Chi Mai -
Theo New York Times, nhà văn ra đi tại nhà riêng của ông ở Cornish, New Hampshire, Mỹ - nơi ông sống ẩn dật hơn nửa thế kỷ và quay lưng, ngoảnh mặt với giới truyền thông lẫn những ai quan tâm đến danh tiếng và tài năng của mình.
Tổ chức văn học Harold Ober Associates, đại diện của nhà văn Salinger, cho biết nhà văn qua đời hoàn toàn tự nhiên, theo quy luật tất yếu của tuổi già. Dù bị vỡ xương hông hồi tháng 5 vừa qua, sức khỏe ông luôn rất tốt. Chỉ đến cuối năm 2009, ông mới có dấu hiệu sa sút sức khỏe. Ông ra đi trong nhẹ nhàng, không hề tỏ ra đau đớn từ trước đó cũng như phút hấp hối.
Salinger sống một cuộc đời ẩn dật và khép kín trước khi qua đời ở tuổi 91. |
Kể từ sau Chiến tranh Thế giới hai đến nay, J. D. Salinger được xem là một trong những cây bút quan trọng của nền văn học đương đại Mỹ.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, Bắt trẻ đồng xanh, được xuất bản năm 1951, từ khi mới ra đời đã được đón nhận theo những cách trái chiều. Dòng đầu tiên cuốn sách gợi nhớ đến âm hưởng tuổi trẻ trong những tác phẩm phiêu lưu của nhà văn Mark Twain. Đó là một tiểu thuyết xoáy sâu vào tình yêu, sự cô đơn, hoang mang, nổi loạn lẫn những bước đi tìm lối vào đời của tuổi thiếu niên lắm nỗi sầu muộn.
Bắt trẻ đồng xanh là cuốn sách gây nhiều tranh cãi trong giới học đường và các tổ chức giáo dục, xã hội ở Mỹ. Thậm chí còn có cả những lời kêu gọi tẩy chay cuốn sách vì cho rằng nó không có ý nghĩa giáo dục nhân cách. Nhưng ngược lại mọi phản bác, tiểu thuyết này mau chóng trở thành tác phẩm best-seller, được hàng triệu độc giả khắp thế giới say sưa tìm đọc. Cuốn sách được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ năm 1923 đến nay. Chàng trai Holden Caulfield trở thành nhân vật văn học ở độ tuổi thanh thiếu niên nổi tiếng nhất trong văn đàn Mỹ, từ khi nhân vật Huckleberry Finn của Mark Twain xuất hiện.
Khoảng 75 triệu bản cuốn "Bắt trẻ đồng xanh" được bán ra trên toàn thế giới. |
Thành công của Bắt trẻ đồng xanh khiến J.D. Salinger càng trở nên khép kín. Lượng tác phẩm xuất bản của ông thưa thớt. Sau cuốn này, ông còn ra mắt Nine Stories (9 câu chuyện, 1953), một tuyển tập truyện ngắn, Franny and Zooey (1961), hai tiểu thuyết ngắn Raise High the Roof Beam, Carpenters và Seymour: An Introduction (1963).
Tác phẩm cuối cùng của ông, tiểu thuyết ngắn Hapworth 16, 1924 xuất hiện trên tờ New Yorker vào năm 1965. Từ đó đến nay, ông quay lưng hoàn toàn với những lời tâng bốc và thành công để sống một đời ẩn dật. Nổi tiếng nhưng lại không muốn trở thành một người nổi tiếng, Salinger từ chối mọi cuộc phỏng vấn, gặp gỡ báo giới và cả những lời mời dựng phim từ tác phẩm của mình.
Vốn rất quyết liệt từ chối và chưa từng cho phép ai sáng tạo phần tiếp theo của cuốn Bắt trẻ đồng xanh hoặc sử dụng nhân vật Holden Caulfield, tháng 6/2009, ở tuổi 90, nhà văn vác đơn lên tòa án liên bang Mỹ kiện một tác giả có đầu sách mới mang tên 60 years later: Coming through the rye - cuốn sách có cốt truyện được xem là phần tiếp theo của cuốn sách của ông. Và cuối cùng ông đã thắng trong vụ kiện bản quyền này.
Nhà văn J. D. Salinger. Ảnh: Getty. |
Trong quãng đời ẩn dật của Salinger, câu hỏi ám ảnh nhiều nhà nghiên cứu về tiểu thuyết gia này là "Liệu nhà văn còn đang viết gì không?". Salinger được cho là đã ngừng viết trong một khoảng thời gian rất dài. Nhưng nhiều giả thuyết được đưa ra nói rằng, có thể ông đang viết đi viết lại một câu văn mà không thể nào thấy nó hoàn chỉnh; hoặc giả, ông có viết nhưng rồi giống như văn hào Nga Gogol lúc cuối đời, ông đã đốt tất cả các bản thảo mình viết ra.
Bà Maynard, một chuyên gia nghiên cứu về cuộc đời Salinger cho rằng, ít nhất phải có đến hai cuốn tiểu thuyết của ông chưa được công bố và đang bị giấu kín ở đâu đó, mặc dù bà này chưa hề nhìn thấy chúng.