8 trường đại học gồm Học viện Cảnh sát Nhân dân, Sư phạm Hà Nội, Bách Khoa, Đại Nam, Văn hóa, Học viện Báo chí - Tuyên truyền, Học viện Phòng không Không quân, Học viện Âm nhạc Quốc gia là những đơn vị tham gia cuộc thi thơ với chủ đề "Tuổi trẻ với Tổ quốc" lần này. Bên cạnh đó, Đại học Thái Nguyên và Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cũng góp những tiết mục văn nghệ đặc sắc cho đêm thi.
Các trường tham gia cuộc thi phải thể hiện tài năng ở 3 nội dung: biểu diễn thơ, ngâm thơ Hồ Chí Minh và thi thơ do chính sinh viên của trường sáng tác. Các phần thi tự dàn dựng đều hướng tới tình yêu đất nước, đề cao lòng tự hào dân tộc.
Trong đêm thi thứ nhất, Đại học Văn hóa là đơn vị dàn dựng công phu, có nhiều tiết mục chất lượng nhất. Các tiết mục trình diễn thơ Đất nước trong trường ca Mặt đường khát vọng (Nguyễn Khoa Điềm), ngâm thơ Nghe người bạn tù thổi sáo (Hồ Chí Minh) được thể hiện truyền cảm, sâu lắng. Phần thi thơ tự sáng tác của sinh viên được dàn dựng công phu như một chương trình nghệ thuật đặc sắc. Trong đó, hai bài thơ Những chuyến đi dài hơn cuộc đời và Thơ về biển được lồng ghép, thể hiện trong tiếng nhạc violin, giọng hát đan xen và phần trình diễn biểu cảm của người ngâm.
Học viện Cảnh sát tuy không đặc sắc về mặt dàn dựng nhưng đã mang tới không khí hào hùng qua những bài thơ được ngâm và trình diễn. Gây ấn tượng nhất là bài thơ Khúc hát cho anh (sáng tác và biểu diễn Tiến Dũng - học viên của trường). Học viện Âm nhạc Quốc gia gây xúc động khi mang tới ca khúc "Tổ quốc ở Trường Sa" (phổ thơ Nguyễn Việt Chiến).
Tối nay (23/2), cuộc thi sẽ tiếp tục diễn ra, hứa hẹn nhiều phần thi đặc sắc. Ban giám khảo gồm các nhà thơ, nhà phê bình như Hữu Thỉnh, Đỗ Trung Lai, Vũ Quần Phương, Hữu Việt... sẽ chọn ra những tiết mục xuất sắc của sinh viên để đứng chung sân khấu với các nhà thơ thành danh vào ngày chính hội 24/2.
Trong ngày hôm nay, các trường còn dành không gian để trưng bày các ấn phẩm thơ theo hình thức hội trại.
Lam Thu