- NSND Thanh Tòng đã trải qua thời gian trên gường bệnh như thế nào?
- Cha tôi bị gút đã lâu, lại thêm tuổi cao, không thể chữa dứt nên kéo dài cho đến lúc qua đời. Ông phải ra vào bệnh viện nhiều lần để theo dõi sức khỏe.
Trước khi mất ít lâu, ông không muốn vào viện nữa. Gia đình thuận theo ý cha trong mọi việc nên chấp nhận đưa ông về nhà để chăm sóc. Cha bảo: "Sống chết gì cũng muốn ở nhà". Sáng 22/9, mẹ làm vệ sinh cho cha như mọi ngày. Vừa xong, mẹ vẫn còn ở bên thì ông nhắm mắt như đang ngủ rồi ra đi.
Cha tôi vốn sống khép kín. Ông không muốn ai biết tình trạng bệnh, già yếu của ông. Lúc nào ông cũng muốn giữ hình ảnh đẹp giống như các nhân vật từng biểu diễn.
- Ai là người gần gũi nhất với ông trước khi mất?
- Những ngày nằm bệnh, cha chỉ bằng lòng để mẹ tôi chăm sóc. Ông không cho ai đụng vô người trừ mẹ. Vì vậy, vài năm gần đây sức khỏe của mẹ tôi yếu hẳn vì luôn phải túc trực bên cha.
Trong mắt tôi, cha là người chồng tuyệt vời. Ông sống hết lòng vì gia tộc, con cái và không nghĩ điều gì cho bản thân. Hiếm có ai chung thủy và ga lăng, lịch sự, chu đáo với vợ như cha tôi. Ở tuổi hơn 60, khi đi bên mẹ ông luôn chủ động nhấc ghế, mở cửa, chăm sóc bà từng chút. Khi được bà làm việc gì cho, ông đều nói lời cảm ơn. Ai nhìn thấy tình cảm cha dành cho mẹ tôi cũng đều ngưỡng mộ. Cha mẹ tôi luôn đồng lòng trong mọi việc.
Cha tôi từng kể ngày trước mẹ có một người chị thích cải lương và ái mộ cha. Khi cha diễn, người chị này rủ mẹ đi xem và xin vô trò chuyện cùng ông. Cuối cùng, cha lại để ý mẹ tôi. Mối duyên đó gắn kết hai người hơn 40 năm nay.
- Cha chị để lại di nguyện gì?
- Trên giường bệnh, mỗi khi cảm thấy sức khỏe yếu đi, ông tập hợp con cái lại dặn dò mọi chuyện. Cha tôi lo cho mẹ khi không còn ông bên cạnh. Ngoài ra, ông mong con cháu sống đàng hoàng, giữ gìn nghề của tổ nghiệp. Nhiều lần như vậy nhưng cha tôi đều qua khỏi. Gia đình không ngờ lần này ông đi nhanh như vậy.
Cha tôi có một công trình nghiên cứu về bộ môn cải lương tuồng cổ - loại hình ra đời từ cải lương hồ quảng kết hợp các trình thức vũ đạo hát bội, nội dung thường là về lịch sử Việt Nam. Tôi nghĩ đây là điều cha tâm huyết nhất và cảm thấy mãn nguyện khi được công chúng công nhận. Ông từng sợ mọi người không hiểu cải lương tuồng cổ là thế nào và xem nó là lai căng.
- Cha có sức ảnh hưởng đến chị ra sao?
- Ngày trước tôi đi hát, có mẹ bên cạnh chăm sóc. Sau này, cha lớn tuổi, mẹ tôi ở nhà lo cho ông. Lúc nào cũng vậy, cha đều chờ tôi đi diễn về đến nhà mới yên tâm. Nhiều khi tôi về khuya, cha thức chờ đến khi thấy mặt tôi mới đi ngủ. Với tôi, ông là người cha, người thầy và thần tượng. Mọi thứ tôi có được như hôm nay là noi gương của cha mẹ.
Cha rất nghiêm khắc - tính cách chịu ảnh hưởng từ ông nội (ông bầu Thắng - kép hát bội lừng danh của đất Sài Gòn xưa). Ngày trước, ông nội truyền nghề cho thế hệ diễn viên cùng lứa với cha tôi ở đoàn Đồng ấu Minh Tơ. Khoảng 10 tuổi, cha tôi đã lên sân khấu và hát những vai quan trọng. Chỉ cần chểnh mảng một chút trong lúc thoại tuồng hoặc biểu diễn, cha bị ông nội dùng dùi trống đánh. Đến giờ cha vẫn còn vết sẹo trên cổ tay.
Cha luôn nhắc với con cháu về sự nghiêm khắc của ông nội khi làm nghề. Nhiều lúc trên sàn tập, ông mắng các cô chú đến bật khóc. Đến đời tôi và các cháu, sự nghiêm khắc của cha giảm đi ít nhiều. Dù khó tính, ông không áp đặt chúng tôi. Ông luôn dặn tôi phải yêu nghề và ý thức về việc mình là thế hệ tiếp nối của gia tộc, không được làm gì gây xấu mặt gia đình.
- Vì sao NSND Thanh Tòng không thực hiện liveshow riêng lúc sinh thời?
- Suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật, cha tôi không bao ngờ nghĩ sẽ làm một liveshow cho riêng mình. Ông chỉ làm những chương trình cho dòng tộc cùng biểu diễn.
Lần cuối cha đứng trên sân khấu là tham gia Vầng trăng cổ nhạc cách đây vài tháng. Ông tâm huyết và ham hát lắm, cứ nhắc đến cải lương là ông bừng bừng nhiệt huyết dù chân trái đi lại khó khăn do bệnh gút nhiều năm. Ba năm trước, ông diễn được thường xuyên hơn. Một lần, ông đóng cảnh cưỡi ngựa, vì diễn nhập tâm, thần sắc oai phong nên bị trẹo cột sống. Sau đó, tôi và mẹ khuyên cha nghỉ ở nhà. Lâu lâu, nhớ sân khấu, ông tham gia một số chương trình hay làm giám khảo, đi trao giải thưởng.
- Hiện nay, nghệ thuật cải lương gặp khó khăn, chị làm thế nào giữ nhiệt huyết với nghề ?
- Đi hát nhiều năm, tôi thấy mọi người vẫn yêu thích cải lương chứ không hẳn từ bỏ. Chỉ có điều, bộ môn nghệ thuật này không giữ được vị thế như xưa.
Các nghệ sĩ thuộc gia tộc tôi ai cũng yêu và sống chết với nghề. Các bậc cha chú là tấm gương sáng cho tôi. Sau này, họ đều cao tuổi, sức khỏe yêu, nhưng hễ ra sân khấu là diễn tuồng cổ rất hay. Gia đình thường tề tựu hát dịp cúng tổ hay lễ, Tết. Khi đó, tôi đứng trong cánh gà xem rồi khóc.
Tôi nghĩ nghề của mình thật thiêng liêng mới trải qua bao đời như vậy. Tôi thấy bản thân chưa làm được gì nên nhiều lúc rất xấu hổ với cha, chú mình và luôn dặn lòng phải giữ gìn tình yêu với cải lương. Khi dự chương trình nào, dù chỉ giữ vai trò MC, tôi vẫn tranh thủ hát vài câu vọng cổ, cải lương - xem như cách gây chú ý với mọi người về loại hình này.
* Video: Dấu ấn nghệ sĩ Thanh Tòng qua một số vở cải lương
>> Xem thêm: