Đi ngược với xu thế khai thác 3D, kỹ xảo của điện ảnh thế giới, đạo diễn người Pháp Michel Hazanavicus cho ra đời The Artist, tác phẩm gợi nhớ thời kỳ phim câm đen trắng của Hollywood vào thập niên 1920. The Artist đã gây nhiều ấn tượng tại LHP Cannes năm ngoái và giành 5 giải Oscar quan trọng, trong đó có danh hiệu Phim hay nhất hồi đầu năm nay.
* Trailer "The Artist" |
Lấy bối cảnh ở Hollywood vào năm 1927, The Artist xoay quanh nhân vật George Valenti, một ngôi sao phim câm đầy kiêu hãnh và được nhiều khán giả yêu mến. Anh sở hữu một tòa biệt thự sang trọng, người vợ xinh đẹp và những bộ phim khiến người xem phải thổn thức. Một lần, George giúp đỡ Peppy Miller, cô gái hâm mộ mình, có một vai diễn trong phim của anh. Nhưng sau đó, sự chuyển đổi của nền công nghiệp từ phim câm sang phim tiếng (talkies) đã làm danh tiếng của George lu mờ dần. Từ hào quang danh vọng, sự nghiệp của anh đột ngột bị chôn vùi.
"The Artist" gợi nhớ thời kỳ phim câm đen trắng ở Hollywood những năm 1920. Ảnh: Weinstein. |
George rơi vào khủng hoảng, cô đơn. Bị vợ bỏ rơi, bên cạnh anh chỉ còn chú chó, người bạn diễn luôn đồng hành trong các bộ phim, và người lái xe trung thành. Trong khi đó, nhờ vào chất giọng đặc biệt và nhan sắc, Peppy Miller dần trở thành ngôi sao màn bạc sáng giá và là người "không ai ở Los Angeles mà không biết tới" (trích lời một tờ báo trong phim). Được vô số chàng trai vây quanh nhưng Peppy vẫn âm thầm dõi theo George với mong muốn giúp đỡ thần tượng mình trở lại màn ảnh. Trong khi đó, George Valenti đắm chìm trong men rượu và những ký ức của một thời vàng son.
The Artist mở đầu với hình ảnh một buổi chiếu phim câm tại Hollywood vào những năm 1920. Khuôn hình 4:3 đen trắng, dàn nhạc chơi theo cảm xúc của mỗi phân đoạn, khán giả (đều là người da trắng) diện những bộ trang phục sang trọng, lịch lãm đi xem phim. Khi kết thúc, các ngôi sao của phim bước ra sân khấu cúi chào trong tiếng reo hò cuồng nhiệt của đám đông phía dưới. Cảnh mở đầu của phim đã tái hiện lại chân thực không khí của các rạp chiếu vào thập niên 1920 - khi phim câm đen trắng đang ở thời kỳ hoàng kim.
Đạo diễn Michel Hazanavicius trên trường quay. Ảnh: Weinstein. |
Nội dung phim khai thác giai đoạn chuyển giao giữa công nghệ phim câm sang phim tiếng, khi những ngôi sao mới sở hữu chất giọng tốt dần thay thế cho cả một thế hệ cũ vốn chỉ phải tập trung diễn xuất nét mặt, cử chỉ chứ không phải chú ý đến đài từ. Hai nhân vật George và Peppy cũng được xây dựng dựa trên những nguyên mẫu có thật thập kỷ 1920 là Douglas Fairbanks và Gloria Swanson. Câu chuyện mang tính lịch sử của điện ảnh được đạo diễn Michel Hazanavicius kể dưới dạng phim câm đen trắng, với bản Inter-Title phụ đề thay cho những mẩu đối thoại giữa các nhân vật.
The Artist sở hữu dàn diễn viên xuất sắc, như thể họ chính là những ngôi sao phim câm năm xưa du hành tới thời hiện đại. Jean Dujardin thực sự "chiếm lĩnh" màn ảnh khi thể hiện cảm xúc qua gương mặt, ánh mắt, cử chỉ, từ nụ cười đầy kiêu hãnh của nhân vật George trong thời hoàng kim của phim câm, cho tới nỗi thất vọng, giận dữ, bất lực với chính bản thân mình khi ánh hào quang lụi tắt. Diễn xuất của Jean Dujardin với vai George Valentin khiến cho người xem thấu hiểu được thông điệp: "một người nghệ sĩ thực thụ thì dù ở bất cứ thời kỳ nào, họ vẫn mãi là nghệ sĩ".
Nếu như Jean Dujardin mang đến linh hồn và cảm xúc cho The Artist thì nữ diễn viên người Argentina, Bérénice Bejo, lại tạo nên sự thăng hoa của bộ phim. Những bước nhảy duyên dáng, nụ cười, cái đá lông nheo hay nốt ruồi giả trên khóe môi của cô đều toát lên cái thần thái của một minh tinh màn bạc, đẳng cấp và khác biệt so với những minh tinh hiện đại. Ngoài hai diễn viên chính, diễn xuất của chú chó Uggy - người bạn trung thành luôn sát cánh bên nhân vật George Valenti - cũng tạo nên những nét đặc sắc và không kém phần cổ điển cho The Artist.
Không khí hoài cổ thể hiện ngay ở phần mở đầu của "The Artist". Ảnh: Weinstein. |
Âm thanh của phim được dàn dựng, hòa âm rất đặc biệt. Có những trường đoạn sử dụng âm nhạc để dẫn dắt cảm xúc người xem - như cách truyền thống của phim câm, nhưng ngay sau đó mọi thứ lại im bặt và xuất hiện những tiếng động như tiếng cười vang, tiếng chiếc cốc đặt trên bàn... Tất cả đều lột tả quá trình chuyển đổi từ phim câm sang phim tiếng. Những giai điệu cổ điển của nhà soạn nhạc Ludovic Bource cũng đem đến cảm giác dễ chịu, khiến người xem có cảm giác như được du hành về thời của vua hề Charlie Chaplin.
* Đánh giá của VnExpress: |
* Đánh giá của độc giả: |
Giữa vô vàn tác phẩm bom tấn khoe kỹ xảo hay những bộ phim thể nghiệm phức tạp thì The Artist trở nên nổi bật nhờ vào tính hoài cổ. Phim giống như một lá thư tình viết tay, đầy ngọt ngào và thơ mộng mà ai cũng phải nâng niu, trân trọng khi đọc, trong thời buổi người ta quen trao đổi bằng email, tin nhắn. Ngành công nghiệp điện ảnh luôn biến đổi không ngừng theo guồng quay đầy khắc nghiệt. Nghệ sĩ nào cũng có một thời kỳ hoàng kim để rồi khi qua thời kỳ đó, họ trở thành kỳ cựu, trở thành những người của "thế hệ trước". Tuy nhiên, có những giá trị cũ sẽ mãi mãi chẳng bao giờ bị biến đổi và hao mòn. The Artist đã thành công trong việc gợi lại một thời kỳ lịch sử mà ở đó, điện ảnh là một thứ gì đấy thật trong trẻo, thật thuần khiết, giống như một giấc mơ mà bất kỳ ai cũng muốn một lần được chạm đến.
The Artist (Nghệ sĩ) khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 11/5.
* Nghe ca khúc nhạc phim "The Artist" |
Nguyên Minh