặc trích dẫn nguyên văn từ cuốn tiểu thuyết.
Đối với những người chưa đọc cuốn sách, The Great Gatsby là một bộ phim giàu tính biểu tượng, ám ảnh và dữ dội. Nhưng "cái gì của Ceasar thì trả lại cho Ceasar", công đó thuộc về tác giả F.Scott Fitzgerald, chứ không phải Baz Luhrmann. Đó là những giá trị lớn lao của tác phẩm văn học mà bất cứ bản chuyển thể nào cũng sẽ truyền tải được phần nào.
Dẫu vậy, The Great Gatsby vẫn là một trong những tác phẩm "phải xem" trong năm nay. Với độ dài 143 phút, bộ phim là một chuyến du hành rực rỡ đưa khán giả ngược trở lại quá khứ đến với "Thời đại nhạc Jazz", hòa mình vào không khí của "thế hệ mất mát" nơi "mọi thánh thần đã chết cả, mọi cuộc chiến trận đã diễn ra xong, mọi niềm tin của con người đã tan vỡ".
The Great Gatsby (Gatsby đại gia) khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 28/6 với cả hai phiên bản 2D và 3D.
Anh Trâm