- Giọng hát Việt từng bị chỉ trích khá nhiều vì thí sinh thích hát tiếng Anh hơn tiếng Việt. Ở Giọng hát Việt nhí thì sao?
- Có lẽ tôi sẽ làm nhiều người thất vọng khi nói rằng thí sinh The Voice Kids cũng thích hát tiếng Anh hơn tiếng Việt. Nhưng xin đừng trách các em, chúng ta hãy nhìn lại mình trước. Thị trường nhạc Việt hầu như không có ca khúc mới dành cho thiếu nhi, và nếu có cũng không nhiều bài chạm được đến trái tim các bé. Toàn là tình yêu trai gái, mà vui ít buồn nhiều. Trẻ con bây giờ tiếp xúc với tiếng Anh từ rất sớm, chúng thích nghe bài nào thì sẽ đi thi với bài đó.
Tôi cũng khuyến khích các em hát tiếng Việt, nhưng với những bài nước ngoài đẹp từ ca từ cho đến giai điệu như You raise me up, The fly… bạn dùng lý lẽ nào để cấm chúng hát? Hơn nữa, cũng nên nghĩ thoáng hơn là âm nhạc không có ngôn ngữ, và hát tiếng Anh là một cách để tiếp cận âm nhạc thế giới dễ dàng hơn.
- Huấn luyện viên Thanh Bùi có "chiêu trò" gì để dụ thí sinh về với mình?
- “Chiêu trò" à, để tôi nhớ xem, chắc cũng không ít đâu (cười). Tôi sẽ dò hỏi xem các em thích gì và đáp ứng cái đấy. Chẳng hạn em nào thích chị Thu Minh tôi sẽ bảo: "Anh vừa làm xong một ca khúc rất hot cho Thu Minh, em có muốn là người nghe đầu tiên không?". Em nào thích thu âm thì tôi đã có sẵn một phòng thu hiện đại. Hoặc em nào thích ăn kẹo thì tôi sẽ hứa cho các em ăn thoải mái đến khi nào "tròn" như chú Thanh Bùi (cười).
Nhưng quan trọng hơn hết, tôi đối xử với các bé như những người lớn. Chỉ có như thế các em mới suy nghĩ thật chu đáo và có trách nhiệm với quyết định của mình. Dĩ nhiên, em nào không về với mình thì cũng tiếc một chút. Nhưng tôi cũng luôn ủng hộ sự lựa chọn của các bé.
- Là người duy nhất chưa lập gia đình, anh tự tin thế nào về việc nắm tâm lý trẻ con so với những huấn luyện viên còn lại?
- Phải nói tôi cực kỳ thích 3 huấn luyện viên còn lại. Hiền Thục vừa dịu dàng vừa đáng yêu giống trẻ con. Lưu Hương Giang và Hồ Hoài Anh lại nói chuyện rất văn minh và khéo léo. Mỗi người có một thế mạnh riêng. Thế mạnh của tôi là kinh nghiệm giáo dục và định hướng quốc tế. Tôi có niềm đam mê giáo dục và trẻ con kinh khủng. Có một điều ít ai biết là trong cuộc thi Australian Idol, tôi lọt vào top 8 nhưng học trò của tôi lại đi được đến top 3.
Tiêu chí chọn thí sinh của tôi đơn giản lắm, chỉ cần tôi cảm nhận được tâm hồn của em ấy thì tôi sẽ xoay ghế. Một bài hát không có hồn thì chỉ là âm thanh mà thôi. Tôi và 3 huấn luyện viên còn lại đều hài lòng với những người bạn nhỏ mà chúng tôi có thêm sau vòng Giấu mặt. Vẫn còn quá sớm, nhưng chúng tôi tin mình đã tìm được một số bé có khả năng tiến rất xa vài năm tới. Đó sẽ là những Thanh Bùi, Thu Minh, Hồng Nhung trong tương lai.
- Thanh Bùi khi dạy dỗ sẽ như thế nào?
- Tôi dịu dàng đủ để tạo nên sự gần gũi, tin tưởng ở các em nhưng cũng khó tính đủ để các em biết nghe lời và chăm học (cười). Tôi chịu ảnh hưởng lớn bởi lối giáo dục phương Tây, đó là bình đẳng và phóng khoáng, thầy và trò cùng học hỏi lẫn nhau. Quan trọng nhất, tôi dạy các em “à chính mình. Chúng ta yêu Lady Gaga, Michael Jackson vì dù có bị “ném đá” thế nào, họ vẫn không thể là một ai khác được.
Tôi mở học viện âm nhạc hay làm chương trình The Voice Kids không chỉ để tìm những tài năng sau này vươn ra thế giới. Tôi muốn chúng thưởng thức, cảm thụ âm nhạc một cách hạnh phúc, thoải mái trước. Trẻ em phương Tây tự tin và sáng tạo hơn nước mình, vì chúng luôn được học nhạc song song với các môn chính khóa.
- Có vẻ như anh khá bi quan về nền giáo dục nước nhà, vì sao vậy?
- Không phải là giáo dục mà là vấn đề về quan niệm, thói quen của người Việt Nam mình. Nước mình cũng có môn nhạc, nhưng nó có vẻ vẫn mang tính hình thức lắm. Nói đơn giản thôi, học nhạc mà bị cô giáo gọi lên trả bài, đếm nốt nhạc chấm điểm. Trời ơi! Vậy thì có khác gì giết chết khả năng cảm nhạc của bé từ nhỏ.
Việt Nam mình nhiều cái tréo ngoe, chẳng hạn như gia đình nào cũng thích hát karaoke nhưng nhất quyết không cho con đi học nhạc, vì sợ nó sẽ làm ca sĩ. Bố mẹ tôi ở Australia cũng giáo dục con theo kiểu Việt: Sáng nào đúng 6h phải dậy tập đàn, học chính khóa xong “chạy show” học thêm đủ môn ở nhà các thầy cô người Việt. Tôi rất buồn khi thực tại đó vẫn diễn ra ngày ngày trong khi đất nước mình ngày càng phát triển.
- Lý do nào mà một người lớn lên ở nước ngoài như anh quá tâm huyết với thế hệ trẻ Việt?
- Tôi cảm thấy những người thuộc thế hệ của mình, của Thu Minh đã già rồi (hy vọng chị Minh nghe câu này đừng đánh tôi), cùng lắm cống hiến cho âm nhạc nước nhà chục năm nữa. Tôi không nghĩ những gì mình đang làm quá lớn lao, vĩ mô, cuộc sống đến từ những gì đơn giản nhất, là âm nhạc. Khi tâm hồn thoải mái, đầu óc sáng tạo thì chúng ta có thể làm được bất cứ thứ gì mình muốn.
Còn một lý do nữa, từ cá nhân tôi. Ngày còn nhỏ, những người bản xứ khi dễ tôi vì tôi là người Việt. Tôi tổn thương ghê lắm. Tôi không muốn con tôi, con bạn tiếp tục bị khi dễ.
30 tuổi nhìn lại, sự nghiệp cũng gọi là ổn định. Công việc của tôi bắt đầu từ 9h sáng đến 12h đêm, hầu như ngày nào cũng thế. Nhưng tôi sẵn sàng nhận lời bảo trợ nghệ thuật cho các cuộc thi sinh viên, mới đây nhất là Tiếng hát sinh viên Ngoại thương. Tôi nghĩ, sinh viên là những lãnh đạo tương lai đất nước. Sinh viên có yêu âm nhạc thì mới cho con cái mình hoặc khuyến khích con cái bạn mình đi học nhạc. Những việc tôi làm không đem lại lợi nhuận tức thì, nhưng tôi thỏa mãn vì mình đang xây cái nền để các em phóng xa hơn mình.
- Anh có thể chia sẻ đôi điều về Vũ Đình Tri Giao, cô học trò đến với mình sau Vietnam 's Got Talent?
- Cảm ơn bạn đã quan tâm đến Tri Giao. Cô bé này là một trong những học trò tôi đặt nhiều kỳ vọng nhất. Nếu mọi thứ theo đúng kế hoạch thì Tri Giao sẽ có một single trong năm nay. Nhưng tôi thật sự không mong nó sẽ thành hiện tượng hay là một ý nghĩa trọng đại nào đó. Đơn giản đây là một thử thách của tôi dành cho cô học trò nhỏ. Giao mới 11 tuổi, và tôi nhấn mạnh với em rằng đây chỉ là bước khởi đầu. Tôi không muốn Giao lăn lộn với showbiz quá sớm.
Thật ra, bên cạnh Tri Giao cũng có hàng trăm bé khác, dù không có ý định theo nghề ca sĩ nhưng tôi vẫn kỳ vọng lắm. Nếu hôm nào bạn rảnh, tôi mời bạn tham gia một buổi biểu diễn của các em học viên ở đây. Cũng là cô học trò này, lần đầu cầm micro run rẩy giới thiệu tên và bài hát, lần thứ hai, thứ ba đã dõng dạc, tự tin như một người lớn. Khi đó lại đến tôi run rẩy vì hạnh phúc, vì cảm nhận được những thay đổi rõ ràng trong tâm thế các em nhờ âm nhạc.
- Lướt qua tất cả các bài phỏng vấn về Thanh Bùi, hình như bài nào anh cũng nhắc đến từ Grammy. Anh đã thực hiện ước mơ này đến đâu?
- Tôi chưa bao giờ quên ước mơ đó, chỉ là khoảng thời gian dành cho học viện đã làm tôi bị “chững” lại khá lâu trong các dự án riêng của mình. Tôi vừa ký hợp đồng với quản lý của Tata Young và năm tới sẽ đi Mỹ để thực hiện các kế hoạch đã lên sẵn để chinh phục Grammy, giải thưởng tôi đã mơ từ năm 8 tuổi, lúc nhìn thấy Micheal Jackson ôm 8 giải Grammy trên tay. Hai người bạn của tôi đã giành giải Grammy, họ cầm chiếc cúp lưu niệm đến gặp tôi và bảo: “Hey, tao có rồi nè, mày thì sao?”. Tôi đang cực kỳ hào hứng và tin rằng thời cơ của mình cũng sẽ đến, sớm muộn là vấn đề thời gian thôi.
- Trong buổi họp báo The Voice Kids, một phóng viên nói rằng anh đã có 2 con nhưng không muốn công bố. Anh nói sao về tin đồn này?
- Tôi cũng có nghe trợ lý của mình kể lại và rất ngạc nhiên về thông tin này. Nếu tôi có con, chắc chắn tôi sẽ khoe với cả thế giới này. Có con là điều quá tuyệt vời, tôi cũng có rất nhiều con, đó là những em bé ở chỗ tôi. Những ngày làm việc quá mệt, tôi đi một vòng xuống sảnh học viện, ngồi ngắm các em cười đùa, được các em hôn một cái lên má, tôi thấy mình thật may mắn có cái duyên gần gũi với thiếu nhi. Tuy nhiên, những gì thuộc về tình cảm cá nhân tôi xin giữ cho riêng mình, khi đã có vô số thứ thuộc về công chúng rồi.
Vân An