"Dương Khiết, nếu để cô quay Tây du ký, cô có dám nhận không?".
Năm 1981, lãnh đạo cấp cao Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc hỏi Dương Khiết. Bất ngờ trước đề nghị đột ngột song hiểu rõ ý nghĩa công việc, Dương Khiết nhận lời làm phim. Lúc đó, Nhật Bản đã làm Tây du ký, lãnh đạo đài nói chỉ cần làm hay hơn Nhật Bản là được, nhưng Dương Khiết đáp: "Lãnh đạo, yêu cầu của anh thấp quá".
Bộ phim Tây du ký đưa Dương Khiết thành huyền thoại làng truyền hình Trung Quốc. Đây là tác phẩm đầu tiên trong Tứ đại danh tác được đưa lên màn ảnh nhỏ, là phim được phát lại nhiều lần nhất trong lịch sử Trung Quốc. Thời gian cho thấy dù kỹ xảo hạn chế, Tây du ký vẫn có sức sống mãnh liệt, là giấc mơ ngây thơ, bay bổng của hàng triệu tâm hồn.
* Dương Khiết ở hậu trường "Tây du ký"
Phim kể chặng đường đi Tây Thiên thỉnh Kinh của bốn thầy trò Đường Tăng. Quá trình làm phim được ví là chặng đường thỉnh Kinh ngoài đời thực, với vô vàn sóng gió. Trong một talkshow năm 2011, Dương Khiết nói Tây du ký là nỗi đau suốt đời của bà. "Tôi không thấy vẻ vang về Tây du ký. 10 năm sau khi phát sóng lần đầu, tôi không xem nó, bật tivi thấy Tây du ký là tôi tắt", bà nói.
Dương Khiết gọi quãng thời gian thực hiện Tây du ký là bi kịch. Nỗi khổ tâm lớn nhất đối với bà là mâu thuẫn với các thành viên đoàn phim, trong đó có mâu thuẫn với các diễn viên chính. "Tôi không biết nên nói thế nào. Đã xảy ra những việc không vui", bà nói.
Dương Khiết giải thích thời gian làm phim, công việc quá nhiều khiến bà không có thời gian ngẫm nghĩ, nhìn nhận lại các sự việc. Bà cho rằng có thể mình đắc tội với người khác vì có những phê bình, đánh giá không chính xác.
* Hậu trường cảnh bay nhảy trong "Tây du ký"
Bên cạnh việc xử lý mâu thuẫn với hàng trăm con người, nữ đạo diễn nhọc nhằn vì hàng loạt công việc từ nhỏ đến lớn: chọn diễn viên, tìm nhạc phim, xin kinh phí... Từng có lúc Dương Khiết bị lãnh đạo nghi ngờ về năng lực, song bà luôn rắn rỏi, quyết liệt tranh đấu để được quyết định các vấn đề về tác phẩm của mình. Trong một cảnh cháy chùa, đạo diễn muốn đốt cháy cả mô hình chùa lớn còn chủ nhiệm sản xuất muốn đốt... giấy. Cãi nhau lên xuống, lãnh đạo đài buộc phải nghe theo nữ đạo diễn.
Sinh ra để đạo diễn Tây du ký, cả cuộc đời Dương Khiết đau đáu vì bộ phim. Nữ đạo diễn tiếc nuối vì thiếu tiền, bà không thể làm Tây du ký đẹp hơn. Kỹ xảo thô sơ, nhiều cảnh quay không được như ý... là điều được bà nhắc đi nhắc lại.
* Dương Khiết tái ngộ các nữ diễn viên "Tây du ký" năm 2015
Sau ba thập niên, xung đột trên trường quay cũng như những gian khổ trèo đèo lội suối đều trở thành hồi ức. Dương Khiết tổng kết quá trình làm phim trong một chương trình truyền hình năm 2004: "Tôi nhớ hai câu trong bài Nếu đời nỡ dối lừa em của Pushkin: 'Tất cả chỉ là khoảnh khắc/ Tất cả rồi sẽ trôi đi'. Những thứ trôi đi rồi sẽ trở thành kỷ niệm thân thương. Chúng ta hãy giữ tháng ngày ấy trong tâm hồn, coi đó là những kỷ niệm thân thương nhất. Bởi đó là mối duyên trong cuộc đời".
Dương Khiết qua đời ngày 15/4, sau khoảng 10 ngày hôn mê, gia đình đạo diễn từ chối tiết lộ cụ thể về bệnh tật của bà. Trì Trọng Thụy cho biết trên Ifeng từ lúc bà đổ bệnh, ông lo lắng tìm bác sĩ, liên hệ bệnh viện giúp gia đình Dương Khiết. Chồng đạo diễn - ông Vương Sùng Thu - và con cháu bà muốn giữ sự riêng tư trong tang lễ, không muốn nhiều người tham dự.
* "Đường Tăng" Trì Trọng Thụy hát nhạc phim "Tây du ký" khi hội ngộ Dương Khiết năm 2013