Hà Linh
Devil May Care, tập truyện mới của Sebastian Faulks, đã phá vỡ mọi kỷ lục bán sách của NXB Penguin xưa nay. Nhưng trên các diễn đàn, tác phẩm đang bị những độc giả trung thành của Fleming la ó kịch liệt.
Vài giờ sau khi cuốn sách phát hành, CommanderBond - trang web dành riêng cho các fan của James Bond - đã có bài bình luận. Một độc giả có nickname là "whiteskwirl" viết: "Devil May Care khiến tôi rất thất vọng. Đó là một cốt truyện yếu kém. Nhân vật phản diện thiếu động cơ thủ ác. Truyện ít hành động, rất buồn tẻ. Bond được hồi sinh nhưng theo cách dễ dãi quá. Devil May Care, theo ý tôi, cũng na ná Die Another Day".
![]() |
Trang bìa cuốn sách. |
Devil May Care là cuốn sách thứ 33 về Bond, được gia đình Fleming ủy quyền cho các tác giả hậu thế chấp bút kể từ khi nhà văn qua đời năm 1964. Nhưng Faulks là cây bút đầu tiên được quảng cáo " viết như Ian Fleming". Bản thân ông cũng lớn tiếng khẳng định, việc ông nhận viết James Bond cũng như "việc yêu cầu một người quen sáng tác nhạc giao hưởng đi viết một ca khúc pop".
Cuốn sách, lấy bối cảnh năm 1967 - một năm sau khi tập truyện James Bond cuối cùng của Fleming được xuất bản. Devil May Care đặt chàng điệp viên vào cuộc đối đầu với tiến sĩ Julius Gorner, một kẻ mắc chứng hoang tưởng, muốn mua đứt tờ The Times và nung nấu ý định phát động Thế chiến III.
Tập truyện thành công về mặt thương mại, nhờ chiến dịch quảng bá rầm rộ của Penguin, nhờ phát hành đúng kỷ niệm 100 năm ngày sinh Ian Fleming, nhờ gần với thời điểm ra mắt bộ phim về James Bond - Quantum of Solace - với sự góp mặt của tài tử Daniel Craig. Devil May Care tiêu thụ được hơn 44.000 bản trong 4 ngày đầu phát hành, trở thành cuốn sách bán chạy nhất trong lịch sử phát triển của NXB Penguin.
![]() |
Nhà văn Sebastian Faulks. |
Tuy nhiên, nhiều độc giả trung thành của Fleming cho rằng, Faulks đã thất bại trong việc hồi sinh James Bond. Cũng bình luận trên CommanderBond, bạn đọc tên là David Schofield tỏ ra đặc biệt thất vọng: "Rõ ràng, Faulks đã thiếu sâu sát và không coi đây là một công việc nghiêm túc. Bất cứ ai coi cuốn sách là sự tái tạo lại Fleming hoặc gợi liên tưởng đến Fleming thì chắc họ chưa đọc Fleming".
Schofield chán chường khi nhân vật chính thường xuyên biến mất trong phần lớn cuốn sách. "Faulks dường như chỉ viết về James Bond", anh viết. "Bond không bao giờ có cách nói chuyện thân mật và suồng sã quá như thế với M.". Còn trên trang AbsolutelyJamesBond, một độc giả chỉ trích cốt truyện non kém của cuốn sách và "sự vụng về của chàng điệp viên": "Cuốn sách giống như một tác phẩm thể hiện sự tôn kính, không phải là tiểu thuyết James Bond thực thụ. Đọc xong truyện, bạn có cảm giác như gặp lại một người họ hàng xa lắc xa lơ, với mối liên hệ đã quá lỏng lẻo với mình".
Độc giả đặc biệt thấy phiền muộn với cảnh đầu cuốn sách: trận tennis giữa Bond và Julius Gorner - kẻ chắc chắn sẽ chơi kiểu xảo trá. Nhiều người đã hy vọng, nó sẽ mang tới một trận đấu, gợi nhớ đến trận golf trong Goldfinger, nhưng cuối cùng, một độc giả phải viết: "Tôi thậm chí không còn được thấy Bond chơi tennis". Bạn đọc khác nhận xét: "Đây không phải là ‘viết như Fleming’ mà là ‘ăn cắp Fleming’ chỉ để ‘làm hỏng Fleming'".
Trước những phản ứng này, Matthew Fleming, cháu trai của nhà văn phát biểu: "Chúng tôi không thể tự hào hơn về những gì Sebastian đã làm. Nhưng tôi cho rằng, Bond, ở một mức độ nào đó, đã trở thành sở hữu công cộng và mọi người có quyền bày tỏ ý kiến của mình".
(Nguồn: TOL)