Tuy Hòa -
Ngay sau năm 1975, Sài Gòn xuất hiện một loạt tên tuổi như Lê Thị Kim, Phạm Thị Ngọc Liên, Tôn Nữ Thu Thủy, Lê Hoàng Anh, Phan Ngọc Thường Đoan, Thanh Nguyên, Lê Tú Lệ... và tất cả cùng dàn hàng ngang tạo thành một miền nhan sắc thi ca phương Nam.
Đội ngũ trên hơi hùng hậu và hơi đa thanh khiến phía sau hơn một thập niên vẫn chỉ nhỏn nhẻn vài bóng hồng, mà nổi bật nhất là Ly Hoàng Ly. Cứ thế, cái bức tranh thơ nữ của lớp người sinh ra và lớn lên sau ngày đất nước thống nhất ở thành phố nhộn nhịp nhất này vẫn chống chếnh, chông chênh dăm vệt màu nhiều hy vọng và lắm bất an.
Tôi nôn nao đọc và đau đáu chờ. Lẽ nào sau cú nhảy thót chân của nhóm Ngựa Trời, thì các cô gái đã xóa file ký hiệu THƠ trong máy tính cá nhân, để thảnh thơi dạo phố, để chen lấn shopping, để yên tâm làm vợ, để say mê làm mẹ? Lẽ nào mưu cầu hạnh phúc thế tục đã kéo các cô gái ra khỏi câu chữ trĩu nặng tâm tình đô thị hôm nay? Nếu điều ấy là sự thực thì cũng không có gì đáng băn khoăn, đành vẫy tay chào rất nhiều cây bút nữ hết mộng mơ áo trắng sân trường đã quay lưng cuối con đường ngày càng vội vã những bước chân danh lợi bôn ba.
Tuy nhiên, khi tôi ngỡ mặt hồ đã yên tĩnh thì lại chồm lên bao con sóng. Liên tục, hình như chẳng hẹn hò gì nhau mà Song Phạm, Trần Lê Sơn Ý rồi Nguyệt Phạm nối tiếp tung ra tập thơ đầu tay thảng thốt niềm riêng mỗi người. Chăm chú theo Tôi uống bầu trời trong ly nước nhỏ, cùng khép lại Cơn ngạt thở tình cờ và khi đọc xong Mắt giấy, tôi dần tin rằng: bản hợp âm thơ nữ Sài Gòn đang có thêm tam tấu mới.
Song Phạm làm thơ đã lâu, nghe nói chị có mấy bài thơ đồng thoại được giải gì đó, nhưng ấn tượng trong tôi không rõ nét mấy. Bỗng một ngày, nghe chị "reo": Tôi uống bầu trời trong ly nước nhỏ (NXB Văn Nghệ TP HCM 3/2007), tôi cũng tò mò chạy đến và bắt gặp cái nhớ như chuông, âm vang suốt dọc nẻo về. Tiếng chuông Song Phạm mượn nỗi nhớ để đánh lên, chả phải thánh thót tươi vui gì, vì thơ chị cất lên từ trong lồng/ sơn ca hót suốt những năm tháng/cô đơn.
Dù lắm lúc Song Phạm tin rằng phải mang ra xài món quà nước mắt/ là khi nhà thơ chẳng còn chi để mà xài nhưng ý tứ của chị luôn gạt sang một bên những yếu đuối nữ nhi thường tình. Chữ của chị rắn rỏi, câu của chị nghênh ngang tôi mang trên mình nghìn tuổi vừa như thách thức biến động cuộc đời vừa như an ủi mất mát cá nhân: Tôi tự do chọn lựa sự nô lệ/ may mà vẫn còn một đám mây, một con chim sẻ, một bông hoa vẫn ở lại bên tôi dịu hiền/ và tôi biết rằng sẽ không thể hiểu được chúng nếu mang trong mình trái tim vẩn đục. Thì ra, chị tỏ vẻ cứng cỏi để che giấu run rẩy. Nếu không đọc kỹ, rất dễ nhầm thơ Song Phạm do một người đàn ông làm ra. Phải dõi mắt phía Trời xanh đến nao lòng mới thấy được u buồn phụ nữ: Có gì mà nhói đau bên ngực trái, lòng ta ơi, hãy cố đọc hộ điều gì/ Tôi đem kể cho một bông hoa nghe.
Không chú trọng vần điệu, thơ Song Phạm luôn dội vào tôi những câu chuyện bé bỏng giăng mắc trong khoảng trống vắng. Chính vì luôn níu giữ câu chuyện muốn gửi gắm cho đến dấu chấm hết mỗi bài, nên thỉnh thoảng Song Phạm tự chặt bỏ bớt cảm giác vốn có thể giúp độc giả tiếp cận với thơ chị một cách mềm mại hơn. Khuyết điểm đó cũng khó trách, vì thơ đến với chị không dễ dàng gì, vì chị chỉ tìm đến thơ khi lòng tràn ngập những Ký ức buổi chiều ngột ngạt muốn lảng tránh cũng không được: Tiếng hát cài vào buổi chiều góa bụa/ Tôi cài vào tim mình một nụ gai.
Khác với Song Phạm lấy thơ giải tỏa bản thân, Trần Lê Sơn Ý biết đặt tâm trạng cá nhân vào cảnh ngộ tương tác để mỗi chữ bình dị va đập rối bời trên từng câu hoang mang. Cơn ngạt thở tình cờ (NXB Phụ Nữ 7/2007) của Trần Lê Sơn Ý như được xâu chuỗi từ những dằn vặt mong đắp đổi một phút giây yên lành, nên đôi khi chị tưởng mình là Người lạ với chính mình: Tôi đã thành người lạ/ Ngồi nghe nắng chảy râm ran. Thành thật mà nói, tập thơ của Trần Lê Sơn Ý cũng mỏng, không có nhiều câu thơ hay. Tuy nhiên, không khí cả tập đã gợi lên cảm giác buồn thương về thân phận con người mong manh giữa nhịp sống hối hả và trắc ẩn. Ví dụ, bài thơ Nơi đó khắc khoải: Những cô gái mang linh hồn của kẻ hành hương/ Điểm trang lòng mình bằng nỗi buồn trên khuôn mặt/ Nỗi buồn biến động theo ngày, theo mùa.
Nhà thơ Trần Lê Sơn Ý. Ảnh: maivanphan.com |
Thơ Trần Lê Sơn Ý có ưu thế ở sự nhạy cảm. Đời thường chảy vào thơ chị khá tự nhiên, có cái kịp lắng đọng lại suy tư mà có cái cắc cớ chuồi đi êm ả. Có thể chị chọn lối thơ ấy để an ủi mình rằng, cõi nhân gian chấp chới cũng giản đơn như mây bay ngang ô cửa sổ một sớm mai vô tư ngó ra trời. Ngay cả Ngày nằm nhà sau trận ngã xe, chị đăm đăm kiểm kê lại mọi chuyện rồi ú òa chút vui bất chợt: Tôi thấy mình nhỏ như vừa từ lòng mẹ bước ra/ Bước ra và sống những ngày không ảo vọng. Chất tự sự ngỡ rất cởi mở của Trần Lê Sơn Ý thực ra chỉ nhằm che đậy cái xót xa nơi một người đã biết chấp nhận mọi vui buồn thoảng qua.
Thơ Trần Lê Sơn Ý cố gắng thoát khỏi những bó buột thẩm mỹ, nếu không khéo rất dễ sa vào tự nhiên chủ nghĩa, giống như văn xuôi-xuôi có ngắt xuống dòng. Cũng may một lần xem Rối ngày chủ nhật, chị bùi ngùi nhận diện: Tôi, người lớn lẻ loi ngày kia lạc vào cổ tích/ Tập ôm bong bóng màu chạy nhảy lung tung/ Tập hát líu lo, tập hồn nhiên trong trẻo/ Tôi, người lớn đi một mình xiêu vẹo/ Đến một ngày các em nắm lấy tay tôi/ Chạm vào nước mắt chú hề. Chỉ cần một giọt "nước mắt chú hề" đã cứu được cả bài thơ hay nhất trong tập Cơn ngạt thở tình cờ.
Trẻ tuổi so với Song Phạm và Trần Lê Sơn Ý, rõ ràng Nguyệt Phạm có quyền tin tưởng Mắt giấy (NXB Thanh Niên 1/2008) có thể trình bày một tâm trạng hiện đại hơn. Thế nhưng, chị lại cuống cuồng vì những xô lệch ở một "thế giới thiếu sẻ chia". Thân phận người phụ nữ vốn chất phác quê kiểng bị đẩy vào chen lấn bôn ba, khiến chị cảm giác được sự Vô tính bằng nhiều chớp hiện xao xác: Giữa ồn ào/ Tôi tìm thấy/ Chùm hoa mận trắng chúi đầu xuống dòng mương nhân tạo/ Chạnh lòng - buồn công thức. Và trải suốt Mắt giấy là những thổn thức lênh đênh cứ Đôi khi chực vỡ tràn: Ngọn đèn ngủ vàng sậm/ Không đủ soi sáng gương mặt rát căng/ Cắm cúi viết và khóc.
Tôi từng nghe người nọ người kia khen ngợi Nguyệt Phạm cách tân hay đổi mới gì đó, nhưng tôi e ngại cái tạng của chị không hợp với những lập ngôn gân guốc. Khi Nguyệt Phạm tìm cách lý giải hay phản đề, thì chị chỉ có vài câu thơ líu quíu như đi trên đôi chân người khác. Chẳng hạn bài Biểu tượng tròn, chị viết: "Vòng tròn nhốt những giấc mơ sáng tạo/ Mỗi người tự chạy rông lẩn quẩn trong đời sống mình/ Một đường tròn hoàn hảo" khó gọi là thành công, vì những câu ấy giống như nốt thăng bướng bỉnh bỗng vụt lên chói lói trong khúc ca trầm buồn đặc trưng Nguyệt Phạm.
Nhà thơ nữ Nguyệt Phạm. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Ngược lại, khi để chữ nghĩa trực tiếp xoáy vào ngổn ngang tháng ngày mình đã sống, chị có những câu thơ rưng rưng, dù một Cử động bình thường của một bà mẹ sắp nghe tiếng khóc trẻ thơ cũng rưng rưng: Mẹ ngủ quên bên bàn vi tính/ Mơ về con/ Những cử động non nớt/ Đủ làm đau mẹ/ Đủ làm nên hạnh phúc.
Tôi nghĩ, Mắt giấy thuyết phục người đọc không phải nhờ thủ pháp ngôn ngữ biến hóa gì, mà nhờ Nguyệt Phạm đã để trái tim người mẹ trẻ vỗ nhịp bồi hồi lên ý thức thi ca. Vì Yêu con từng giờ, chị có được câu thơ thật ấn tượng: Giật mình con huơ tay níu giữ/ Lời ru mẹ còn vướng đêm qua.
Mỗi người một góc độ, mỗi người một niềm thương, Song Phạm cùng với Trần Lê Sơn Ý và Nguyệt Phạm đã dùng chính tác phẩm đầu tay để chứng minh họ là tam tấu mới của thơ nữ Sài Gòn.
Tôi tin họ đã hội đủ thanh âm cần thiết để gọi thêm Ngô Thị Hạnh, Trương Gia Hòa, Tú Trinh, Thanh Xuân, Phương Lan, Thiên Bảo, Nguyễn Ngọc Mai... cùng nhau làm nên một thế hệ mới của thơ nữ Sài Gòn.
Và dù chọn bút pháp nào, thì thế hệ thơ nữ Sài Gòn những năm đầu thế kỷ 21 này cũng đều gặp nhau ở một điểm chung: thơ họ tự vệ trước một đời sống ngày càng dửng dưng của thị dân đương thời, nhưng thơ họ cũng đầy bao dung trước số phận con người ngày càng cô độc và nhỏ nhoi hơn của xã hội công nghiệp.