“Tuần trước, hơn 8.000 người trong chúng ta đã bắt đầu cuộc diễu hành vận mệnh từ Selma. Chúng ta đã đi bộ qua những thung lũng tuyệt vọng và những ngọn đồi cố gắng. Chúng ta đã bước qua những cao tốc khúc khuỷu và đã nằm nghỉ trên những đèo đá lởm chởm. Da mặt chúng ta cháy xạm vì nắng đổ. Vài người đã ngủ trong bùn đất. Chúng ta đã dầm mưa. Cơ thể chúng ta mệt và bàn chân chúng ta đau. Nhưng xin thưa, chân ta mỏi, lòng chưa mỏi”.
Đó là những lời bắt đầu bài diễn văn mang tên Our God is Marching on (Chúa đang diễu hành cùng ta). Bài diễn văn đi vào lịch sử nước Mỹ được nhà hoạt động dân quyền Martin Luther King đọc ngày 25/3/1965, sau khi cùng 8.000 người da đen đi bộ hơn 87 km từ thành phố Selma đến Montgomery, thủ phủ bang Alabama miền Nam nước Mỹ. Buổi diễn thuyết là một dấu mốc quan trọng trong phong trào dân quyền Mỹ thập niên 1960. Không lâu tiếp đó, tổng thống Mỹ Johnson ký sắc lệnh đồng ý cho người da màu Mỹ quyền công dân cơ bản - quyền bầu cử.
Năm 2015, tròn nửa thế kỷ sau ba cuộc diễu hành thực, bộ phim Selma của nữ đạo diễn Ava DuVernay ra mắt, tái hiện những thời khắc lịch sử làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống người da màu nước Mỹ từ 1963 đến 1965.
Kịch bản phim được kể qua nhiều lớp lang hấp dẫn. Mở đầu phim là cảnh sinh hoạt của gia đình Martin Luther King bị thu vào máy quay lén, khiến người xem liên tưởng đến những đoạn băng theo dõi của FBI. Từ đó, phim bám sát hành trình vị tiến sĩ giành giải Nobel Hòa bình dẫn dắt người Nam Mỹ giành được quyền bầu cử bằng biểu tình bất bạo động mà ông học từ lãnh tụ Ấn Độ Gandhi.
Hai thử thách tiền đề đặt ra trong cốt truyện là làm thế nào một nhà hoạt động nhân quyền dành đủ thời gian cho gia đình riêng và làm sao biểu tình bất tuân dân sự có thể tiếp diễn trong thời gian dài mà người da đen vẫn giữ đúng nguyên tắc bất bạo động. Kịch bản trả lời cả hai câu hỏi đó bằng những chi tiết sắc sảo, sẵn sàng đẩy nhân vật chính đến bờ tuyệt vọng vì bế tắc trước tất cả: gặp nguy cơ mất cả gia đình đồng thời đối mặt nguy cơ những người tham gia phong trào nổi lên phản kháng bằng bạo động.
Không chỉ cho người xem thấy tính cách cương quyết của nhân vật chính, phim phơi bày những giây phút yếu đuối lặng lẽ của nhà hoạt động. Một trong những khoảnh khắc đó được xử lý khá tốt: Nửa đêm, Luther King gọi điện thoại cho ca sĩ bạn thân để được nghe một điệu hát êm ái nhằm giải tỏa những áp lực đang gánh. Đan cài các mảng miếng đặc sắc, cốt truyện nhịp nhàng dẫn dắt người xem đi từ tò mò, hồi hộp, lo lắng để rồi vỡ òa cảm xúc trong những trường đoạn bi tráng đầy máu và nước mắt cuối phim khi đoàn diễu hành nghìn người bị đánh bằng súng, bị xịt hơi cay, bị bắn giết trên cây cầu lịch sử.
Nhấn mạnh vào kịch tính, tác giả Selma không ngại hư cấu nhiều chi tiết sai khác sự thật. Trong phim, tổng thống Lyndon Johnson được xây dựng là người có nhiều hành động ngăn cản những hoạt động của Martin Luther King và điều này bị hai trợ lý còn sống của ông chỉ trích là bịa đặt. Nữ đạo diễn Ava DuVernay phản biện: “Đây là tác phẩm hư cấu, không phải phim tài liệu. Tôi là nhà làm phim. Tôi không phải sử gia”. Phong cách hư cấu lịch sử để kể lại lịch sử theo cách hấp dẫn và dữ dội này được nhiều nhà làm phim tiểu sử gần đây vận dụng trong Dallas Buyers Club, The King's Speech Lincoln, Lincoln hay A Beautiful Mind.
Nhập vai Martin Luther King là diễn viên da màu Anh - David Oyelowo. Tài tử sinh năm 1976 từng đóng vai chính trong The Butler tuy không có ngoại hình cao lớn như nhà hoạt động ngoài đời nhưng vẫn khiến người xem thấy thần thái của ông qua lối diễn tự nhiên và biến hóa. Những giây phút bùng nổ nhất của David Oyelowo là các cảnh thực hành diễn thuyết, khiến người xem không thể không nhớ đến một Martin Luther King từng nằm trong danh sách diễn giả vĩ đại nhất lịch sử Mỹ. Trong dàn sao phụ đồng đều, Oprah Winfrey hóa thân ấn tượng vào vai bà mẹ da màu thừa cân, con gái bị người da trắng giết chết, câm lặng nhưng phẫn uất, chỉ chực báo thù.
Là đạo diễn nữ và mới chỉ làm hai phim, tác giả Selma tỏ ra đầy bản lĩnh khi xử lý câu chuyện bằng những khung hình có hồn. Những dàn cảnh trong phim tỏ ra có thẩm mỹ khi Ava DuVernay sắp xếp vị trí và thế đứng, bước đi của các nhân vật vừa gợi lịch sử, vừa có ý đồ tốt cho kịch bản, lại lợi cho khung hình. Trong đại cảnh dòng người biểu tình bị bắn giết, phim khéo léo dựng đan xen các đúp quay hư cấu và những bức ảnh tư liệu thực được ghi hình từ năm 1965 vào ngày "Chủ Nhật Máu" có thật.
Tác phẩm điện ảnh này còn khiến người xem xúc động khi sử dụng ca khúc Glory đúng lúc. Trường đoạn nhà hoạt động dân quyền và đoàn người bước ra phố trong nắng sớm mai chuẩn bị buổi diễn thuyết cuối cùng, lời nhạc ý nghĩa truyền tải hy vọng về chân lý và vinh quang vang lên trang nghiêm như quốc ca.
Đặt trong bối cảnh thế giới mà quyền lực độc tài thống trị ở nhiều nơi, câu chuyện lịch sử sống động về dân quyền của người da đen Mỹ nửa thế kỷ có thể là bài học về những phong trào tranh đấu cho quyền con người ở bất kỳ đâu. Giàu hình ảnh và ý nghĩa, Selma đang là ứng cử viên nặng ký cho hai đề cử Oscar lần thứ 87 – “Phim xuất sắc” và “Ca khúc trong phim hay nhất” (cho Glory).
Vũ Văn Việt