- Có ''đẳng cấp'' trong lĩnh vực ca nhạc, sao ông lại ''nhảy'' sang và thành danh ở lĩnh vực hài?
- Tính tôi thích hài hước, ngoại hình cũng thuộc vào dạng ''đặc biệt''. Ngồi với bạn bè, tôi thường có những ''chiêu'' làm họ cười ngắc ngư! Vậy rồi không hiểu có ai đó gọi tôi là Tiểu quái kiệt. Năm 1958, Thanh Vũ tổ chức đại nhạc hội ''Minh tinh quái kiệt'' ở dinh Norodom, tôi chính thức được quảng cáo là: Tiểu quái kiệt Tùng Lâm. Tôi lên sân khấu hài từ đó: kịch, cải lương rồi đóng phim. Hễ có mặt tôi là có... cười nghiêng ngả.
- Công việc hiện nay của ông?
- Tôi vẫn đi diễn ở các tụ điểm trong thành phố, đóng phim video... Thỉnh thoảng theo các đoàn ca nhạc lưu diễn (có khi đi suốt năm mới về). Rảnh rỗi thì viết tiểu phẩm, viết tuồng... Tôi cũng đã thực hiện một loạt phim hài: Hai Nhái khoái thịt ngựa, Hai Nhái khoái vợ bé, Hai Nhái khoái rượu đế...
- Ông nghĩ sao về lĩnh vực hài, tấu hài hiện nay?
- So với hiện nay thì thế hệ chúng tôi khác xa. Ngày xưa không có tấu hài mà là hoạt kê, hài hước. Mỗi danh hài có một ''sở đắc'' đặc trưng: Văn Chung cười dê - dễ té, Khả Năng trầm tĩnh, Thanh Hoài nói giọng Bắc khàn khàn, Văn Hường ca vọng cổ, Thanh Việt nhép nhép bộ ria.... Không ai bắt chước ai, mỗi vở diễn đều mang một chủ đề xuyên suốt... Bây giờ, các diễn viên thường bắt chước điệu bộ, nhóm này ăn cắp mảng miếng của nhóm kia, rồi... dung tục một cách sống sượng và lạm dụng. Làm như thế là tự hài giết chết hài.
(Theo Thanh Niên)