Nghệ sĩ Quang Minh về nước ra mắt dự án mới - Qua bển làm chi, phim hài về cuộc sống người Việt trẻ tại Mỹ. Chiều 7/4, Quang Minh trò chuyện về cuộc sống, công việc sau ba năm ly hôn Hồng Đào.
- Vì sao những năm gần đây, anh liên tiếp tham gia các dự án điện ảnh?
- Vài năm qua, cuộc sống của tôi là chuỗi ngày đi lại giữa Mỹ và Việt Nam. Mỗi lần nhận được lời mời đóng phim, nếu kịch bản phù hợp, tôi liền "xách giỏ chạy về" để có cơ hội tái ngộ khán giả trong nước. Tôi cũng muốn vùi mình vào công việc để quên đi những đổ vỡ trong hôn nhân. Mỗi lần diễn xong, về nhà, đối diện với bốn bức tường, tôi thường đứng trước gương suốt 30 phút.
Sau ba năm, tôi nghĩ bản thân vẫn chưa thoát khỏi nỗi buồn ly hôn, thậm chí khó thể khuây khỏa. Diễn một mình trên sân khấu, đến giờ tôi chưa hết cảm giác lạc lõng, chơi vơi. Một lần, diễn kịch tại Mỹ, hết tiết mục, tôi quen miệng, nói: "Dạ thưa quý vị, phần trình diễn của Quang Minh - Hồng Đào đến đây xin được phép kết thúc". Khán giả ngồi dưới im phăng phắc, sau đó vỗ tay, còn tôi đứng sững vì chạnh lòng. Hiện tôi không có ý định kết hợp với nghệ sĩ khác, mà muốn phát triển theo hướng stand-up comedy (hài độc thoại).
- Anh giữ mối quan hệ ra sao với nghệ sĩ Hồng Đào?
- Sau ly hôn, chúng tôi làm bạn. Dù các con đã lớn - Vicky năm nay 26 tuổi còn Sophia 20 tuổi, mỗi lần tụi nhỏ cần gì, tôi và Đào đều nhắn tin trao đổi nhau. Trước mỗi quyết định quan trọng liên quan đến chuyện học hành, sự nghiệp con cái, Đào đều liên lạc, thông báo với tôi. Dịp sinh nhật hoặc lễ, tôi đều nhắn tin chúc mừng Đào.
24 năm từng chung sống, tôi luôn ngưỡng mộ cách Đào dạy con. So với tôi, Đào bản lĩnh, cứng rắn hơn nhiều. Mỗi khi con gặp sự cố, tôi hay luýnh quýnh, thậm chí bật khóc, còn Đào bình tĩnh giải quyết vấn đề. Đào và tôi chọn cách làm bạn với con, nhưng cô ấy đối thoại thẳng thắn hơn. Ở Mỹ, trường học có giai đoạn nghỉ khoảng ba tháng, bọn trẻ thường tổ chức đi chơi xa. Đào hay khuyên con: "Làm gì thì làm, phải bảo vệ nhé, đừng để bầu bì sớm". Chúng tôi hạnh phúc vì các con sớm học được cách tự lập.
- Con cái đi học, đi làm xa, anh giữ liên lạc như thế nào?
- Mỗi lần tôi nhắn tin hỏi thăm, các con nhắn lại: "How are you?", tôi mừng gần chết. Tôi dần chấp nhận chuyện con cái càng lớn, càng xa rời vòng tay ba mẹ.
Tôi vẫn nhớ ngày tiễn Vicky đi đại học. Hôm đó, tôi rớt nước mắt khi dọn từng món đồ trong phòng con, còn con bé cầm chìa khóa tung tăng vì sắp được "move out", tận hưởng cuộc sống tự do. Ban đầu, tôi còn buồn vì con vô tư quá, sau nghĩ lại, nhận ra ngày trước tôi cũng như vậy thôi. Rồi lúc chở Vicky đi học xa, tôi sắp xếp đồ đạc trong phòng nội trú của con cho ngăn nắp, còn con bé sốt ruột, đi ra đi vào, trông cho tôi làm xong vì sợ bạn bè thấy lại mắc cỡ. Lái xe về, nhìn qua gương ôtô, thấy bàn tay bé xíu của con vẫy vẫy, tôi khóc suốt quãng đường về nhà. Thỉnh thoảng, vô phòng con, thấy trống trơn, tôi lại cay cay sống mũi.
- Ở tuổi 63, anh tận hưởng cuộc sống độc thân ra sao?
- Tôi chưa nghĩ đến việc đi thêm bước nữa. Tôi thường ngâm nga câu trong một bài hát gần đây: "Nhiều khi muốn một mình nhưng sợ cô đơn...". Tôi ám ảnh chuyện tuổi tác, thường nghĩ đời mình còn được bao nhiêu lần 10 năm nữa. Mỗi lần gặp bạn bè cùng trang lứa, chúng tôi toàn bàn về chuyện thuốc trị tiểu đường, cao huyết áp. Tôi hay làm bạn với những người trẻ để tạm quên đi số tuổi của mình. Ở bên họ, tôi như được tiếp thêm năng lượng mới.
Tôi thích tự chăm sóc bản thân bằng cách ăn diện, làm đẹp, dưỡng da, tối trước khi đi ngủ đều phải bôi kem. Mỗi lần chạy xe, nhìn trong gương thấy da mình héo hon, tôi buồn cả ngày, còn lúc da tươi tắn thì vui ra mặt. Thói quen đó tôi có từ lúc còn ở với Hồng Đào. Mỗi lần cả gia đình dạo chơi, cô ấy ngồi giữ con cho tôi xách giỏ đi shopping.
Không biết có phải vì vậy mà tôi thường vướng nhiều đồn đoán là người đồng tính. Tôi hay trả lời: "Mình thẳng 100%". Có điều, tôi có rất nhiều bạn là người đồng tính. Họ là chất liệu để tôi học hỏi, bắt chước và áp dụng vào các vở kịch, như Thiên duyên tiền định (1998) - vở đóng chung Hồng Đào, Trang Thanh Lan. Hoặc nhân vật chú Út trong phim mới Qua bển làm chi, tôi cũng học lối ăn mặc, cử chỉ từ bạn bè thuộc thế giới thứ ba.
- Nhân vật chú Út - một người mở tiệm nail mưu sinh ở Mỹ - khiến anh đồng cảm ra sao?
- Đóng vai này, tôi nhớ thời chật vật khi mới qua Mỹ. Đầu thập niên 1990, chân ướt chân ráo sang đây, tôi phải làm thêm nghề phụ hồ để kiếm sống dù chưa có kinh nghiệm gì. Có lần, một người bạn rủ đi phụ xây nhà, kiếm 100 USD mỗi ngày, tôi ham lắm. Ở Mỹ, nguyên tắc của ngành xây dựng là khi xong việc phải hoàn trả hiện trạng như ban đầu. Tôi lơ ngơ, để xi măng rớt xuống sàn mà không dọn, đến lúc xong việc thì xi măng đã đông cứng. Từ 9h sáng đến 1h sáng hôm sau, tôi phải đục gỡ từng miếng cho sạch sẽ. Làm được một tuần, tôi bỏ vì cực quá, chuyển sang nghề lồng tiếng. Những ngày vất vả đó luôn là hồi ức quý báu cho tôi có kinh nghiệm nhập vai sau này.
Quang Minh sinh năm 1959 tại Gò Công (Tiền Giang), từng là kép của đoàn Kim Cương, Bông Hồng những năm cuối 1980. Anh sang Mỹ định cư khoảng năm 1990 và theo đuổi nghề diễn viên, lồng tiếng. Quang Minh cùng vợ cũ - nghệ sĩ Hồng Đào - từng là cặp diễn hài ăn khách hải ngoại trước khi ly hôn năm 2019. Ngoài hoạt động sân khấu, nghệ sĩ từng đóng nhiều phim điện ảnh: Cho em gần anh thêm chút nữa, Em chưa 18, Tìm chồng cho mẹ, Ngôi nhà bươm bướm...
Mai Nhật