- Trong đêm trao giải thưởng HTV Award, Quế Trân là nghệ sĩ duy nhất bật khóc trên bục nhận giải. Dường như danh hiệu 'Nghệ sĩ cải lương được khán giả yêu thích nhất' đến với chị quá bất ngờ?
- Bất ngờ chứ vì đây là lần đầu tiên giải thưởng này tôn vinh nghệ sĩ cải lương. Nằm trong top 3 nghệ sĩ của vòng cuối, tôi không thấy áp lực lắm vì hai nghệ sĩ còn lại đều là các cô đã đi trước và thành danh. Tuy nhiên, cứ nghe mọi người nói cải lương hôm nay không còn nhiều sức sống như trước đây nên cứ thấy lo lo không biết có nhiều khán giả bầu chọn cho cải lương hay không. Đến khi nghe số phiếu khá cao, tôi không kiềm được nên để rớt nước mắt.
Nghệ sĩ Quế Trân là ngôi sao sáng của nghệ thuật cải lương. Ảnh nhân vật cung cấp. |
- Cảm xúc của chị như thế nào khi nhận danh hiệu này?
- Hạnh phúc vỡ òa ra. Từ 4 tuổi tôi đã lên chương trình thiếu nhi trên truyền hình, 8 tuổi có vai trong vở Cóc kiện trời, rồi sau đó là một loạt vở thiếu nhi. 17 tuổi, tôi nhận vai chính đầu tiên trong Ông trạng làng ta cũng trên đài truyền hình TP HCM. Rồi sau đó là giải Trần Hữu Trang. Đó đều là những ấn tượng rất khó quên.
9 năm sau khi nhận giải Trần Hữu Trang, tôi lại tiếp tục được khán giả ủng hộ, dõi theo từng bước đường nghệ thuật, điều đó khiến tôi thêm tin tưởng cải lương không mai một, không mất đi.
- Nếu có người nhận xét, vì là nghệ sĩ của một bộ môn ướt át như cải lương nên chị cũng có sẵn tính ủy mị thì chị sẽ nói sao?
- Việc tôi khóc lúc nhận giải không phải là khóc dư. Tôi biết lúc nào là cảm xúc dâng trào và khiến tôi khóc thật, chứ không phải cố gồng mình.
Khi bác Trung Dân lên bục nhận giải Nghệ sĩ hài được yêu thích, tôi đã xúc động. Nghệ sĩ Trung Dân nói nhiều và nói hay về tình cảm gắn bó với nghề sân khấu. Một người từng trải như bác mà còn rất quý và trân trọng giải thưởng thì đối với tôi chắc mọi người hiểu nó lớn lao như thế nào.
Bước vào nhà Quế Trân, hình ảnh ấn tượng đầu tiên là hai chiếc kệ to, dài được xây trên tường rất trang trọng. Hai chiếc kệ này chứa những bó hoa khán giả dành tặng Quế Trân và cha, NSƯT Thanh Tòng, sau mỗi chương trình biểu diễn. "Hoa là tình cảm quý báu của khán giả, Trân không muốn vứt đi", nghệ sĩ trẻ tươi cười nói. Ảnh: Anh Vân. |
- Là một trong số ít nghệ sĩ cải lương trẻ đang thành danh và được yêu mến, chị cảm nhận thế nào về bước thăng trầm của nghệ thuật cải lương hôm nay?
- Các nhà báo thường hỏi tôi cảm nhận thế nào về bước thăng trầm của đời người nghệ sĩ cải lương. Nhưng tôi cho rằng câu hỏi này nên dành cho những nghệ sĩ đi trước. Vì họ mới thật sự cảm nhận được sự biến chuyển của cải lương theo dòng thời gian.
Tôi chưa tận mắt thấy thời hoàng kim của cải lương như thế nào, và hôm nay tôi vẫn đi diễn đều, vẫn sống được bằng tiền đi diễn, đi hát nên quả thật tôi chưa cảm nhận được cải lương tuột dốc hay xuống dốc ra sao.
Từ ngày gắn với "nghiệp cầm ca đến nay", tôi chưa bao giờ thấy bi quan, chán nản hay muốn bỏ nghề.
- Có lẽ vì chị sinh ra trong một gia đình có 5 đời gắn bó với nghệ thuật hát bội và cải lương, một nền tảng quá vững chắc nên chị chưa cảm nhận hết những khó nhọc của cải lương ngày nay, chị nghĩ sao?
- Điều đó chỉ đúng một phần. Đúng là nền tảng gia đình rất quan trọng nhưng nếu chỉ dựa dẫm vào nền tảng mà bản thân mình không tự tin vào công việc, không có tình yêu và lao động chăm chỉ thì khó mà trụ vững. Tôi chỉ nghĩ mình là một nghệ sĩ cải lương may mắn, vì bên cạnh công việc chính, tôi còn có điều kiện mở rộng hoạt động lĩnh vực nghệ thuật của mình: hát tân nhạc, đóng phim, làm MC...
- Bên cạnh cải lương, còn lĩnh vực nghệ thuật nào mà chị muốn dấn thân?
- Tôi thích phim ảnh. Tôi từng tham gia vào bộ phim Một thời ngang dọc với vai một cô đào hát. Tuy vậy, tôi vẫn mong mình có cơ hội được đóng vai một cô gái hiện đại, đời thường, thậm chí là náo động, quậy phá...
- Lời dạy nào của cha - NSƯT Thanh Tòng chị khiến chị nhớ nhất?
- Ba tôi là một người rất tâm huyết với cải lương. Ông thường hay kể lại những kỷ niệm ngày xưa ông nội đã dạy ba nghề hát như thế nào. Có lần, khi ba tôi còn rất nhỏ, đang tập trên sân khấu vì chưa có ý thức nên lơ đãng và đùa giỡn. Ông nội đang ngồi dưới đánh trống bèn quăng cây dùi lên sân khấu trúng ngay tay của ba, để lại một cái sẹo đến tận bây giờ.
Ba luôn dạy tôi phải sống và làm việc hết mình, không được chủ quan, không được tự mãn, không ngủ quên trên chiến thắng, phải trân trọng và yêu nghề, phải có đạo đức tôn sư trọng đạo.
Tối ngày 29/4, tại Nhà văn hóa sinh viên TP HCM diễn ra liveshow cải lương Quế Trân lớn lên cùng thành phố. Chương trình gồm hai phần: phần 1 có chủ đề Lửa hồng vẫn cháy, nghệ sĩ Quế Trân tâm sự về quãng đường đi hát cùng những kỉ niệm vui buồn trong nghề. Phần này có video clip minh họa một ngày làm việc của Quế Trân và hình ảnh tư liệu bước đường hoạt động của nghệ sĩ từ bé. Trong phần 2, Quế Trân sẽ biểu diễn các ca khúc truyền thống như: Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Tự nguyện để mở đầu và kết thúc chương trình. Bên cạnh đó, chị trình diễn bài tân cổ giao duyên Yêu dân tộc Việt Nam cùng Trọng Phúc, diễn tiểu phẩm cải lương vui Tiên bửu và Lão trượng cùng danh hài Hoài Linh, và một trích đoạn lịch sử trong vở Triệu Thị Trinh cùng NSƯT Thanh Tòng, vở Phi long báo phu cừu cùng với NSƯT Vũ Luân. Ngoài ra, nghệ sĩ Quế Trân còn trò chuyện với các bạn trẻ về vai trò và vị trí của người trẻ nhân dịp 30/4, và trao học bổng cho sinh viên - học sinh nghèo hiếu học; tặng quà cho các nghệ sĩ lão thành. |
Thoại Hà thực hiện