Tân vua hài kịch (The New King of Comedy) có nội dung không liên quan với phần trước (sản xuất năm 1999, có Châu Tinh Trì, Trương Bá Chi đóng). Nhân vật chính là Như Mộng (Ngạc Tĩnh Văn) - cô gái đam mê diễn xuất, chấp nhận đóng vai quần chúng để tìm cơ hội. Dù nỗ lực hơn chục năm, cô vẫn không thể tiến thân do kém sắc, không có thế lực. Bất chấp sự mỉa mai của người đời, Như Mộng vẫn kiên trì với nghề và tin có ngày tỏa sáng.
Khác với hai phim gần nhất Châu Tinh Trì đạo diễn - Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện và Mỹ nhân ngư, tác phẩm mới lấy bối cảnh hiện đại, không có yếu tố kỳ ảo. Khán giả theo chân Như Mộng đến các trường quay, thấy cô liên tiếp bị vùi dập. Trong đời tư, Như Mộng gặp đủ hạng người, xảo trá hoặc chân thành.
So với Mỹ nhân ngư, tác phẩm giảm tần suất các pha hài. Châu Tinh Trì vẫn phát huy thế mạnh ở lối hài dựa trên các hoạt cảnh trớ trêu. Nhân vật trong phim hay có các cử động hoặc đối đáp bất ngờ để chốt lại tình huống. Một cảnh tiêu biểu cho phong cách này là khi bố Như Mộng đến trường quay thăm con. Các vai diễn có tạo hình khác thường cũng là "chiêu" quen thuộc của vua hài Hoa ngữ. Trong Tân vua hài kịch, ông khéo sử dụng yếu tố "phim trong phim" để đưa vào nhiều hình ảnh cổ quái như cô gái gắn đạo cụ dao trên đầu hoặc người đàn ông diện trang phục Bạch Tuyết.
Bên cạnh đó, phim khắc họa sự chua chát trong nền công nghiệp phim ảnh Trung Quốc. Đằng sau những thước phim lung linh là thực trạng diễn viên quần chúng nhận đồng lương rẻ mạt, bị đối xử tệ bạc. Những ngôi sao cư xử trịch thượng, khinh người còn đạo diễn chạy theo trào lưu làm phim cẩu thả, dễ dãi, đặc biệt vào mùa Tết. Ở hai phần ba sau phim, nhân vật tài tử họ Mã (Vương Bảo Cường đóng) nổi lên như vai phụ quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hành trình của Như Mộng cũng như truyền tải thông điệp về ngành phim.
Ẩn ý lớn hơn của Tân vua hài kịch - được minh họa trong cao trào - là cuộc đời chính là một phim trường khổng lồ. Những tráo trở, lường gạt, lối sống giả tạo của người xung quanh khiến đời sống của Như Mộng còn kịch tính hơn các bộ phim mà cô tham gia. Một người luôn say mê nghiệp diễn như cô lại chẳng thể dò ra "diễn xuất" tài tình của kẻ mà mình đặt trọn niềm tin.
Cũng như nhiều phim trước của Châu Tinh Trì, Tân vua hài kịch chiếm thiện cảm khi xây dựng nhân vật chính là người yếu thế trong xã hội. Diễn viên Ngạc Tĩnh Văn có vẻ ngoài phù hợp vai này. Khuôn mặt của cô không đẹp lộng lẫy nhưng có nét thiện, gần gũi. Dáng vẻ gầy gò của sao nữ cũng phù hợp hình tượng người lăn lộn nhiều năm ở trường quay, đôi khi thiếu ăn đến mức nhận vai chỉ vì hộp cơm. Ngạc Tĩnh Văn cũng có hoàn cảnh khá tương đồng nhân vật, hoạt động giải trí từ năm 2014 nhưng không thể bật lên. Cô cho biết bị sốc khi được Châu Tinh Trì chọn đóng tác phẩm chiếu Tết.
Vương Bảo Cường biến hóa diễn xuất trong vai ngôi sao hết thời, có hai phong cách đối lập - một ngạo mạn và một đáng thương. Ở một số cảnh đầu, nam diễn viên đóng cường điệu quá mức nhưng khi câu chuyện tiến triển, nhân vật của anh gây cảm tình với người xem. Một vai ấn tượng khác là người bố của Như Mộng (Trương Kỳ), tưởng chừng nóng tính, phản đối cô nhưng thật ra rất thương con.
Tuy nhiên, Tân vua hài kịch có kịch bản tương đối mỏng. Tác phẩm giống như tập hợp các mẩu chuyện đời của Như Mộng mà thiếu chiều sâu ở các tuyến xung quanh. Câu chuyện hơi đơn điệu ở phần giữa khi loạt cảnh cô bị vùi dập lặp lại nhiều lần.
Ở hồi cuối, thành công của nhân vật chính khó thuyết phục người xem bởi quá đột ngột. Ý tưởng của Châu Tinh Trì là diễn viên chỉ có thể hóa thân trọn vẹn vào nhân vật khi trải qua đủ cung bậc cảm xúc ngoài đời nhưng cách thể hiện còn đơn giản. Kết phim bị gượng, chưa đủ thỏa mãn so với các tình tiết bày ra trước đó.
Phim ra mắt ở Việt Nam từ ngày mùng Một Tết với nhãn C16 (không dành cho khán giả dưới 16 tuổi). Sau phản ứng trái chiều về chất lượng lồng tiếng, nhà phát hành chiếu tác phẩm với hai bản phụ đề và lồng tiếng.
Ân Nguyễn