Đạo diễn Thanh Hoàng. |
Sinh ra trong một gia đình 5 anh em, do nhà nghèo, học hết lớp 9, anh phải nghỉ học làm công nhân xây dựng. Anh nung nấu ý nguyện vào học Trường Nghệ thuật sân khấu. Thanh Hoàng tâm sự: "Tôi cùng đội công nhân thi công trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP HCM), thời gian đó, trường đang tổ chức kỳ thi tuyển sinh, một người bạn thợ có máu nghệ thuật đã rủ tôi thi cùng, thế là tôi quyết định dự thi và đậu luôn". Thanh Hoàng đến với nghệ thuật một cách nhẹ nhàng như thế, ngay cả gia đình anh cũng bất ngờ.
Năm 1984, tốt nghiệp trường Nghệ thuật Sân khấu 2, Thanh Hoàng bắt đầu lăn lộn với công việc ở Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận, tham gia các hoạt động văn nghệ quần chúng, đóng và dàn dựng những vở kịch tham dự hội diễn nghệ thuật quần chúng. Thanh Hoàng luôn nhớ về Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận, nơi cho anh mảnh đất dụng võ, và cũng từ mảnh đất đó Thanh Hoàng bước vào sân khấu chuyên nghiệp và thành danh. Thanh Hoàng nhớ lại: "Nhờ thực tiễn xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng mà tôi rèn luyện được khả năng viết kịch bản. Kiến thức sân khấu được đào tạo ở trường và thực tiễn cuộc sống cơ sở đã giúp tôi thành công ở bước khởi đầu và cả về sau này". Thanh Hoàng bắt đầu được khán giả chú ý đến qua các vai diễn được anh hóa thân độc đáo ở các bộ phim: Anh hai mắt mèo, Sợi dây đai, Ngôi nhà quê…
Thanh Hoàng tâm sự: "Năm 1995, vở Dạ cổ hoài lang được trình diễn cho các nghệ sĩ gạo cội ở Hà Nội xem, lúc đó tôi chỉ là một đạo diễn vô danh tiểu tốt, nên hồi hộp lắm. Không ngờ được hoan nghênh. Tôi thấy thật hạnh phúc khi lao động nghệ thuật của bản thân và các đồng nghiệp được công nhận".
Dù là diễn viên, đạo diễn hay nhà biên kịch, Thanh Hoàng đều nỗ lực hết mình. Đối với anh, vai trò nào cũng quan trọng, anh luôn luôn làm việc trong một chương trình mở, tất cả các vai trò của anh đều có sự bổ sung cho nhau.
(Theo Văn Hóa Nghệ Thuật)