"Tôi lao động một cách âm thầm lặng lẽ, tự trau dồi kỹ thuật, thẩm mỹ âm nhạc, đó là cái mà không ai thấy được". |
- Những bài hát trong album "Tấn Minh và Hà Nội" của anh đều là sáng tác quá quen thuộc của Phú Quang, đã được nhiều ca sĩ thể hiện. Anh có e ngại khán giả nhàm chán?
- Đây là những bài hát về Hà Nội rất tiêu biểu của Phú Quang mà tôi yêu thích: Mơ về nơi xa lắm, Chiều phủ Tây Hồ, Tôi muốn mang Hồ Gươm đi, Thương lắm tóc dài ơi, Phố cũ của tôi, Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Nỗi nhớ mùa đông. Trước đây đã có nhiều người hát thành công nhưng những bài hát này đến tay Tấn Minh thì đó là việc của ngày hôm nay. Người ta có câu “Bình cũ rượu mới”. Tôi chọn một nhạc sĩ rất mới mà ít người biết tên là Huyền Trung để phối khí và tự biên tập, sản xuất. Tôi muốn có một cái nhìn của thế hệ trẻ về nhạc Phú Quang và về Hà Nội. Bây giờ nói chuyện hay hay dở thì e là quá sớm. Hãy để khán giả tự cảm nhận về điều này.
- Nhiều nghệ sĩ ồ ạt ra sản phẩm ăn theo đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Anh nằm ở đâu trong vòng xoáy ấy?
- Thực ra tôi đã ấp ủ nguyện vọng làm một đĩa về Hà Nội từ lâu lắm rồi. 5 năm trở lại đây, tôi cộng tác nhiều với Phú Quang. Phú Quang là một trong vài nhạc sĩ mà tôi rất thích. Khi tôi đề cập vấn đề làm đĩa nhạc Phú Quang về Hà Nội, nhạc sĩ bảo tôi: “Cháu làm đi, chú tin”. Chú Quang là người rất khó tính nên thường tự làm lấy các sản phẩm liên quan đến bài hát của mình, nhưng lần này chú tin tưởng và giao cho tôi hoàn toàn. Nếu nói không phải nhân cơ hội nghìn năm Thăng Long thì không đúng, nhưng đây chỉ giống như sự cộng hưởng vào mong muốn của tôi: có đĩa về Hà Nội và có đĩa về Phú Quang.
- Có ý kiến đánh giá anh hát quá chỉn chu, sạch sẽ chứ không có sự đổi mới, say đắm. Với việc tiếp tục hát những bài hát cũ của Phú Quang, anh nghĩ sao nếu người nghe cho rằng, anh đang khẳng định những nhận xét về mình là đúng?
- Tôi nghĩ nhận định này không chính xác vì nếu như thế, tôi e mình đã nghỉ hát từ cách đây 10 năm rồi. Tôi lao động một cách âm thầm lặng lẽ, tự trau dồi kỹ thuật, thẩm mỹ âm nhạc, đó là cái mà không ai thấy được. Nếu tôi không bắt kịp thời đại đã không có cái tên Tấn Minh trong những chương trình lớn. Tôi không phải là người chậm tiến. Tôi cho rằng, khi ca sĩ hết thời, không phải do giọng hát họ đi xuống mà do thẩm mỹ âm nhạc bị thụt lùi. Âm nhạc là nghề nghiệt ngã, ai không theo được sẽ bị gạt bỏ.
"Tôi là người dám đi đến cùng con đường mình chọn". |
- Vậy, thẩm mỹ những người hát nhạc chính thống như anh khác thế nào so với thẩm mỹ ca sĩ thị trường?
- Tôi cho rằng nên hòa nhập chứ không hòa tan. Mình cần giữ phong cách của mình nhưng phải biết thế giới đang chuộng cái gì. Ngày xưa nhạc opera thính phòng rất nặng nề, căng cứng, gần đây ngả sang thể semi classic nhẹ nhàng để phù hợp với số đông. Có những thời khán giả Việt Nam thích ca sĩ hát khoe giọng, hoành tráng nhưng chục năm trở lại, người ta lại thích hát sao vẫn có trình độ nhưng ấm áp, gần gũi hơn.
Nhạc chính thống hay nhạc thị trường thực ra đều có chung thẩm mỹ, cùng chung hơi thở thời đại, cái khác là mỗi dòng nhạc có một kênh riêng.
- Khi nhạc thị trường bắt đầu thịnh hành ở Việt Nam, nhiều ca sĩ đổ xô đi hát để thu hút lượng khán giả rộng rãi. Riêng anh từ đầu tới cuối vẫn thủy chung với dòng nhạc của mình. Vì sao vậy?
- Tôi cho rằng, từ “nhạc thị trường” chưa thật chính xác. Chúng ta dùng nó theo một thói quen, biến nó thành câu cửa miệng. Nên dùng là “dòng nhạc giải trí” mới chuẩn vì mọi dòng nhạc, kể cả chính thống đều cần có thị trường mới tồn tại được.
Tôi muốn có lời khuyên cho các bạn trẻ, khi lựa chọn đường đi cho mình, phải tin tưởng tuyệt đối vào nó. Cả chặng đường không thể phẳng từ đầu đến cuối, nếu có gì chặn ngang mà bạn rẽ sang hướng khác thì sớm muộn cũng đứt gánh giữa đường. Tôi là người dám đi đến cùng. Đó là cái tôi được. Hiện nay, tôi không giàu nhưng cũng chả thiếu, vợ con tôi sống đầy đủ. 10 năm trước, nếu tôi ngả sang hát giải trí, có thể tôi nổi tiếng hơn chút nữa, giàu có hơn chút nữa nhưng liệu bây giờ, tên Tấn Minh có còn tồn tại trong lòng khán giả nữa hay không. Người ta kiếm một triệu USD trong vòng 10 năm, còn tôi kiếm trong 20 năm, nhưng cái hơn của tôi so với họ là tôi được làm nghề thêm 10 năm. Tôi luôn ý thức, tiền chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống. Đã từ lâu, tôi xếp mình ra ngoài showbiz, tự tôi đứng riêng thành một dòng, không bon chen, xô đẩy với ai cũng chẳng cố để làm cho mình nổi tiếng bằng cách này, cách khác.
- Nhiều đồng nghiệp của anh khi ra album thường bỏ sở trường của mình để khai thác sở đoản mà theo họ là sự đổi mới bản thân. Một người “trước sau như một” như anh nghĩ gì về điều này?
- Tôi cho rằng phải xem khả năng của họ. Có những người lầm tưởng đổi một kiểu tóc từ dài sang ngắn, thay cách ăn mặc từ kín đáo sang sexy là họ đã thay đổi phong cách âm nhạc. Thực ra đó chỉ là vật trang trí bên ngoài, nội dung bên trong mới quan trọng. Tôi không tin một người bình thường tự nhiên có thể thay đổi thành con người khác, chỉ có thể nói là nâng cấp lên thôi. Tôi có thể hát hip hop nhưng tôi không nhảy tưng tưng được. Tôi thấy nhiều bạn trẻ khi chọn chuyển sang hát rock thường quằn quại tóc tai rũ rượi nhưng khán giả ngồi dưới vẫn lặng im. Ngược lại, những người đã thuộc về rock, chỉ cần cất giọng và hơi lắc lư người, khán giả ngồi xem đã muốn nhảy lên rồi. Âm nhạc tinh tế lắm.
- Chung tình với một dòng nhạc, vậy con người Tấn Minh trong tình cảm thì sao?
- Đến giờ phút này tôi tự tin nói mình là người rất chung thủy. Còn sau này thì không biết (cười lớn). Tôi rất tin ở sự bền vững của tổ ấm vì tôi và Huyền chung một ý chí, quyết tâm và vun đắp.
Gia đình hạnh phúc của ca sĩ Tấn Minh và NSƯT Thu Huyền. Ảnh: Kang photo. |
- Thu Huyền vợ anh có đôi mắt lúng liếng đa tình. Có khi nào anh bất an vì điều đó?
- Tôi thích câu: “Trông thế mà không phải thế”. Bản thân tôi hồi chưa lấy Huyền, khi xem Huyền diễn trên sân khấu, tôi sởn cả da gà thầm hỏi: “Người yêu mình đây ư?”. Nhưng Huyền ngoài đời khác hẳn, rất mộc mạc, điềm tĩnh và giản dị. Ngày xưa nhiều người lầm tưởng rằng những người có mắt liếc như Huyền là lẳng lơ nên cũng buông lời tán tỉnh, nhưng khi tiếp xúc thì bàng hoàng thấy mình sai lớn. Huyền nhiều người quý lắm. Con người ta sống, quan trọng nhất là được tôn trọng và tin tưởng. Tôi cho rằng trong hôn nhân, sự không tin tưởng sẽ giết chết tình yêu.
- Hai nghệ sĩ nổi danh như vợ chồng anh dung hòa nhau thế nào?
- Những cặp vợ chồng như tôi và Huyền theo đánh giá của mọi người là cặp mong manh dễ vỡ nhất. Trong một gia đình thường chỉ nên có một người thành đạt nhưng chúng tôi, mỗi người đều có vị trí nhất định. Trước khi lấy nhau, tôi nói chuyện với Huyền rằng: cả hai chúng mình đều xuất phát điểm là con nhà nông, rơi vào thời kỳ quá độ, không có sự lăng xê, hoàn toàn đi lên bằng khả năng, cần tôn trọng thành quả của nhau và hiểu giá trị cuộc sống. Đừng bị những màu mè, ảo tưởng làm cho mờ mắt.
Trước khi cưới, tôi và Huyền đã nổi tiếng nhưng từ ngày lấy, chúng tôi có sự hỗ trợ lẫn nhau. Nhờ thế, sự nghiệp hai vợ chồng đều khởi sắc hơn. Chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất cho nhau phát huy. Huyền đi tập vở mới, tôi là người đầu tiên xem Huyền diễn, ở bên góp ý với tư cách một khán giả. Ngược lại, Huyền là người đầu tiên nghe tôi hát bài mới.
- Năm nay anh có hai niềm vui: có thêm con trai và ra album theo đúng ý nguyện. Bản thân anh ở tuổi này danh tiếng, hạnh phúc đều đã có. Anh nhìn nhận sự đầy đủ của mình thế nào?
- Con người lòng tham vô đáy, được cái này lại muốn cái kia. Vợ chồng tôi sống giản dị vì chúng tôi trân trọng nhau, hiểu giá trị thành quả mình đạt được, nhưng không ôm thành quả đó mà sống. Quan điểm của tôi rất rõ ràng, việc hôm nay là của hôm nay, ngày mai tất cả phải đổi mới hoàn toàn. Tôi không sống bằng hồi quang quá khứ. Những cống hiến của nghệ sĩ hãy để lại trong lòng khán giả.
Dù nổi tiếng cỡ nào, khi về nhà, tôi cũng không khác một ông bố bình thường. Tôi không nề hà tắm, thay tã cho con hay cho con uống sữa. Thời kỳ đầu mới sinh em bé, vợ tôi quần quật từ sáng tới 22h. Đêm cháu dậy ăn hai lần, mình thương vợ nên nhận phần cho con ăn đêm. Tôi không bao giờ xấu hổ khi làm những việc đó. Tôi biết bây giờ vẫn nhiều người đàn ông nghĩ, đó là việc phụ nữ. Tôi lại cho đó là bất công.
Ngọc Trần thực hiện
Ảnh: Ngô Kan