Sài gòn, anh yêu em đi theo môtíp kể chuyện đa tuyến. Lối dựng phim này không mới mẻ. Những phim lãng mạn như Love actually (2003), He's just not that into you (2009) hay Valentine's day (2010) từng gây ấn tượng bằng cách kể này. Một tác phẩm gộp nhiều tuyến truyện song hành dễ trở nên nhạt nhẽo nếu đạo diễn không xây dựng đồng đều nhóm nhân vật và tạo sự gắn kết giữa họ. Phim Việt vừa ra rạp tập hợp những mảnh ghép vừa vặn cảm xúc.
Năm câu chuyện chính là năm tình huống dễ thấy giữa đất Sài Gòn. Một cặp nghệ sĩ già là bạn tâm giao, xem cải lương như hơi thở sống còn. Một cô gái mải mê với công danh sự nghiệp và rồi "tình cũ không rủ cũng tới". Hai mẹ con coi nhau như bạn, thủ thỉ tâm tình từng chuyện tủn mủn thường nhật. Hai chàng trai tìm thấy nhau giữa chốn phồn hoa nhờ mùi nước hoa. Một cặp vợ Việt - chồng ngoại quốc yêu Sài Gòn qua từng trang sách, rồi một ngày phải xót xa vì ý định chia tay mảnh đất này. Tất cả tạo thành bức tranh tổng thể nhiều màu sắc của cuộc sống đô thị.
Lấy chất liệu chính là cuộc sống ở thành phố lớn nhất cả nước, phim đan cài những chi tiết hài hước và tinh tế.
Mở đầu tác phẩm, Sài Gòn hiện lên bình dị, dễ thương qua thùng trà đá miễn phí cho người đi đường, qua cách ngã giá "trớt quớt" của bác xe ôm, hay qua một bìa cạc-tông dựng trong con hẻm nhỏ ghi dòng chữ "nhà có tang, xin đi lối khác". Cuộc sống khốn khó được thi vị và hài hước hóa như cảnh kẹt xe đầu giờ làm, phải luồn lách qua các khu chợ, hay một pha cướp giật như trong phim Châu Tinh Trì. Dân Sài Gòn cũng thường có cách gọi người quen lẫn không quen là "cưng", khiến khách mới đến thấy vừa lạ lẫm vừa thinh thích.
Nhiều địa điểm nổi tiếng ở thành phố lên màn ảnh rộng trong những phân cảnh ngọt ngào. Hồ Con Rùa, nhà thờ Đức Bà, bưu điện Sài Gòn hay đường sách Nguyễn Văn Bình... trở thành hậu cảnh lãng mạn trong đôi lứa hẹn hò. Màn tỏ tình của đôi nam nữ (Maya và Huy Khánh đóng) trên cầu Mống gây ấn tượng nhờ bố trí hàng nghìn bóng đèn dọc ngang.
Trong không gian hiện đại, cải lương trở thành đại diện cho giá trị văn hóa cổ truyền. Cặp nghệ sĩ già (NSND Ngọc Giàu và NSƯT Thanh Nam đóng) là hiện thân của những người miệt mài lưu giữ nền tảng truyền thống đang dần mai một. Bộ phim dành nhiều cảnh mô tả niềm đam mê cải lương của đôi nghệ sĩ. Cảnh người nghệ sĩ chăm chút hóa trang từng nét trên gương mặt, rồi cất tiếng ca hừng hực lửa như thể đó là vở diễn cuối cùng của mình, gây xúc động. Hay cảnh một bé gái ca mùi mẫn câu hát trong vở Võ Đông Sơ (dù là hát nhầm thành Võ Đông Sơn) gây cười.
Không như tiêu đề, phim mở rộng thêm nhiều dạng tình cảm nhân sinh khác ngoài tình yêu đôi lứa. Một bà mẹ đơn thân cả ngày nghĩ đến việc bán kem trộn vẫn dành thời gian ủng hộ con trai sống thật với bản thân. Một cụ bà hy sinh cả tuổi thanh xuân và ước mơ đóng đào kép chính để suốt đời săn sóc người bạn của mình. Hai chàng trai có một mối quan hệ khó gọi tên, khi vừa gặp gỡ đã vội nói lời tạm biệt giữa Sài Gòn. Đoạn kết phim như một lời nhắn nhủ - hãy quan tâm nhau nhiều hơn, bởi "cuộc sống này vô thường lắm, hễ lơ là với người thương một chút, quay lại là không còn kịp nữa", nói như nhân vật của NSND Ngọc Giàu.
Trong phim, hầu hết diễn viên đều đóng tròn vai. Nếu nghệ sĩ Thanh Nam và Ngọc Giàu diễn tự nhiên qua từng phân cảnh, Huỳnh Lập là một phát hiện thú vị. Nam diễn viên sinh năm 1993 tung hứng ăn ý với các bạn diễn như Phi Phụng và Maya, đồng thời có những câu thoại hài hước, độc đáo khiến khán giả phải vỗ tay tán thưởng. Anh cũng là người đưa ra ý tưởng về một phân cảnh xúc động nói lên bi kịch của nghệ sĩ sân khấu.
Điểm trừ của phim là ở phần đài từ của Đoan Trang. Trong vai diễn điện ảnh đầu tay với phần thoại đa số bằng tiếng Anh, nữ ca sĩ chưa kiểm soát âm lượng, do đó giọng nói bị hạn chế về cảm xúc..
Tác phẩm được đầu tư kinh phí 8 tỷ đồng ra rạp từ 7/10.
Trailer phim "Sài Gòn, anh yêu em" |
|
Mai Nhật
>>Xem thêm: