Bigband Sông Hồng là ban nhạc kèn duy nhất tại Việt Nam được thành lập từ năm 2000 do NSƯT Quyền Văn Minh, Hoàng Xuân Vượng và Quốc Trường với phiên chế 12 cây kèn, trong đó có 4 kèn trompette, 4 saxophone, 4 trombone cùng piano, bass, trống.
Nhạc sĩ Quốc Trường (thứ ba từ trái sang) khi còn biểu diễn cùng Bigband Sông Hồng. |
Ngày 26/1/2010, nghệ sĩ Quốc Trường mất. Vị nhạc trưởng, Trưởng phòng Nghệ thuật của Đoàn ca nhạc nhẹ Trung ương để lại những ca khúc khá nổi tiếng như Hà Nội những công trình, Vinh quang tuổi trẻ Việt Nam, Hát cho mùa xuân tương lai, Những phút giây qua, Hoàng hôn… cùng những bản phối giá trị. Theo Quyền Văn Minh, khó tìm được một cây trompette tài năng thay thế Quốc Trường.
Chính vì vậy, trong “Đêm nhạc Quyền Văn Minh và bạn bè với Jazz”, Quyền Văn Minh sẽ mời những nghệ sĩ gắn bó với Quốc Trường để hát cùng Bigband Sông Hồng như NSND Quang Thọ, Tùng Dương, Hạ Đức Sơn… Quang Thọ từng được Quốc Trường phối cho bản nhạc đem đi Cuba hát lần đầu tiên. “Khi sang tới Cuba, đứng trước một dàn nhạc Bigband quá lớn, toàn những nghệ sĩ da đen to cao, tôi hơi run. Không ngờ, khi đưa bản phối của Quốc Trường ra thì họ khen bản phối quá chuẩn, quá hay” - Quang Thọ chia sẻ. Tùng Dương thì cho biết, anh luôn dành cho jazz một khoảng riêng và rất phục tài của nghệ sĩ Quốc Trường nên sẵn sàng tham gia đêm nhạc dù tiền cát-xê chỉ là tượng trưng. Quyền Văn Minh mời nghệ sĩ Hạ Đức Sơn không chỉ vì ông chơi thân với Quốc Trường mà còn bởi bố nuôi của Bằng Kiều “hát hay không thể tưởng tượng nổi, giọng cứ sang sảng dù đã ở tuổi 72”.
Quyền Văn Minh là một trong những nghệ sĩ đầu tiên biểu diễn và giảng dạy nhạc Jazz tại Việt Nam. |
Đây sẽ là một đêm nhạc với các tác phẩm kinh điển thế giới (I Can’t Make You Love Me, They Can’t Take That Away From Me, Cry me a river, What a wonderful world…) và các ca khúc trữ tình Việt Nam (Hà Nội những công trình, Thuyền và biển, Gửi nắng cho em, Niệm khúc cuối, Nỗi lòng người đi…). Theo Quyền Văn Minh, ở nước ngoài, chơi jazz có thể phá vỡ hoàn toàn giai điệu, nhưng ở Việt Nam chỉ có thể chơi ở phần dạo nhạc và phần giữa, giai điệu vẫn phải giữ nguyên vì sợ khán giả chưa kịp thích ứng. “Nếu thấy chúng tôi chơi khác, họ lại bảo chúng tôi chơi sai” - Quyền Văn Minh giải thích.
Bốn mươi năm gắn bó với nhạc jazz, việc nỗ lực tổ chức những đêm nhạc thường niên theo Quyền Văn Minh là cách để jazz có tiếng nói trong âm nhạc Việt Nam và để các nghệ sĩ suy nghĩ về tính cộng đồng, sự tiếp cận âm nhạc tân tiến thế giới.
Ngọc Trần