Cuối tuần qua, NSƯT Quốc Thảo giới thiệu sân khấu mới, đặt tại tòa nhà Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật (quận 3, TP HCM). Vở mở màn là Nắng chiều (biên kịch: Quốc Thảo, Minh Ngọc), từng được diễn tại sân khấu Idecaf với dàn diễn viên như Hữu Châu, Thanh Thủy, Minh Hoàng... Trong bản dựng mới, bộ ba nghệ sĩ Quốc Thảo - Đại Nghĩa - Lê Giang đảm nhận các vai chính.
* Phân cảnh hài hước khi ba người bạn già gặp mặt
Vở kịch khai thác cuộc sống của những người già rời bỏ quê nhà, lên thành thị sống cùng con cái. Họ chịu đựng những khác biệt lớn về văn hóa, lối sống khi hy sinh cho con cháu, rồi chợt nhận ra con cái chỉ xem họ như những người giúp việc không lương. Chất hài nhẹ nhàng, tâm lý thường thấy trong các vở kịch do Quốc Thảo đạo diễn tiếp tục được phát huy. Không chỉ vậy, sau tiếng cười, điều tạo nên sức nặng cho tác phẩm là khả năng diễn nội tâm của dàn nghệ sĩ.
Quốc Thảo thành công với nhân vật ông Ba - người cha tận tụy, hết lòng yêu thương con cháu. Ông luôn tay làm việc này việc nọ vì thương con bận rộn kiếm sống. Ông không dám trò chuyện điện thoại lâu, nghe tiếng con về nhà là vội vàng cúp máy, lui vào bếp lo bữa cơm. Lối diễn của Quốc Thảo gây xúc động với đài từ chầm chậm, dáng đi run run của người cha luôn sợ làm con phật ý. Mâu thuẫn quan hệ giữa ông Ba và vợ chồng con trai được đẩy lên đỉnh điểm khi ông bị đổ lỗi đã khiến con trai nhụt chí, muốn bỏ về quê, công việc làm ăn thất bại. Ánh mắt rưng rưng của Quốc Thảo khi diễn cảnh người cha già đau đớn vì bị con dâu nghĩ oan lấy nước mắt của người xem.
Vốn mạnh về mảng hài, Đại Nghĩa và Lê Giang tạo nhiều bất ngờ ở phân đoạn đòi hỏi lối diễn giàu cảm xúc. Ông Chín (Đại Nghĩa)luôn chăm sóc cô con gái - một diễn viên tuồng cổ - từ chuyện trang phục đến nhận lịch đi diễn, mỗi ngày dắt chó cưng của cô đi dạo. Bà Tám "bánh phồng" (Lê Giang) phải lo nấu nướng cho chàng rể ky bo vì con gái làm lụng ở nước ngoài. Một ngày, không chịu nổi cách con cái biến cha mẹ thành oshin, họ rủ nhau trốn ra ngoài tham quan thành phố. Lê Giang lần đầu thể hiện khả năng diễn bi ở cảnh đối thoại cùng người con rể về sự tủi hờn, nỗi cô đơn của một người già suốt ngày quanh quẩn trong nhà.
Ba diễn viên chính đã thể hiện trọn vẹn bi kịch của những bậc cha mẹ rời thôn quê lên thành phố sầm uất. Một trong những cảnh đáng nhớ nhất của vở diễn là phân đoạn ba ông bà già ngồi trong công viên và hồi tưởng quá khứ. Làng quê thân thuộc trong ký ức của họ hiện ra qua gốc tre già, mùi rơm rạ... Trong phân cảnh này, họ gây ấn tượng với màn hát ca cổ nhớ về kỷ niệm tuổi thơ.
* Cảnh các nhân vật nhớ về làng quê
Các nghệ sĩ trẻ diễn tròn vai những đứa con tất bật mưu sinh mà thờ ơ với cha mẹ. Thanh Hiền thể hiện hình ảnh cô con dâu vì áp lực trả nợ mà cãi cọ với chồng, đổ lỗi cho cha anh gây nên cảnh nợ nần. Khương Hưng vào vai phản diện là chàng rể ky bo, luôn tru tréo mỗi khi thấy mẹ vợ gọi điện thoại quá lâu.
Kéo dài hơn hai giờ đồng hồ, vở kịch níu chân gần 200 khán giả đến tận khuya. Đa số người xem dự buổi công diễn là các khán giả từng biết đến Quốc Thảo thời lừng lẫy trên sân khấu 5B, Idecaf... thập niên 1990. Chị Thu Hoài (quận Bình Thạnh) đánh giá diễn xuất của Quốc Thảo và Đại Nghĩa chinh phục được chị, còn Lê Giang chưa vượt được cái bóng lớn của người diễn trước đó - nghệ sĩ Thanh Thủy.
Khán giả này cũng ấn tượng với không gian nhỏ bé nhưng trang trọng, chỉn chu của sân khấu. Trong không gian nhỏ (khoảng 200 ghế ngồi), vở diễn sử dụng ít đạo cụ, phông nền nhưng vẫn giúp người xem dễ hình dung mỗi lần chuyển cảnh. Âm nhạc góp phần khơi gợi cảm xúc cho khán giả, nhất là với ca khúc Nắng chiều - được nhạc sĩ Sơn Hạ sáng tác. Quốc Thảo tâm sự anh mất mấy tháng để cải tạo điểm diễn từ một hội trường thành sân khấu đúng quy chuẩn. Sau tác phẩm này, sân khấu Quốc Thảo sẽ công diễn vở Lôi vũ vào đầu tháng 5. Anh cũng vừa mở lớp đào tạo diễn xuất với hơn 100 học viên tham gia.
Mai Nhật