Đây là lần đầu tiên sách Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng - về cuộc đời bà Trần Lệ Xuân (bà Nhu, 1924-2011) - ra mắt ở Việt Nam. Bà là vợ của ông Ngô Đình Nhu, cố vấn chính quyền ở miền nam Việt Nam trước đây.
Sách được dịch giả Mai Sơn chuyển ngữ từ tác phẩm đầu tay của tác giả Mỹ Monique Brinson Demery. Tên tiếng Anh của sách là Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam's Madame Nhu. Sách được Nhà xuất bản PublicAffairs phát hành vào tháng 5/2013. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên về chân dung bà Trần Lệ Xuân phát hành trên thế giới.
Dịch giả Mai Sơn cho biết ông rất vui khi ấn phẩm ra mắt bạn đọc trong nước: "Trong quá trình dịch, tôi thầm cảm phục và ngưỡng mộ bà Trần Lệ Xuân. Bà là người phụ nữ nhỏ bé bị ném vào những biến động lịch sử của dân tộc và đã góp phần quan trọng tạo nên một bi kịch lớn, không chỉ cho gia đình mình mà còn cho cả một thời cuộc. Cuốn sách này đối với nhiều độc giả có thể còn là một luồng sáng xua tan nhiều điều không đúng và chuyện thêu dệt quanh cuộc đời bà Nhu".
"Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng" dày 360 trang, gồm 16 chương, phản ánh những diễn biến chính trong cuộc đời bà Trần Lệ Xuân từ lúc bà sinh ra từ năm 1924 đến khi bước vào cuộc sống lưu vong.
Bà Trần Lệ Xuân sinh ra khi mẹ bà 14 tuổi. Mẹ bà thuộc dòng dõi hoàng gia quyền quý (công chúa Nam Trân) và cha xuất thân từ gia đình địa chủ quyền thế họ Trần. Ở chương bốn mang tên "Chân dung một tiểu thư", sách kể về giai đoạn bà Nhu lớn lên và trưởng thành tại Hà Nội sau bảy năm ở vùng thôn quê miền Nam với việc: "... học một ngôi trường Pháp cùng với trẻ em Pháp và nói tiếng Pháp với cha mẹ ở nhà…".
Bà Trần Lệ Xuân gặp ông Ngô Đình Nhu vào năm 1940 khi ông gần 30 tuổi còn bà ở tuổi 15. "… Họ đã gặp nhau trong khu vườn nhà ông Chương (ông Trần Văn Chương - bố bà Trần Lệ Xuân) ở Hà Nội. Ông Nhu vừa trở về Việt Nam sau gần một thập niên học hành ở Pháp…". Mãi cuối đời, bà bộc bạch: "Tôi chưa từng có một tình yêu ngọt ngào" và thẳng thắn thừa nhận rằng cuộc hôn nhân của bà với ông Nhu là một vấn đề thực tế, không phải chuyện yêu đương lãng mạn.
Ở chương bảy mang tên "Một nơi ẩn lánh trên núi", bà Trần Lệ Xuân tâm sự: "Tôi cô đơn trong hầu hết thời gian". Đây là lời tâm sự bà dành nói về cuộc hôn nhân với ông Nhu trong giai đoạn ông đang xây dựng nền tảng chính trị của mình trong khoảng thời gian ở Đà Lạt từ năm 1947 đến 1954.
Lần lượt qua các chương như "Những tấm da cọp", "Những nhà sư tự thiêu", "Cửa đóng", "Đảo chính", "Lưu vong"..., độc giả được tiếp cận với nhiều chi tiết, nhiều tư liệu lịch sử xoay quanh cuộc đời người phụ nữ để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử cận đại Việt Nam.
Tác giả Monique Brinson Demery tốt nghiệp Đại học Hobart và William Smith, sau đó lấy bằng Thạc sĩ về Đông Á học tại Đại học Harvard vào năm 2003. Hiện bà sống ở thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ.
Monique Brinson Demery từng tham gia khóa học tại Hà Nội vào năm 1997 trong chương trình du học của Đại học Hobart và William Smith. Cuộc phỏng vấn đầu tiên của Demery với bà Nhu diễn ra vào năm 2005. Đây cũng là lần đầu tiên bà Nhu tiếp xúc lại với báo chí phương Tây sau gần 20 năm chọn cách im lặng.
Về tác phẩm của Monique, Robert K. Brigham, Shirley Ecker Boskey - giáo sư khoa Lịch sử và Quan hệ Quốc tế Đại học Vassar - nhận xét: "Cuốn sách thật sự là thành tích đáng được ghi nhận và khen ngợi. Demery đã sinh động nắm bắt được bối cảnh không gian và thời gian xoay quanh chân dung của một trong những nhân vật có cá tính hấp dẫn nhất Việt Nam".
* Ảnh: Một số ảnh tư liệu về bà Nhu |
Thoại Hà