Nhắc tới điện ảnh Hàn Quốc, trước đây người ta thường chỉ nghĩ đến những bộ phim tình cảm nhẹ nhàng và có phần ủy mị, sướt mướt (melodrama). Nhưng những năm gần đây, Hàn Quốc đã nổi lên như một hiện tượng mới đáng chú ý của điện ảnh khu vực và thế giới với nhiều bộ phim xuất sắc, có giá trị nghệ thuật cao. Trong số đó phải kể đến Taegukgi (Cờ bay phấp phới) - bộ phim đã giành giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim Châu Á- Thái Bình Dương năm 2005.
Hiện thực chiến tranh tàn khốc
Trước hết, với đề tài chiến tranh (cuộc nội chiến Nam - Bắc Triều Tiên những năm 1950), Taegukgi đã quá thành công khi làm cho khán giả bị choáng ngợp trong không khí khốc liệt và tàn bạo. Không hề giảm nhẹ, né tránh chiến tranh, Kang Je-gyu (đạo diễn phim Shiri) đã mạnh tay phơi bày những hình ảnh kinh khủng nhất, đẫm máu nhất khiến người xem phải giật mình ghê sợ. Đó chính là cách tố cáo, phê phán chiến tranh mạnh mẽ và trực diện bằng hiệu quả thị giác.
Hiện thực tàn khốc của chiến tranh được thể hiện rõ nét trong "Taegukgi". Ảnh: Destination Films. |
Ta cũng thấy được tài năng của đạo diễn trong việc dàn cảnh chiến đấu, phần lớn là những cảnh đánh giáp lá cà tạo nên sự chân thực rất cao. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như âm thanh, ánh sáng, khói lửa... cũng hợp sức tạo nên không khí chiến tranh như thật của bộ phim. Trong đó, yếu tố quay phim với cách quay động, đặt máy sát nhân vật và dùng nhiều cỡ cảnh trung cận đã tạo cho khán giả cảm giác như một người trong cuộc để thấy rõ sức tàn phá khủng khiếp của cuộc chiến.
Cùng tạo nên cảm nhận ấy là đóng góp không nhỏ của thành phần hóa trang khi tạo nên những hình ảnh sống động và tài tình như thể làm ảo thuật. Thêm vào đó còn phải kể đến công lao của phần âm thanh với những tiếng nổ chát chúa của bom đạn đã làm tăng thêm ấn tượng kinh hoàng về chiến tranh. Tất cả thành phần tổng hợp lại đã xây dựng nên một không gian chiến tranh vừa chân thực lại vừa đáng sợ.
Bi kịch con người
Song Taegukgi không chỉ là sự thể hiện chiến tranh mang tính giật gân, hình thức. Nhấn mạnh sự khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh, các nhà làm phim đã phơi bày tính vô nghĩa, phi lý của nó. Trong bối cảnh khủng khiếp như chốn địa ngục trần gian, con người bắn giết lẫn nhau và tự giết đi phần nhân tính của mình. Các tác giả đã thể hiện bi kịch của con người trong chiến tranh thông qua câu chuyện đau thương của gia đình hai anh em Jin Tae (Jang Dong Gun) và Jin Seok (Won Bin).
Tài tử Jang Dong Gun thủ vai chính trong "Taegukgi". Ảnh: Destination Films. |
Với cấu trúc tự sự theo trình tự thời gian tuyến tính, các nhà làm phim đã cho thấy sự biến đổi của hai nhân vật từ lúc còn là những thanh niên hiền lành, trong sáng trước chiến tranh đến khi bị cuộc chiến tương tàn nhào nặn thành những con người "biến dạng". Sự biến dạng cả về nhân hình lẫn nhân tính được biểu hiện rõ nét nhất ở nhân vật Jin Tae: từ một chàng trai hiếu thảo, đầy tình thương trở thành một cỗ máy giết người điên loạn. Bắt đầu từ mục đích muốn giành nhiều thành tích để xin cho người em Jin Seok sớm trở về nhà, Jin Tae đã ngày càng lún sâu vào trò chơi khát máu của chiến tranh và mất dần nhân tính lúc nào không hay.
Tình anh em xúc động
Bên cạnh việc thể hiện sự vô nghĩa của chiến tranh và những bi kịch mà nó đem đến cho con người, Taegukgi còn làm rung động trái tim khán giả bằng chất nhân văn - tình yêu thương đầy cảm động giữa hai anh em Jin Tae và Jin Seok. Chính tình anh em sâu nặng ấy đã giúp cho hình ảnh Jin Tae hung bạo vẫn tìm được sự đồng cảm từ người xem. Cuộc hội ngộ của hai anh em trên chiến trường vừa đau xót lại vừa cảm động. Jin Tae tưởng rằng em trai mình đã chết nên không nhận ra Jin Seok, điên dại tìm mọi cách giết Jin Seok dù cậu em kêu gào mong Jin Tae nhận ra mình.
Trong phim, Jang Dong Gun và Won Bin đóng vai hai anh em ruột. Ảnh: Destination Films. |
Chỉ đến khi Jin Seok nhắc lại những kỷ niệm, ước mơ xưa của hai anh em trong nước mắt, con người trong Jin Tae mới thức tỉnh. Lúc này, Jin Tae lại trở về với bản chất của người anh, giục Jin Seok chạy đi, chấp nhận hy sinh tính mạng để bảo vệ em mình. Cái chết của Jin Tae được tình anh em làm cho ý nghĩa hơn, cao đẹp hơn. Tình cảm thiêng liêng cao quý ấy đã tạo nên dư âm khó phai ở đoạn cuối phim, khi ông già Jin Seok nghẹn ngào khóc và thủ thỉ những lời tâm sự trước hài cốt của người anh Jin Tae mà đã bao năm ông tìm kiếm.
Taegukgi (Cờ bay phấp phới) - Năm sản xuất: 2004 |
Dạ Vũ
Cảm xúc của bạn sau khi xem "Cờ bay phấp phới" và đọc bài viết này?