Cuối tháng 4, Trương Thanh Thùy cho ra mắt hai truyện dài Thiên linh cái và Linh thú cùng tiểu thuyết 2030.
Hai truyện dài Thiên linh cái và Linh thú được in cùng một quyển theo lối ngược đầu nhau. Đây là dụng ý của tác giả nhằm tạo sự đối nghịch về cả hình thức lẫn nội dung.
Thiên linh cái là câu chuyện về những phụ nữ nghèo sống ở một nơi hoang vu hẻo lánh thuộc miền Tây Nam Bộ. Người dân ở vùng này tin rằng thầy tà Hai Tưng với thứ bùa ngải Thiên linh có thể giúp họ điều khiển hôn nhân, tình yêu theo ý muốn. Để đổi lấy thứ hạnh phúc từ một thế lực siêu nhiên, những người phụ nữ tìm đến Hai Tưng đều phải im lặng cam chịu bị hắn hiếp và thực hiện những hành vi mất nhân tính. Những người từng khuất phục trước niềm tin ấy bỗng một ngày phản kháng sẽ phải nhận kết cục là cái chết. Nhiều người khác tiếp tục tìm đến Hai Tưng, thậm chí uống thứ nước thần của hắn mà không biết nó được nấu bằng một phần cơ thể của những người đã bị hắn giết.
Đằng sau Hai Tưng là tội ác, là sự ô trọc. Đằng sau những người phụ nữ mê muội là sự đau khổ, cam chịu trong tình yêu, là sự thiếu hiểu biết để trở thành con mồi của thầy tà một cách tự nguyện.

Tác phẩm Thiên linh cái và Linh thú được in cùng một quyển.
Trong khi đó, Linh thú lấy bối cảnh phương Tây, kể về những tập tục hiến tế của một bộ tộc người da đỏ. Trong đó, để thỏa mãn đam mê về quyền lực, con người sẵn sàng thực hiện nhiều hành vi bệnh hoạn, không còn luân thường đạo lý như giao hoan với con vật.
Hai tác phẩm với bối cảnh, lối viết khác biệt - một với văn phong giản dị kết hợp ngôn ngữ miền Tây Nam Bộ, một với cách xử lý rất Tây, lối kể chuyện nhanh, mạch lạc và logic. Tưởng như không hề liên quan nhưng khi đặt cạnh nhau, hai tác phẩm cho thấy thông điệp của tác giả.
"Ở bất kỳ đâu, khi lòng tham không được thỏa mãn ắt sẽ xuất hiện những lời cầu khấn, nài xin buông về một phía, có những thần linh, có những sức mạnh phi phàm mà cho dẫu không thấy, vài người vẫn sẽ tin rằng điều ấy tồn tại. Nhưng rồi ở bất kỳ đâu, Tây hay ta, lòng tin được đặt không đúng chỗ, nhường bước cho những toan tính thiệt hơn, kết quả cũng chỉ rơi vào khoảng bi thảm", Trương Thanh Thùy viết trong lời mở đầu cuốn sách.
Với tiểu thuyết 2030, Trương Thanh Thùy phát huy lối viết mang phong cách Tây từ giọng điệu đến nội dung. Tác phẩm mượn giả thiết về lời tiên tri của bà Vanga mù qua đó kể câu chuyện bạo liệt về tình yêu, hận thù, trừng phạt.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá tác phẩm mới lạ ở đề tài giả tưởng, tâm linh, lối viết lai Tây, tác giả viết chắc tay, câu chuyện có lớp lang, tình tiết, cấu trúc vững vàng. Lời thoại, cảnh trí được đánh giá có tính điện ảnh, tạo được sự rùng rợn, gay cấn, hồi hộp. "Trên hết là nỗi ám ảnh rằng con người trong thế giới hiện nay đối diện nhiều thứ bủa vây, tàn ác, chỉ có tình yêu thương, nhân ái mới cứu vớt được họ", nhà phê bình nói.

Tác giả trẻ Trương Thanh Thủy (trái) và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.
Đề tài rùng rợn, bí ẩn về mặt tín ngưỡng còn khá ít tác giả ở Việt Nam khai thác. Có thể nói đó là một trong những điểm mới của Trương Thanh Thùy, đặc biệt giữa bối cảnh nhiều cây viết trẻ hiện nay thường chỉ tập trung những đề tài yêu đương dễ dãi. Trương Thanh Thùy đi theo lối viết cũng như cách xây dựng cấu trúc hiện đại bằng cách không giải thích nhiều, đi vào logic, viết về những điều ghê sợ, ám ảnh với thái độ sắc lạnh. Đọc tác phẩm của Thùy dễ có cảm giác như đọc một tác phẩm dịch chứ không phải của một tác giả thuần Việt.
Trương Thanh Thùy cho biết để viết Linh thú chị đã "buộc mình phải Tây hóa hoàn toàn, lột xác hoàn toàn. Không còn rào cản của đạo đức theo cách Việt. Không còn những tư tưởng thuần Việt. Tất cả phải khác đi. Tất cả phải hoàn toàn thoát xa tầm hiểu biết của tôi trong ranh giới nơi tôi ở".
Trước đó, Trương Thanh Thùy xuất bản Đốm trắng - tác phẩm dành cho thiếu nhi được đánh giá đậm chất nhân văn.
Di Ca