Room được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Emma Donoghue, lấy cảm hứng từ vụ án có thật về người phụ nữ tên Josef Fritzl bị chính cha mình cầm tù và cưỡng hiếp suốt 24 năm. Theo lẽ thường, những phim đề tài này sẽ mở ra một căn phòng chật chội, tối tăm, những cuộc bạo hành và một cuộc đào thoát nghẹt thở. Khán giả sẽ chuẩn bị tâm lý cho "thế giới màu xám" mà đạo diễn dựng nên. Nhưng bất ngờ thay, Room mang đến cho người xem một cái nhìn đầy bao dung và lạc quan như màu trời xanh trong đáy mắt những đứa trẻ.
Bộ phim mở ra bằng một ô cửa trời xoay tròn giữa khuôn hình. Ngoài ô cửa là những đám mây trôi. Trong ô cửa là cậu bé tóc vàng, nằm giữa sàn nhà, nhìn trân trối vào màu xanh đến chói mắt. Đó là Jack – cậu bé 5 tuổi - đang sống cùng mẹ là người phụ nữ từng bị cưỡng bức và bắt cóc khỏi gia đình 7 năm trước trong một căn phòng hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài.
Hàng tuần, một người đàn ông mang đồ ăn, thuốc uống và các vật dụng sinh hoạt đến để chu cấp. Vật duy nhất bầu bạn với Jack là chiếc tivi. Tất cả những gì Jack biết về thế giới ngoài kia là qua khung hình vuông với những con người nhỏ xíu đi qua đi lại trong đó.
Đến khi Jack lên 6 tuổi. Cậu bắt đầu nhận thức và suy nghĩ nghiêm túc về việc thế giới ngoài kia có tồn tại thật hay không? Người mẹ sau bao nỗ lực giải thích, thuyết phục đã buộc phải chọn cách cho Jack được tự mình nhìn thấy thế giới. Room kể về thế giới trong lành lần đầu tiên hiện ra trong mắt đứa trẻ ấy, đồng thời đặt mỗi người lớn trước nỗi nghi ngại về trách nhiệm của bản thân trong việc nuôi nấng một đứa trẻ theo cách tốt nhất.
Đã rất lâu rồi khán giả yêu điện ảnh mới có một bộ phim trong trẻo và nên thơ đến thế về thế giới của trẻ thơ. Room làm người xem mỉm cười khi nhớ tới Home Alone, cũng như bàng hoàng khi nhớ lại The Tin Drum. Nhân vật chính của các bộ phim đều là những đứa trẻ được đạo diễn trao điểm nhìn trần thuật. Nhưng nếu như Room và Home Alone dựng nên một thế giới vừa đáng yêu, vừa phi lý qua trí tưởng tượng của tuổi thơ, The Tin Drum là một hiện thực khốc liệt bị bóp méo, gây những khoảng chấn thương tinh thần vô cùng lớn. Lẽ ra Room cũng sẽ in dấu một vết sẹo tinh thần vĩnh viễn trong tâm trí Jack, về những gì cậu và mẹ phải chịu đựng suốt 7 năm tù đày. Nhưng đó không phải cách đạo diễn Lenny Abrahamson muốn khán giả nghĩ đến.
Bộ phim lấy điểm nhìn chủ đạo của Jack – cậu bé sống 5 năm cuộc đời mà chưa một lần được chạm vào chiếc lá, chưa từng gặp một người bạn, chưa từng có một chiếc bánh sinh nhật đúng nghĩa. Jack tưởng tượng ra thế giới bằng những gì cậu nhìn thấy trên tivi cùng trí thông minh trời phú. Cậu không ngừng đặt câu hỏi về cái này có thật hay không, cái kia ngoài đời thực trông thế nào? Chính vì thế, đạo diễn đã đặc tả rất tinh tế khoảnh khắc Jack lần đầu tiên nằm trọn vẹn dưới bầu trời, tâm trí lờ mờ hình dung về sự vĩ đại hay khoảnh khắc lần đầu cậu cầm trên tay một chiếc lá úa đã lìa cành và nhận ra những gì mẹ kể là có thật.
Chi tiết Jack chia cho con chuột đi hoang một mẩu bánh mì và tin rằng đó là một người bạn có thể làm khán giả cảm động. Cậu bé đã hồn nhiên lớn lên như thế mà không hay biết về nỗi thiệt thòi của mình so với bạn bè đồng trang lứa - không được đến trường, không được trò chuyện, không được thổi nến sinh nhật, không được mua những món đồ chơi và đặc biệt, không có bố.
Người xem có thể sẽ cảm thương cho cậu bé tội nghiệp trong phim nhưng không phải theo cách bi kịch hóa. Những khuôn hình đầy ắp ánh sáng, những bài thơ, bài hát ru yên ả, thanh bình vẫn tràn ngập trong những thước phim. "Căn phòng" không chỉ là nơi giam cầm hai mẹ con Jack mà còn là chiếc hộp cất giữ những bí mật tuổi thơ, những tháng ngày tràn ngập tiếng cười trong cảnh khó khăn, bần cùng nhất.
Theo cách ấy, người xem sẽ hiểu một phần lý do vì sao Jack và mẹ hết sức khó khăn trong việc hoà nhập trở lại với cộng đồng sau này. Cú "sốc" văn hóa với cậu bé 5 tuổi chưa từng gặp người lạ là lẽ dĩ nhiên. Nhưng bên cạnh đó, sự gắn bó với từng đồ vật, từng ngóc ngách của căn phòng và cảm giác được che chở, bảo bọc hoàn toàn trong bốn bức tường cũng khiến Jack phải mất một khoảng thời gian nhất định để làm quen với cuộc sống mới. Với cậu, vòng xâu vỏ trứng, chiếc tủ quần áo, chiếc thảm trải nhà, chiếc giường cọt kẹt đều là những người bạn đã cùng lớn lên và chia sẻ tuổi thơ dưới bầu trời qua ô cửa kính. Người lớn khó có thể hiểu được thế giới tuổi thơ trong những năm đầu đời của một đứa trẻ có ý nghĩa đến thế.
Điều đáng tiếc là Jacob Tremblay – linh hồn của cả bộ phim, thủ vai nhân vật Jack - không có mặt ở bất kỳ hạng mục đề cử Oscar nào, từ diễn viên chính đến diễn viên phụ. Những gì Jacob truyền tải trong nhân vật Jack khiến diễn viên nhí này xứng đáng đứng vào hàng ngũ những diễn viên trẻ triển vọng của Hollywood. Chính Jack chứ không phải người mẹ bất hạnh của cậu là nhân vật chính của bộ phim. Ánh mắt truyền thần, chuyển động đầy tự tin, chính xác của Jacob Tremblay góp phần nhiều vào thành công của bộ phim. Jack trở thành họa sĩ nhí vẽ nên thế giới màu hồng giữa cuộc đời khắc nghiệt nhờ hóa thân xuất sắc của cậu bé 9 tuổi gốc Canada.
Tuy nhiên, việc được đề cử 4 hạng mục lớn – "Phim hay nhất", "Đạo diễn xuất sắc", "Nữ diễn viên chính xuất sắc" và "Kịch bản chuyển thể hay nhất", Room nhiều khả năng vẫn sẽ được xướng tên trong lễ trao giải Oscar vào cuối tháng này. Ngoài việc đạo diễn đã mang đến cho người xem một câu chuyện tuyệt vời, ý nghĩa xã hội về nạn bạo hành trẻ vị thành niên của bộ phim cũng là yếu tố dễ được Viện Hàn Lâm nghệ thuật và điện ảnh Mỹ lưu ý.
Trailer phim "Room" |
|
Thùy Sa