- Tên Thanh Bùi gần như mất hút trong các sản phẩm âm nhạc, vì sao vậy?
- Tôi làm giám khảo cho khá nhiều chương trình nên không có nhiều thời gian. Tôi cũng bận rộn trong việc hợp tác âm nhạc với các nghệ sĩ quốc tế như RedOne - nhà sản xuất âm nhạc Mỹ, nhóm BTS của Hàn Quốc và công việc dạy nhạc.
Lần góp mặt ở Vietnam Idol 2015 có thể là lần cuối tôi làm giám khảo để tập trung làm nhạc. Tôi nhận lời ngồi "ghế nóng" vì muốn chia sẻ tiếng nói chân thành với các gương mặt trẻ. Đêm Gala cuối của Vietnam Idol, tôi nói với thí sinh rằng có lẽ khi 40 tuổi tôi không làm nghệ thuật nữa vì không còn năng lượng. Những thế hệ tiếp theo có thể vươn lên thay thế đàn anh, chị đi trước. Đó là điều tôi mong mỏi.
- Theo anh các chương trình truyền hình thực tế tác động thế nào đến đời sống âm nhạc hiện nay?
- Truyền hình thực tế lúc mới ra đời rất tốt vì tôn vinh nhiều loại hình nghệ thuật. Đến khi có quá nhiều chương trình thì vấn đề mang nặng tính kinh doanh. Những tài năng đáng được tôn lên lại không được chú ý, trong khi một số ảo tưởng về danh hiệu. Họ cứ nghĩ đi thi chương trình thực tế có giải thưởng đã là ca sĩ, chỉ trong một vài ngày từ "zero" trở thành "hero". Trong khi thực tế có mấy người trưởng thành từ cuộc thi âm nhạc đâu được khán giả biết đến.
Tôi tin đã đến lúc những chương trình thực tế ở Việt Nam nên ngưng lại một thời gian. Amercan Idol cũng đã ngừng ở Mỹ, The Voice cũng sắp xong hết rồi. Điều này là xu thế. Các nghệ sĩ thực thụ cần có thời gian để đào tạo.
- Các chương trình truyền hình thực tế đưa tên tuổi nghệ sĩ trẻ đến gần công chúng hơn, anh nghĩ sao?
- Tôi công nhận điều đó nhưng bây giờ giá trị cốt lõi của nghệ thuật không còn nhiều. Có mấy ai đi ra từ cuộc thi âm nhạc mà chịu học bài bản thanh nhạc. Họ vội ra sản phẩm, đi hát. Khi tôi mở trường dạy nhạc, tôi tâm niệm là dạy họ về giá trị cốt lõi để hoạt động âm nhạc chứ không dạy họ trở thành một ca sĩ. Khi tôi làm huấn luyện viên The Voice Kids, có rất nhiều phụ huynh đề nghị tôi dạy con họ trở thành ca sĩ và tôi từ chối. Tôi chỉ dạy con họ cách cảm thụ, thẩm mỹ âm nhạc và phát huy khả năng về nghệ thuật. Tôi muốn xây dựng con người thông qua âm nhạc.
Ở Việt Nam, việc trở thành ca sĩ rất dễ dàng, chỉ cần có trong tay vài chục triệu đồng, mua bài hát, quay MV là đạt được. Điều này khiến danh xưng "ca sĩ" không còn giá trị nữa, không có ý nghĩa như ở nước ngoài. Obama cần Beyonce hỗ trợ vì cô có tiếng nói của một ca sĩ.
Tôi cũng không muốn người ta gọi tôi là ca sĩ vì công việc thực sự của tôi là sáng tác, dạy nhạc. Tôi luôn khuyến khích các bạn trẻ tự viết nhạc, tự thể hiện cá tính của mình qua âm nhạc một cách hiện đại, nhưng vẫn giữ những giá trị cốt lõi của nghệ thuật.
- Điều gì khiến anh đau đáu khi hoạt động trong làng nhạc Việt gần bảy năm qua?
- Tôi mong muốn nền âm nhạc, tài năng của người Việt được bạn bè quốc tế chú ý. Tại sao Hàn Quốc, Nhật Bản làm được điều đó dù tài năng của họ chưa chắc giỏi hơn người Việt. Chẳng qua họ biết cách đưa cái riêng mà không sao chép của ai. Họ dùng chất xám của nước ngoài để xây dựng cái của họ.
Tôi rất khó chịu khi người Việt Nam gọi tên nhau bằng tiếng Hàn, ngược lại tôi chưa bao giờ thấy người Hàn nào gọi nhau bằng tiếng Việt. Nếu chúng ta không tôn được vẻ đẹp của dân tộc mình thì làm sao người ta có thể biết đến mình được. Gần đây, đoàn phim King Kong đến Việt Nam quay phim chứng tỏ đất nước ta đẹp và còn nhiều điều để bạn bè quốc tế khám phá.
Bây giờ tôi đã 33 tuổi, là người đàn ông của gia đình nên âm nhạc trong tôi cũng đổi khác hơn, nhiều nội tâm. Tôi không có ý nghĩ sẽ tung ra một bài hát đơn thuần. Tôi muốn thể hiện được thông điệp nào đó trong sản phẩm.
- Anh làm thế nào để thực hiện được ý muốn đó?
- Thời gian qua tôi đi khá nhiều nước trên thế giới, tìm cơ hội hợp tác với những nghệ sĩ, nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng. Dự án gần nhất của tôi là Missing you cùng biên đạo quốc tế Alexander Tú. Sắp tới là Missing you remix cùng anh Chí Thanh - nghệ sĩ nhạc điện tử từng vào Top 10 bảng xếp hạng Best of 2014 Deep House. Chí Thanh cũng là người Việt Nam đầu tiên từng được đề cử giải Grammy Latin cho ca khúc rock hay nhất cho Lipstick viết cùng Desmond Child.
Những dự án tiếp là những sản phẩm âm nhạc cùng Apl.De.Ap và RedOne. 2016 sẽ là năm tôi giới thiệu sản phẩm của mình ra thế giới.
Tâm Giao thực hiện