Nguyễn Thị Thu Huệ -
Tên sách: Thành phố đi vắng
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Huệ.
NXB Trẻ
Giá bìa: 75.000 đồng.
Cuộc sống với những xáo trộn, mất mát và bất an. Đô thị hiện đại, trẻ trung, năng động nhưng chất chứa trong lòng nó một khuôn mặt thời gian bị bôi xóa bởi những lãng quên, bị vùi lấp trong chậm rãi ngưng đọng, bị đe dọa bằng những gam màu loang của sự hủy diệt những giá trị. Thành phố đi vắng là chuyện về những đôi mắt người như đang ở lưng chừng giữa sự sống và cái chết, tồn tại nhưng không thật sự hiện hữu. Mà lựa chọn nào cũng hằn lại những khoảng trống đến hoang mang.
Bìa tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. NXB Trẻ. |
Tôi vẫn rất nhớ Nguyễn Thị Thu Huệ từ truyện ngắn Hậu thiên đường. Mà từ thời ấy đến bây giờ đã tròm trèm gần 2 thập kỷ. Một lớp độc giả trẻ cũng có lẽ cũng đã được thay mới.
Với Thành phố đi vắng lần này, tôi lại thấy tính cảnh báo trong từng câu chuyện của chị. Những nhân vật “run rẩy” đi trong chiều dài, và cả chiều sâu cuộc sống nhưng không ai định hình được con đường sẽ dẫn về đâu. Không một ai. Những định hướng hoang mang, mục tiêu sống cũng chìm khuất trong cái nhộn nhịp nhưng bức bối. Khái niệm hiểu thấu và chia sẻ trở thành điều xa xỉ. Có cái gì đó như bất nhẫn trong ngòi bút miêu tả đôi lúc đến lạnh lùng của nhà văn trong truyện ngắn lấy làm tựa sách, nhưng cũng chính nhờ vậy mà người đọc thấy thấm thía. Phố đông nhưng người phố cô đơn.
Tôi nhớ gia đình nhà Tân - Luyến với thằng con Thái Dương trong truyện Sống gửi thác về. Cuộc sống của gia đình này chậm rãi từng chi tiết đến mức người đọc phải tự hỏi rằng rồi thì mọi thứ trong cuộc sống cuối cùng sẽ ngày qua ngày với những vòng quay trở đi trở lại của sự việc, lời nói vậy sao? Nhưng rồi Luyến bị ung thư gan. Cái chết của người vốn sinh ra làm ngọn lửa giữ ấm cho gia đình không ai lường trước được như một điểm thắt trên chiếc đồng hồ cát để rồi mọi thứ hoàn toàn đảo lộn trong cuộc sống của “hai thằng đàn ông trong nhà” - một lớn một bé mà nếu chỉ nghe cách xưng hô thì không biết ai là cha ai là con. Một sự thiếu vắng hẫng hụt đến tội nghiệp. Mà cũng chỉ khi điều thân quen mất đi, người ta mới kịp giật mình nhận ra rằng hôm nay còn đây, thì biết mà thương mà lo cho nhau đi, ai biết ngày mai…
Tôi nhớ Của cha, của Con và Cành vạn niên thanh. Cuộc sống của “gà trống nuôi con” ngày qua ngày chen lấn trong cái bí mật về sự ra đi của người mẹ - mà mãi khi đứa con thiếu vắng tình thương lớn lên mới hiểu được lỗi lầm đó là của cha. Sự phản bội không thể tha thứ đã làm tan vỡ một gia đình lẽ ra là đã rất hạnh phúc. Rồi Cha, trong cuộc mưu sinh đã bỏ quên con gái mỗi ngày phải chứng kiến cảnh vợ chồng nhà hàng xóm “yêu” nhau để rồi nó cũng bước chân vào cuộc “khám phá” thế giới của người lớn. Chính vào lúc con trượt ngã, Cha vì cứu người mà nhận lấy những vết chém từ bọn giang hồ. Nỗi đau nào là lớn nhất trong cuộc đời của Cha, của Con hay tất cả cũng chỉ là những mảnh ghép rời rã như cách cha đã gắn lá giả cho những cành vạn niên thanh?
Tôi nhớ những lời lẩm nhẩm sau cùng của anh chàng tiến sĩ trong Coi như không biết. Mấy chục năm vợ chồng hạnh phúc, ròng rã cả tuổi trẻ đua theo những học hàm học vị để rồi bị tâm thần, chỉ nhắc đến số tiền 35 triệu đồng và cô cave. Số tiền không lớn nhưng đủ giết chết một con người. 3 ngày được yêu thương và chia sẻ đủ khiến một con người hóa điên khi ngọn nguồn yêu thương ấy mãi mãi mất đi. Trước cái chết và những ranh giới của sự tồn tại, khái niệm cave cũng không còn quan trọng, mà chỉ có tình yêu thật sự là tồn tại mãi mãi.
Tôi nhớ cả những câu nói của các nhân vật, những dòng cuối để lý giải hoặc đơn giản là để kết thúc cho một khuôn truyện đủ sức làm nhói lòng người đọc. “Đừng bao giờ để anh một mình - Ừ, đừng bao giờ…”, “Em không bỏ anh, em đi vì có còn anh nữa đâu”, “Mảnh giấy báo nơi ở thường trú của cô: Khu 29, Lô E, số mộ 435, nghĩa trang Bình yên”…
Thành phố của nhà văn, cuộc sống chảy chậm rãi trong từng mái nhà, ngõ hẻm; và cũng như miền trầm tích giữ lại từng vết loang của mất mát, của những nhầm lẫn và sợ hãi, của những cuộc đi, của những chuyến về… Thành phố đi vắng. “Không còn sự lộn xộn của đời sống thị dân bao đời vẫn thế. Phố vẫn dài, giờ thêm lạnh. Ngày cuối tuần thành phố như đông máu. Vô cảm, dửng dưng. Thật là khi phát hiện ra đời sống của một nơi chốn lại có thể tác động tới cảm xúc của mình đến thế. Xe miên miết trôi. Người miên miết đi”…
Tập truyện khiến người đọc đôi lúc phải chùng lòng, nghĩ về những mải miết lao chen trong cuộc sống ở thời đại của bất an và đầy tổn thương này. Một lời cảnh báo cần thiết - để người phải đi tìm người, tìm lại chính mình - ngay cả khi phía sau có là những tiếng thở dài…
Tiểu Quyên