Hội An được xem là địa điểm du lịch xinh đẹp, lãng mạn và bình yên của rất nhiều du khách Việt Nam và quốc tế. Dù vậy, ít ai nghĩ đến việc lưu trú tại mảnh đất nhỏ bé này quá ba ngày bởi sự nhỏ bé và bình yên ấy. Nhưng có một người đàn ông đã bán cả cơ ngơi ổn định tại Pháp để đưa gia đình đến Hội An sinh sống và lập nghiệp, để trở thành một phần của Hội An thật sự. Đó là Réhahn Croquevielle.
Réhahn đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2007 qua sự "mai mối" của một người bạn Cuba. Từ khi có ý định đến đây, anh đã tìm những tổ chức phi chính phủ để trợ cấp cho một số hoàn cảnh đặc biệt. Mấy tháng sau, anh lên đường đi thăm hai đứa trẻ mồ côi ở Hội An mà tổ chức này giới thiệu. Mảnh đất nhỏ bé và yên bình này từ đó níu chặt lấy cuộc đời Réhahn như một mối duyên lành. Năm 2011, Hội An trở thành nhà của anh. Hai chị em mồ côi đã là thành viên chính thức của gia đình anh. Người bạn thân nhất của Réhahn cũng là "phiên dịch viên" tình cờ trong ngày đầu anh hội ngộ hai đứa trẻ. Còn Réhahn Croquevielle có một cái tên mới đơn giản và dễ đọc hơn: Réhahn Hội An.
Mở quán kem để có thu nhập nuôi sống gia đình, nhưng công việc mang đến cho anh niềm vui sống lớn nhất là nhiếp ảnh. Anh có hơn 30.000 bức ảnh về Việt Nam mà ấn tượng hơn cả vẫn là ảnh chụp người già và trẻ em dân tộc. Xuyên suốt trong gallery là ánh mắt trong veo và ám ảnh của những cô cậu bé người Ba Na, Ê Đê hay bàn tay nhăn nheo, co rúm của các bà cụ Tây Nguyên.
Réhahn cho rằng, nếu chỉ đến TP HCM, Hà Nội, Phan Thiết, Hội An..., chúng ta chỉ mới gặp một người Việt của dân tộc Kinh thôi. Để gặp được những người Việt khác, văn hóa khác, nếp sống khác, Réhahn phải tìm đến Mù Cang Chải, Mèo Vạc, Đồng Văn, Mã Pí Lèng..., những địa danh mà nhiều người thành thị còn thấy xa lạ khi được hỏi. Với anh, con người nơi đây đẹp và hạnh phúc hơn bất cứ đâu trên thế giới, dù gương mặt họ nhem nhuốc, in hằn sự lam lũ của cuộc mưu sinh.
"Tôi thích trẻ con vì chúng ngây thơ, trong trắng và không biết 'diễn'. Tôi yêu người già vì vẻ đẹp của vết dấu thời gian trên gương mặt, đôi mắt hay bàn tay họ". Nhiều tạp chí thời trang Việt đã ngỏ lời mời nhưng Réhahn đều từ chối, vì: "Tôi chỉ có thể là nhiếp ảnh gia của cái đẹp không tô vẽ".
Trong nhiều bài phỏng vấn, ghi hình gần đây về Réhahn, anh được gọi là "người sở hữu nhiều nụ cười Việt Nam đẹp nhất". Vì anh đã đi đến những ngóc ngách rất xa xôi để cóp nhặt từng nụ cười, từng phận người, tập hợp trong quyển sách ảnh "Vietnam - Mosaic of Contrasts" (khoảng 150 tấm). Nói về những bức ảnh khiến nhiều người phải thốt lên "Không thể tin là có một Việt Nam đẹp như thế", Réhahn giải thích: "Đơn giản thôi, khi bạn đang sống quen với điều gì thì bạn sẽ không thấy nó hay, nó đẹp. Cũng như tôi không thể chụp người Pháp đẹp như người Việt được, vì tôi giống họ".
Từ khi bộ sách ra đời, Réhahn có thêm sở thích gặp gỡ những người mua sách của mình để truyền cảm hứng cho họ. Những dịp đến Sài Gòn làm việc, anh đều tranh thủ quỹ thời gian ít ỏi để đi giao hàng cho khách đặt qua Facebook trước đó. Mỗi bức ảnh của Réhahn là một câu chuyện đời thú vị mà anh không thể viết hết trên trang sách. Vì vậy, anh muốn được trực tiếp kể lại chúng cho những người mà mình có thể gặp gỡ.
Réhahn chia sẻ, bí quyết để có một bức chân dung đẹp không nằm ở kỹ thuật mà ở trái tim của nhiếp ảnh gia. Anh kể một câu chuyện vui: "Có lần, tôi đang sắp đặt để chụp một bà cụ thì có hai anh Việt Nam, tay cầm máy ảnh rất xịn đến. Họ bấm liên tục vài phút rồi bỏ đi, không một lời cảm ơn. Còn bà cụ vẫn ngây ra như tượng gỗ vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra". Réhahn thì khác, anh chỉ giơ máy khi nhân vật cảm thấy thoải mái nhất.
Chỉ tay vào bức ảnh ông cụ đứng bên khung cửa gỗ, Réhahn tâm sự: "Với những người già, bạn hãy nói chuyện với họ càng nhiều càng tốt trước khi chụp. Hãy ngồi xuống uống một tách trà, nhìn họ đánh cờ và nghe họ kể chuyện, dù bạn có thể không hiểu tất cả. Ngôn ngữ lúc này không còn quan trọng nữa khi họ đã tin cậy vào sự chân thành của bạn".
Từng nhận được nhiều cái xua tay hoặc lời mặc cả "one dollar one photo" (một USD một tấm), chàng nhiếp ảnh gia Pháp hiếm khi bỏ cuộc hoặc nghĩ khác đi về những con người này. "Tôi cất máy và ngồi lại làm quen với họ. Đến khi nào họ thật sự vui, tôi lại tiếp tục... năn nỉ. Ai đó đề nghị trao đổi ư? Tôi sẽ đùa: 'Thôi mà' hay 'Hết tiền rồi'. Bảo đảm họ sẽ bật cười, và tôi có ngay một bức ảnh ưng ý". Không rành tiếng Việt nhưng Réhahn cũng có "vốn liếng" nho nhỏ, đủ để làm một cô bé dân tộc xa lạ nở nụ cười: "Chào em. Anh là Réhahn", "Em tên gì?", "Cho anh chụp một tấm ảnh nhé!"...
Làm từ thiện cũng là một trong những mục tiêu song hành cùng anh, bên cạnh nhiếp ảnh. Nâng niu cuốn sách ảnh của mình, gương mặt Réhahn thoáng xúc động khi chạm tay vào nhân vật trang bìa - một trong những gương mặt gieo lại ấn tượng sâu đậm nhất đời anh. Đó là một cụ bà gương mặt đầy nếp nhăn, lấy hai tay che trán và nụ cười móm mém trên môi. Bà cụ làm nghề chèo đò gặp Réhahn năm 71 tuổi, bây giờ đã 76 tuổi. "Nhà bà rất nghèo. Mới đây quay lại thăm bà để tặng bà quyển sách, tôi hỏi bà có ước mơ gì không. Bà bảo muốn có một chiếc thuyền mới, vì chiếc thuyền cũ đã rách nát quá. Tôi sẽ trích một phần doanh thu sau khi bán sách để làm điều đó", Réhahn bảo. Tại gallery riêng nằm khuất sau quán kem, Réhahn treo rất nhiều ảnh và bưu thiếp, phần lớn đều có giá định sẵn. Đó là nguồn thu dành cho các hoạt động vì cộng đồng.
"Việt Nam không chỉ hiện lên qua hình ảnh của những trẻ em nghèo khó. Nhưng chính sự nghèo khó, vất vả ấy đã tạo nên vẻ đẹp của Việt Nam. Những bức ảnh giúp tôi ghi nhớ rằng, trên thế giới này còn rất nhiều mảnh đời cần giúp đỡ. Đó cũng là một phần trách nhiệm của chúng ta...", Réhahn đăng những dòng tiếng Việt như thế trên fanpage của mình. Khoe lượng "like" đã hơn 45.000, Réhahn rất nghiêm túc khi bị trêu là người nổi tiếng: "Vâng, tôi muốn được nổi tiếng, nhưng cùng với những quyển sách và những nhân vật trong đó. Tôi sẽ làm được nhiều hơn cho những đứa trẻ, những người già đáng yêu trên đất nước của mình", Réhahn nhấn mạnh chữ "của mình" một cách tự hào.
Cuộc trò chuyện ngắt quãng giữa chừng khi khách hàng gọi điện cho Réhahn để nhận sách. Đợi người bạn thân xuống trước giao dịch, "người nổi tiếng" mới đủng đỉnh xuống sau. "Nguyên tắc của tôi là chỉ nói về những bức ảnh và niềm đam mê, sẽ không có tiền bạc ở đó". Trong suốt buổi gặp gỡ, nụ cười dường như không bao giờ tắt trên môi người nhiếp ảnh trẻ, hệt như những góc chụp đầy ám ảnh của anh.
>> Một số tác phẩm trong sách ảnh
Vân An