Thảm đỏ Hollywood được coi là mảnh đất kinh doanh màu mỡ. Một phút chói sáng của các ngôi sao trước ống kính có thể giúp thương hiệu quần áo và trang sức thu về hàng triệu USD. Vì vậy, số tiền mỗi nhà mốt chi trả để diễn viên, người mẫu diện đồ lên thảm đỏ không ít. Brandon Maxwell - stylist của Lady Gaga - khẳng định: "Mọi mối quan hệ đều ít nhiều liên quan đến tiền bạc, bởi chúng ta đang ở Hollywood".
Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Cut, các stylist đình đám nhất hiện nay như Jessica Paster, Erin Walsh, Brad Goreski và Brandon Maxwell đã tiết lộ mức cát-xê mà các hãng thời trang đưa ra cho giới nghệ sĩ.
Jessica Paster, stylist của Emily Blunt, cho biết cô nhận 30.000-50.000 USD (650 triệu đến hơn 1 tỷ đồng) khi chọn đồ của một nhãn hiệu lớn. Trong khi đó, số tiền để trả cho giới sao mặc trang phục đó lên thảm đỏ một sự kiện quan trọng cao hơn nhiều lần, 100.000-250.000 USD (từ 2 tỷ đến hơn 5 tỷ đồng). Theo quan niệm của Jessica, số tiền này xem như "mức phí đại diện thương hiệu".
"Chuyện nhận tiền nghe có vẻ tệ hại. Nhưng nếu thấy một bộ váy thực sự đẹp, không sớm thì muộn bạn cũng chọn nó, tại sao không chấp nhận số tiền kia luôn? ", Jessica nói.
Tuy vậy, giới tạo phong cách khẳng định, tất cả đều là "thỏa thuận miệng" chứ không có hợp đồng ràng buộc. Nếu đến phút cuối, khách hàng quyết định không mặc đồ đã chọn với bất kỳ lý do gì, họ phải chấp thuận. Trong trường hợp này, chẳng những sao mà cả stylist cũng không được trả một xu.
Ngoài số tiền nhận được, các ngôi sao sẽ có lợi ích lâu dài khi mặc đồ của nhà mốt lớn trên thảm đỏ. Đó là các chiến dịch quảng cáo với hợp đồng trị giá hàng triệu hay tỷ USD mà các ngôi sao được tham gia. Lời mời này thường xuyên đến từ mối quan hệ tốt - xuất phát từ nhiều lần sao mặc trang phục của nhà mốt lên thảm đỏ trước đó. Erin Walsh - stylist của Kerry Washington - và Brad Goreski - stylist của Jessica Alba - khẳng định, nếu giới sao mặc đẹp, thể hiện được tinh thần của nhà mốt, một hợp đồng béo bở gần như chắc chắn chờ đón họ phía trước.
Chính vì "mức phí đại diện thương hiệu", mối quan hệ giữa giới sao và các nhà mốt lớn ngày càng được thắt chặt. Tuy nhiên, cơ hội dành cho các nhà tạo mẫu trẻ không vì thế mà mất đi. Brad Goreski cho biết, mỗi khi khách hàng nhận lời mời sự kiện vào phút chót, anh hay nghĩ ngay đến các nhà tạo mẫu trẻ. "Nếu thấy một trang phục nào trong showroom vừa mắt, tôi sẽ chọn nó luôn dù là sản phẩm của nhà thiết kế mới nổi".
Giới stylist cho biết, một trong những khó khăn của nghề chuẩn bị trang phục lên thảm đỏ là xử lý sự cố tức thời. Brandon Maxwell nhớ lại trước thềm Oscar 2014, anh chỉ có 12 giờ để chuẩn bị váy cho Lady Gaga. "Chúng tôi khi ấy vẫn ngồi xem tivi cùng nhau, không váy, không giày, không có bất kỳ cái gì cả. Thậm chí không ai nghĩ mình sẽ đi dự Oscar". Nhưng đến khi nhận lời mời bất ngờ từ ban tổ chức, êkíp đã "chạy" hết tốc lực để hoàn thành set đồ cho "mẹ quái vật" ngày hôm sau.
Làm thế nào để đối tác thương hiệu hiểu được nhu cầu của mình cũng là một vấn đề được giới stylist chú trọng. Stylist của Emily Blunt cho biết: "Khi thấy khách mặc đồ lên người và không ổn, tôi phải báo ngay cho bên nhãn hàng. Tôi giải thích với họ vì sao khách hàng không mặc được đồ đó". Theo Emily, ngày càng nhiều nhà mốt ngỏ ý may trang phục theo ý muốn của các ngôi sao, và điều này giúp công việc của họ thuận tiện hơn.
Thành Trương