Diễn viên thắng hạng mục nam chính Quả Cầu Vàng 2021 nhờ Borat Subsequent Moviefilm - phần hai thương hiệu phim Borat đình đám. Ở buổi trao giải đầu tháng 3 tại Mỹ, anh trêu chọc ban tổ chức, gọi họ là hội "toàn người da trắng", ám chỉ bê bối khi Los Angeles Times tố cáo HFPA (Hiệp hội Báo chí nước ngoài ở Hollywood) phân biệt chủng tộc. Khách mời sự kiện không thấy bị xúc phạm, ngược lại tỏ ra thích thú với phong cách "tưng tửng" đặc trưng của anh.
Cohen được biết đến qua màn hóa thân vào ba nhân vật hư cấu Ali G (series Da Ali G Show), Borat và Brüno (phim Brüno). Vì cả ba phim đều thuộc thể loại giả tài liệu (mockumentary), nên nhân vật của Cohen ra đường phỏng vấn dân thường, đặt cho họ những câu hỏi oái oăm liên quan chính trị. Sự ngơ ngác của những người không biết đang bị "lừa" tham gia một bộ phim mang đến nhiều tiếng cười cho khán giả. Sacha Baron Cohen không ngại cợt nhả với các nhân vật tiếng tăm trên phim. Danh sách các nhân vật nổi tiếng từng bị ngôi sao này trêu chọc phải kể đến Mel Gibson, Eminem, Donald Trump, cựu phó tổng thống Dick Cheney, thành viên sở cảnh sát New York...
Trong phần phim Borat năm 2006 do chính anh sản xuất, Sacha Baron Cohen vào vai Borat Sagdiyev, một phóng viên từ Kazakhstan. Là nhân vật nổi tiếng thứ sáu tại quê nhà, Borat quyết tâm cải tổ đất nước bằng cách khăn gói sang Mỹ làm một phim tài liệu. Phim gây cười bởi các tình tiết gây sốc, như cảnh nhân vật của Cohen bị lừa khi mua súng, hay lúc anh chịu cái nhìn kỳ thị từ những người khách trên tàu điện vì chất giọng Kazakhstan đặc sệt của mình.
Qua dáng dấp phóng viên "nhà quê lên tỉnh", Cohen thỏa sức châm biếm các vấn đề nhạy cảm như tôn giáo, chính trị, lịch sử. Thời điểm phim ra mắt, Variety, The Hollywood Reporter nhận định phong cách đóng phim của Cohen gây nhiều tranh cãi, thô tục, tuy nhiên vẫn là "viên ngọc sáng" làng phim hài. Borat mang về cho Baron Cohen giải Quả cầu vàng 2007 ở hạng mục nam diễn viên chính xuất sắc mảng phim hài, cũng như một đề cử Oscar cùng năm.
Tờ Financial Times nhận định: "Borat đã vạch trần những sự xấu xí của xã hội Mỹ: phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, kỳ thị đồng tính, cố chấp, thiếu hiểu biết". Trong quyển The Routledge Comedy Studies Reader, nhà báo lâu năm Cate Blouke nói thể loại phim Sacha Baron Cohen theo đuổi kết hợp giữa dòng phim châm biếm và phim tài liệu, đem đến hơi thở mới cho ngôn ngữ điện ảnh. Sau Borat năm 2006, Sacha Baron Cohen đáng ra có thể dừng lại. Trả lời Variety, anh nói việc thực hiện Borat 2 như một công cụ chính trị của anh, nhằm kêu gọi khán giả đừng bầu cho Donald Trump trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm ngoái.
Các vai diễn hài của Sacha Baron Cohen bị nhiều điều tiếng. Phim hài của Sacha Baron Cohen như Brüno, The Dictator, Borat Subsequent Moviefilm chọc giận không ít cá nhân và tổ chức. Cuộc gặp gỡ của Borat với những người Mỹ vốn không đề phòng vì không biết mình bị quay phim gây ra những tình huống vừa chân thực lại thái quá đến khó chịu: một chủ cửa hàng súng gợi ý loại súng tốt nhất để bắn một người Do Thái, một hội da trắng mong muốn nước Mỹ trở lại chế độ nô lệ. Không phải ai cũng đánh giá cao sự hài hước của tác phẩm.
Theo New York Times, thời điểm ra mắt Borat, chính phủ Kazakhstan đe dọa sẽ kiện Cohen, vì cách anh phóng đại, làm lố các văn hóa truyền thống của họ. Cư dân ngôi làng tại Romania, địa điểm quay phim, cũng không vừa ý về việc bị nói dối. Đoàn phim Borat nói với họ đang quay một phim tài liệu về thực trạng đói nghèo. Quá trình thực hiện Borat còn đưa Cohen vào diện tình nghi của FBI. Cảnh sát Mỹ nhận được quá nhiều cuộc gọi quan ngại về "một người đàn ông Trung Đông khả nghi lái xe tải bán kem đi vòng vòng thành phố" nên họ đã cho một nhóm thanh tra theo dõi đoàn làm phim.
Sacha Baron Cohen gặp không ít sự cố đáng xấu hổ trên trường quay. Trong một lần quay phim Brüno tại khách sạn ở Kansas, Sacha Baron Cohen, khi ấy đang vào vai phóng viên thời trang đồng tính, phải chạy trốn khi quản lý khách sạn phát hiện những vật dụng S&M (bạo dâm, khổ dâm) dùng đóng phim trong phòng và báo cảnh sát. Nhảy khỏi cửa sổ khi chỉ mặc trên người quần lót và giày cao gót, anh bị vỡ mắt cá chân. Anh chạy ra giữa đường phố với trang phục như vậy, lao lên một chiếc xe và lái thẳng khỏi địa giới bang vì lo rắc rối với cảnh sát.
Theo Rollingstone, để quảng bá phim, Sacha Baron Cohen ở ngoài đời cũng tự xưng là Borat khi gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, báo chí. Hầu hết lần xuất hiện trên truyền thông, anh đều mặc vest xám, mang râu giả rậm như sâu róm - đặc trưng tạo hình của Borat. Khán giả thế giới cũng quen với việc gọi Sacha Baron Cohen là Borat đến mức quên tên thật của anh. Từ khóa "Ai đóng Borat?" được tìm kiếm nhiều trên Google lúc bấy giờ.
Trong bài phỏng vấn với Rollingstone, Cohen cho biết việc hóa thân thành Borat là tấm lá chắn bảo vệ cuộc sống riêng tư của anh khỏi sự soi mói của xã hội. "Về cơ bản tôi là một người kín tiếng, để dung hòa với sự nổi tiếng thật khó khăn. Vì vậy tôi chọn cách sống 'hai mặt' này, giúp nhân vật của mình được thế giới biết đến nhưng vẫn giữ được cuộc sống bình lặng không bị mắc kẹt bởi tiếng tăm", Cohen nói.
Mọi việc dừng lại vào năm 2018, khi Cohen nhận về quá nhiều lời dọa giết. Trên People, anh nói đã quen với những lời đe dọa trước đây, nhưng kể từ Brüno thì số lượng và cường độ thư hăm dọa ngày càng khiến anh lo ngại. Vì sự an toàn của gia đình, Sacha Baron Cohen không còn tiếp tục "nhập vai" như trước.
Tuy nhiên, Cohen không có ý định ngừng "cuộc chơi điện ảnh mạo hiểm". Theo Deadline, lúc quay Borat Subsequent Moviefilm, anh trà trộn vào một cuộc biểu tình đòi quyền sử dụng súng. Nam diễn viên phải mặc vest chống đạn suốt cảnh quay, trong nhiều ngày liền. "Lúc đó, tôi mang nhiều nỗi sợ: sợ bị bắt giữ, sợ bị ám sát... Giờ đây, tôi chỉ thấy mãn nguyện, vì đã hết mình vì bộ phim, và gặt hái thành quả xứng đáng".
Phúc Nguyễn