- Từ sau giải "Nam diễn viên chính xuất sắc" Cánh diều vàng 2006, anh đã nhận thêm lời mời diễn xuất nào?
- Tôi nhận được lời mời tham gia đóng một số phim truyền hình, nhưng đã từ chối ngay để các nhà sản xuất còn tính phương án mời người khác. Kể cả có kịch bản ngay khi mới đọc tôi đã rất thích, nhưng cũng đành lắc đầu từ chối.
Lý do đơn giản bởi chúng đều là phim dài tập nên diễn viên phải lên lịch, tính toán thời gian chuẩn xác may ra mới có thể tham gia. Điều ấy hơi khó vì tôi còn đang công tác và sinh hoạt tại Nhà hát kịch Việt Nam. Công việc ở Nhà hát đòi hỏi phải làm vở mới, tham gia dàn dựng, đi lưu diễn ở các tỉnh thành nữa...
- Gần nửa cuộc đời gắn bó với nghiệp diễn, anh nghĩ sao về ý định chuyển sang làm đạo diễn?
- Tôi chưa bao giờ nghĩ tới điều ấy, vả lại tôi cũng không thích làm đạo diễn. Mặc dù chức danh và công việc của đạo diễn rất cao quý, nhưng tôi thích làm nghệ sĩ biểu diễn hơn. Chỉ cần hoàn thành xong vai diễn, mỗi người lại trở về với cuộc sống đời thường, không phải lo âu nghĩ ngợi.
Trong khi đó, làm đạo diễn sẽ phải suy nghĩ đến nhiều vấn đề: kịch bản, kinh phí, dàn diễn viên, âm thanh, ánh sáng... nên chắc chắn phải vướng vào chuyện bực bội, khó chịu hoặc không thể vừa lòng tất cả. Đôi khi diễn viên diễn xuất chưa đạt yêu cầu cũng khiến người đạo diễn cảm thấy không thỏa mãn hài lòng. Công việc ấy đòi hỏi phải có kiến thức, tư duy, sáng tạo và hơn nữa, sự căng thẳng sẽ nhiều hơn sự thoải mái.
Diễn viên Quốc Khánh. Ảnh: Netmode. |
- Bạn diễn cùng anh trong "Áo lụa Hà Đông" Trương Ngọc Ánh đã có ý định xâm nhập thị trường phim Hollywood. Còn anh thì sao?
- Dĩ nhiên nếu có cơ hội thì "cờ đến tay ai người nấy phất", nhưng phải cân nhắc xem tác phẩm đó như thế nào, làm theo quy cách gì, sức của mình có làm được không, có cơ hội mình thể hiện hay không... Tôi có cảm giác nền điện ảnh của mình so với thế giới còn nhiều bỡ ngỡ lắm, nên chuyện tiến tới hòa nhập chắc còn lâu lắm. Vì thế tôi chưa tính tới điều ấy.
- Đóng phim, diễn kịch, diễn hài, có dạo khán giả thấy anh thường xuyên xuất hiện trên các chương trình truyền hình. Sao anh "đá" nhiều sân vậy?
- Nghệ sĩ nước ngoài có khi đóng một bộ phim cũng đủ tiền tiêu cả đời. Anh em nghệ sĩ ở mình tuy không nghèo nhưng cũng chẳng giàu có gì nên "đá" nhiều cũng đâu có gì tội lỗi, đều là làm việc cả. Có thể nói như các cụ là "lấy ngắn nuôi dài".
Chẳng hạn đóng quảng cáo thực ra không phải diễn nhiều lắm, thù lao lại cao. Có những thứ mình làm chẳng được xu nào nhưng vẫn say mê, cũng có nhiều thứ làm chỉ vì cuộc sống. Công việc vẫn phải làm, cuộc sống vẫn phải bươn chải, quan trọng là cần có điều chỉnh cân bằng và dung hòa mọi thứ để tồn tại. Đồng thời mỗi người luôn phải biết làm gì cho đúng để khỏi phải ân hận.
- Anh bảo mình không giàu, nhưng cũng có tiền tậu xe hơi đấy thôi. Đó là tiền cát-xê đóng phim hay từ đâu ra?
- Nếu tậu xe bằng tiền kiếm được từ làm nghệ thuật thì hơi khó. Nó chẳng nhiều nhặn gì, ráo mồ hôi là hết tiền. Mọi người trông hào nhoáng vậy thôi. Tất nhiên nghề diễn viên trăm thứ vất vả nhưng cũng có niềm hạnh phúc, đó là được mọi người biết đến và yêu quý. Chính điều ấy là yếu tố thúc đẩy tôi yêu và gắn bó với nghề này.
- Đến thời điểm này anh cảm thấy ra sao khi "lạc nghiệp" rồi mà chưa "an cư"?
- Có vợ chắc gì đã an cư, biết đâu lại bất ổn thì sao. Tôi không lấy vợ cũng vì thương chị em phụ nữ thôi. Tôi tự ngẫm, quanh năm mình đi làm không có giờ giấc, lại ham chơi và bận bịu nhiều thứ khác nên nếu ai đồng ý xây dựng gia đình với mình sẽ rất khổ.
Người đàn ông lấy vợ chẳng lúc nào là muộn cả. Dù sao nếu không có bạn gái, cuộc sống sẽ rất buồn tẻ nên yêu tôi vẫn cứ yêu, chỉ có điều chưa lấy thôi. Tôi không đặt ra tiêu chí nào cho người phụ nữ của mình. Đã là phụ nữ thì tôi đều chấm chín điểm hết, bởi họ đáng yêu và đáng được trân trọng. Một điểm còn lại dành cho người hiểu và cảm thông với tôi.
- Bao nhiêu năm qua, sao anh chẳng chịu làm mới ngoại hình của mình, từ bộ râu cho đến mái tóc?
- Đúng là tôi vẫn thế. Điều ấy cũng có mặt tốt đấy chứ. Ngoài chuyện chẳng có gì mới thì không thay đổi cũng có nghĩa là mình vẫn trẻ trung như ngày xưa. Tôi quan niệm mỗi lần nhận đóng một vai nào đó, đồng nghĩa với việc tự làm mới mình rồi.
Cũng có khi đạo diễn yêu cầu tôi cạo râu cắt tóc cho phù hợp với vai diễn, nhưng có lúc tôi tự làm điều đó mà chẳng cần phải ai yêu cầu cả. Ví như khi tôi đọc kịch bản, thấy vai này trẻ hoặc già, tôi phải tạo ra cho mình dáng vẻ, cung cách ăn mặc cho phù hợp. Chuyện đó đối với diễn viên hết sức bình thường, có mất mát gì nhiều lắm đâu.
(Theo An Ninh Thủ Đô)