Tại tọa đàm sáng 7/11 ở Hà Nội, hai diễn giả - tác giả trinh thám Kim Tam Long và Đức Anh - phân tích sức hấp dẫn ở siêu trộm Arsene Lupin trong tác phẩm của Maurice Leblanc, từ đó nhìn lại quá trình phát triển của dạng nhân vật tội phạm nói chung. Siêu trộm Arsene Lupin là một trong những hình tượng phản diện hàng đầu của văn học trinh thám, được Leblanc xây dựng đối trọng với nhân vật chính diện lẫy lừng trước đó - Sherlock Holmes của Sir Arthur Conan Doyle.
Các câu chuyện về siêu trộm ra đời năm 1905, khi người bạn của nhà văn Maurice Leblanc - vốn là chủ tòa soạn báo - muốn có một nhân vật nổi tiếng như Sherlock Holmes cho nước Pháp. Biết không thể tạo được một thám tử thứ hai tài ba hơn, Leblanc xây dựng nhân vật đối nghịch. Lupin lêu lổng, không nhà cửa, công việc, mồm mép liến thoắng, khác nhân vật già dặn, thâm trầm của Conan Doyle. Lupin là tên tội phạm có nguyên tắc, chỉ trộm những thứ độc nhất vô nhị. Leblanc thậm chí tạo ra một thám tử có tên nhái Sherlock Holmes - Herlock Sholmes - để tạo sự đối đầu và nhân vật chính Lupin luôn thắng. Tay trộm láu cá có khi còn tự hóa thân thám tử, điều tra giúp các vụ án của người dân. Các câu chuyện đăng báo nên mỗi kỳ buộc phải đủ sức hấp dẫn để lôi kéo độc giả. Cách thức Lupin hành nghề trộm cắp, hành xử của hắn vì thế biến hóa không ngừng suốt 25 kỳ trên báo.
Đức Anh - tác giả các cuốn Thiên thần mù sương, Đảo bạo bệnh - cho biết trong tiểu thuyết trinh thám, bên cạnh con đường truyền thống của Conan Doyle, Leblanc mở ra hướng đi mới hấp dẫn. Trước đó, tác phẩm trinh thám thường bắt đầu với một câu đố và thám tử xuất hiện để giải quyết. Kể từ Leblanc, nhân vật chính không chỉ là thám tử với mô típ phá án mà nhường vị trí trung tâm cho tội phạm.
Đức Anh nhận định con đường của Leblanc đi thẳng đến trinh thám hiện đại với việc đi sâu vào số phận nhân vật, những cái kết giấu đến tận cùng, plot twist (bước ngoặt) bất ngờ... thay vì chỉ dẫn dắt người đọc tin vào phe chính diện từ đầu chí cuối. Nhân vật của Leblanc vì thế là hình mẫu để các tác giả trinh thám sau này xây dựng hung thủ hay hơn.
Leblanc đứng về phía hung thủ, nhìn vào những góc khuất khiến họ phạm tội. Lupin trước khi thành tên trộm cắp là con của một nô bộc trong gia đình triệu phú, chứng kiến mẹ bị áp bức nên ôm mối thù. Kim Tam Long - tác giả các tiểu thuyết trinh thám Mặt nạ trắng, Ẩn ức trắng - cho biết anh chịu ảnh hưởng từ cách xây dựng nhân vật của Leblanc. Kim Tam Long theo dòng tiểu thuyết đen, thiên về bạo lực, tội phạm máu me. Anh cho rằng trong trinh thám, việc xây dựng kẻ tội phạm càng ác đến tận cùng càng hấp dẫn. Tuy nhiên, như Leblanc, phía sau tội ác đó nhà văn cần đào sâu được số phận của họ, điều khiến họ tha hóa. Xây dựng tội phạm không phải để cổ vũ mà cảnh tỉnh con người trong đời sống thật, hãy đối xử với nhau để không ai bị đẩy đến con đường ác.
Trong tọa đàm, diễn giả và khán giả còn trao đổi về các dòng văn học trinh thám hay bàn về định kiến trinh thám là tiểu thuyết ba xu nhằm phục vụ giải trí. Lượng người tham dự ít nhưng chất lượng, thể hiện hứng thú và quan tâm sâu sát của họ với mảng văn học này qua phần giao lưu sôi nổi.
Di Ca