![]() |
Nghệ sĩ Thanh Hoàng. |
- Anh đã đem vào "Dạ cổ hoài lang" một nỗi buồn da diết, một câu chuyện thấm đẫm nỗi đau của những người Việt xa xứ. Cái tứ để anh viết nên tác phẩm là gì?
- Đó là cảm xúc bất chợt khi tôi đọc trên báo về cuộc sống của những người Việt xa xứ, câu chuyện những ông bà già cô đơn nơi xứ người tìm về hình ảnh quê hương qua việc treo củ hành, củ tỏi, trái ớt trong nhà. Tôi cảm nhận được quê hương là cái gì đó không thể thay thế, ai mà không có vui buồn gắn liền với tuổi thơ. Quê hương đã vượt qua khỏi khái niệm giàu nghèo, không gian và thời gian. Bản ca Dạ cổ hoài lang đưa vào vở kịch cùng tên mang biểu tượng quê hương vì cổ nhạc luôn gắn liền với con sông, bến đò, chiếc cầu khỉ... Gốc gác của Dạ cổ hoài lang là viết về mối tình và tôi đã đem mối tình ấy vào các nhân vật của mình.
- Anh thường diễn những vai già hơn so với tuổi, chẳng hạn nhân vật Hai Phán trong Nợ đời, tại sao vậy?
- Tôi nghĩ rằng do phong thái nghiêm chỉnh, không cười nói rộn rã cộng với cái chất vốn có của mình nên các đạo diễn hay chọn tôi vào những vai ông lớn trong các vở kịch cổ điển nước ngoài, hoặc đóng vai ông già... xứ ta ngay từ lúc tôi mới 25 tuổi.
- Gắn liền với sân khấu trong cương vị tác giả kịch bản, diễn viên và bây giờ là trưởng ban điều hành sân khấu 5B. Anh đánh giá thế nào về thực trạng sân khấu TP HCM hiện nay?
- Tôi trăn trở cũng như bao nhiêu người làm nghề khác, sân khấu bây giờ bị doanh thu chi phối nhiều và điều đó dẫn đến việc thoả hiệp, chiều theo thị trường. Làm sân khấu lý tưởng mà có người xem thì tốt quá nhưng sẽ rất khó, chỉ làm được với điều kiện hình thành một lực lượng sân khấu giỏi ở tất cả các khâu. Khâu biên kịch yếu, có những vở kịch đáp ứng thị trường, chỉ dừng lại ở tính giải trí và ngược lại, có những vở đặt được vấn đề nhưng lại không có người xem. Hiện nay, sân khấu quá thiếu những kịch bản hội đủ ba yếu tố: tính giáo dục, giải trí và thẩm mỹ.
- Tâm huyết với sân khấu nhưng tại sao anh lại chuyển sang viết kịch bản phim?
- Tôi không nghĩ mình sẽ viết kịch bản phim. Thế nhưng TFS đặt hàng tôi chuyển thể tiểu thuyết Con nhà nghèo của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Con nhà nghèo tạo được nhiều cảm tình với người xem. Và thế là TFS đặt tôi viết tiếp Nợ đời, Đại nghĩa diệt thân.
- Điều anh thích nhất trong tác phẩm của cụ Hồ Biểu Chánh là gì?
- Văn của cụ Hồ Biểu Chánh có tình huống hay, sắp xếp tình tiết khá tự nhiên, tính cách nhân vật rõ ràng, mạch lạc. Vì thế, khi lên phim sẽ rất hấp dẫn người xem. Mặt khác, tư tưởng của cụ hướng người ta tới đạo lý thiện thắng ác, gieo gió ắt gặt bão, ở hiền gặp lành... Tôi thích cái không khí và phong cách của người Nam Bộ xưa cùng tư tưởng mang dáng dấp của triết học Phật giáo.
- Như vậy anh luôn hướng về những hoài niệm, những giá trị xa xưa?
- Tôi viết về những hoài niệm đang gắn với thời đại đấy chứ. Qua các tác phẩm của mình, tôi muốn góp một tiếng nói để giữ những giá trị, nhắc nhở người ta hướng về nguồn cội trong xu hướng phát triển, vì chính những giá trị văn hoá cội nguồn ấy đã tạo nên con người VN.
- Theo anh, một nghệ sĩ cần có những yếu tố gì?
- Say mê công việc, lao động hết mình và không ngừng học hỏi.
(Theo Thanh Niên)