- Sau khi cầu hôn nhạc sĩ người Philippines Roland hồi đầu năm, chị chuẩn bị kế hoạch đám cưới đến đâu?
- Tôi không có ý định tổ chức hôn lễ hay đăng ký kết hôn. Mối quan hệ giữa chúng tôi đang tốt đẹp, tôi sợ sự thay đổi làm xáo trộn. Tôi cầu hôn Roland vì thấy nợ anh quá nhiều. Trước đó, anh ngỏ lời cưới tôi hai lần nhưng tôi đều từ chối. Tôi nghĩ đó là việc mình cần làm để tỏ lòng chân thành với bạn trai, chứng minh sự nghiêm túc của mình. Gần đây, hai chúng tôi đều bận rộn công việc nên anh không còn giục giã tôi chuyện đám cưới. Thỉnh thoảng, anh nói: "Nếu anh không ngỏ ý, anh sợ em lại nghĩ anh không quan tâm. Giờ em chủ động đi, khi nào muốn thì nói với anh".
Thực ra, hai bên gia đình đều chấp thuận, ủng hộ việc chúng tôi chung sống. Tôi giờ không muốn ràng buộc bởi một tờ giấy đăng ký mang tính thủ tục. Ở tuổi trung niên, tôi mê tín hơn. Hai cuộc hôn nhân trước, mọi chuyện đang êm đẹp thì đổ vỡ sau khi tôi kết hôn. Tôi sợ điều này sẽ lặp lại. Tôi và bạn trai sẽ đi chụp ảnh cưới để làm kỷ niệm thôi.
- Anh chị làm sao duy trì tình cảm sau hơn 10 năm yêu?
- Chúng tôi không ở bên nhau quá 16 tiếng một ngày để cho nhau khoảng trống. Khi xong công việc, về nhà, mỗi người dành tình cảm tốt đẹp nhất cho đối phương. Tôi nghĩ những phụ nữ ở tuổi trung niên, đã trải qua đổ vỡ như tôi, không nên chăm chăm kiếm tiền quá mà nên quan tâm đến người bên cạnh.
Tôi kinh nghiệm trong chuyện tình cảm, không có chuyện nũng nịu, bắt người yêu phải tự hiểu, đoán ý mình. Tôi luôn thẳng thắn em muốn thế này, thế kia với anh, tất nhiên dùng chất giọng ngọt ngào, nhẹ nhàng. Tôi cũng thường thủ thỉ với anh: "Em buồn khổ nhiều rồi, em chỉ mong như vậy thôi. Em không cần tiền, em chỉ cần anh đứng sau, cho em những lời động viên ngọt ngào và đừng bao giờ làm em mất mặt trước bạn bè. Nếu nhỡ em có cáu gắt, cố gắng chịu đựng em một chút". Anh nói: "Ok, không sao, anh làm được".
Ngoài ra, tôi nghĩ tình cảm bền lâu không thể đến từ một phía. Mỗi người cũng phải thay đổi để phù hợp với nửa kia trước khi yêu cầu điều gì từ họ. Chiếc nhẫn trên tay mỗi cặp tượng trưng cho sự nhẫn nại, bao dung trong tình yêu.
- Hai người chia sẻ tài chính với nhau thế nào?
- Chúng tôi thống nhất thế này: Tiền của tôi là của tôi, tiền của Roland cũng là của tôi. Bạn trai tôi rất giản dị, không có nhu cầu dùng tiền nhiều. Chuyện ăn mặc, quần áo của anh ấy do tôi lo. Tôi thường sắm cho anh ấy năm cái quần bò mỗi đợt, mặc cùng áo phông, áo sơ mi, chủ yếu là màu đen. Anh ấy nam tính, không cần ăn diện quá.
Tôi ngược lại, thích mua sắm đồ hiệu. Thỉnh thoảng, khi biết giá tiền cái túi, đôi giày của tôi, anh thốt lên: "Trời ơi, tiền mua cái này anh có thể mua đồ nghề làm âm thanh, giúp mình kiếm lại tiền mà". Tôi đáp: "Nhưng nó làm em vui, anh không hiểu được đâu. Nó khiến em cảm thấy mình xứng đáng với sức lao động đã bỏ ra". Một lần khác, anh thắc mắc; "Em có đôi giày này rồi mà". Tôi giải thích: "Nhưng em chưa có màu này". Giờ anh không ý kiến với chuyện mua sắm của tôi, nhưng thỉnh thoảng anh vẫn nói: "Thay vì mua cái ví này, em mua một bài hát đi". Nói chung, anh rất chiều chuộng, quan tâm đến sự nghiệp tôi, chỉ hỏi vậy chứ không cằn nhằn nhiều.
- Hơn người yêu 12 tuổi, chị gặp khó khăn gì khi chung sống với anh?
- Tôi may mắn vì yêu người kém tuổi nhưng chững chạc, đàn ông. Tôi là người rất trẻ trung, vui vẻ nên cần người chín chắn để giúp cân bằng cảm xúc. Nhiều người bạn cùng tuổi bạn trai tôi vẫn mê chơi điện tử. Thế nhưng, từ ngày gặp nhau, tôi chưa thấy anh lãng phí thời gian vào trò chơi nào.
Lịch sinh hoạt hàng ngày của anh cố định, rất nhàm chán. Buổi sáng, anh dậy sớm, tập thể thao rồi về nhà pha cà phê cho tôi. Sau đó, anh vào phòng thu làm việc. Anh thích nấu ăn theo phong cách "healthy", chỉ quanh quẩn vài món luộc. Thỉnh thoảng, tôi nói: "Anh ăn chán quá, anh ngồi ăn một mình đi". Sợ tôi buồn, Roland lại ăn các món tôi nấu. Nhiều người thấy lạ khi chúng tôi ở bên nhau lâu. Dễ hiểu thôi, vì người ta thường yêu những thứ mình không có. Bạn trai thích tôi vì tính cách hài hước. Mỗi lần ở bên, tôi luôn khiến anh ấy cười.
- Anh chị hỗ trợ nhau thế nào trong công việc?
- Roland là nhạc sĩ, hiểu về công việc của tôi, những vất vả, khó khăn trong nghề. Tuy nhiên, vì hiểu và lo lắng cho nhau quá, đôi lúc anh khiến tôi bực bội. Bọn tôi cãi nhau thường xuyên khi cùng ngồi trong phòng thu, lên ý tưởng làm album.
Năm ngoái, anh nhất định không cho tôi hát bài Sợ yêu vì nghĩ ca khúc trẻ trung quá. Anh còn không thích bài hát bởi đoạn nhạc đầu na ná một ca khúc nhạc trẻ khác. Thế nhưng tôi khăng khăng thu âm bởi đoạn nhạc sau quá hay, ca từ lại phù hợp tâm trạng của tôi và nhiều phụ nữ khác - không dám dấn thân vào tình yêu vì đã tổn thương quá nhiều. Sau đó, anh nhượng bộ nhưng hai đứa lại bất đồng khi bàn về cách thể hiện. Tôi muốn hát theo phong cách acoustic còn anh thích phối khí "hoành tráng" cho bài hát. Tôi thấy việc tranh cãi trong công việc cũng thú vị. Sau mỗi lần như vậy, chúng tôi hiểu thêm về nhau hơn.
- Quan hệ giữa con gái và bạn trai chị ra sao?
- Con gái tôi - Isabella - quý và tôn trọng người yêu tôi, gọi anh là chú (uncle). Con bé rất ủng hộ chuyện tình cảm của tôi. Gia đình tôi lạ lắm. Chồng cũ của tôi - bố của Isabella - cũng khá thân với Roland. Khi con cần gì, nếu bố không làm được, anh sẽ nhắn tin cho bạn trai tôi để nhờ anh giúp. Gia đình tôi có một nhóm chat trên Facebook, gồm tôi và Roland, Isabella và bố bé, con riêng của anh Roland. Chúng tôi thường xuyên trò chuyện với nhau, tôi là người bị nói xấu nhiều nhất trong nhóm.
- Tình cảm viên mãn nhưng tại sao chị vẫn gắn bó với những ca khúc buồn?
- Đi qua một nửa cuộc đời, trải qua không ít biến cố trong tình cảm, cuộc sống, tôi cảm thấy đây là thời điểm phù hợp nhất để hát những ca khúc trầm, buồn. Đến giờ, tôi vẫn nghĩ đến mối tình đầu tiên khi biểu diễn. Tôi tâm sự thẳng thắn với bạn trai: "Giờ em không còn đẹp như thời trẻ. Nhưng nếu không gặp những người cũ và thất bại, em sẽ không biết yêu và trân trọng anh. Vậy nên anh vẫn là người may mắn nhất".
Thanh Hà sinh năm 1969, có mẹ là người Việt Nam, cha là một người Mỹ gốc Đức. Ông qua đời khi chị mới hai tuổi. Thuở nhỏ, ca sĩ sinh sống và học tập ở Đà Nẵng. Sau khi học hết lớp 12, chị chuyển vào Sài Gòn. Năm 1991, chị sang Mỹ định cư.
Thanh Hà công khai chuyện yêu đương với khán giả trong nước vào năm 2016, khi chị về Việt Nam ca hát. Chị gặp Roland trong một buổi diễn tại San Jose, Mỹ cách đây 11 năm. Roland bị chinh phục khi nghe chị hát ca khúc bất hủ Woman in love. Cả hai từng có con nhưng không may Thanh Hà bị sảy thai. Họ cùng vượt qua nỗi buồn để tiếp tục gắn bó trong cuộc sống và công việc.
Hà Thu