- Trong một năm trở lại đây, chị siêng năng chạy show trên các sân khấu ca nhạc, điều gì thôi thúc chị hoạt động ca hát nhiệt tình như vậy ở tuổi 68?
- Lúc trước, tôi cứ miệt mài với những công việc từ thiện một mình. Hiện nay, tôi được những người bạn phụ giúp cho hoạt động thiện nguyện nên có thời gian thoải mái hơn trong việc ca hát. Mặt khác, tôi vắng bóng trên sân khấu khá lâu nên đồng nghiệp động viên tôi đi hát lại, để có những hình ảnh kỷ niệm, không thôi khán giả sẽ quên mất. Tôi có được những bài bolero mà bản thân lẫn khán giả thích.
- Chị nhận thấy borelo giữ vị trí thế nào trong dòng chảy của làng nhạc Việt hiện nay?
- Bolero là dòng nhạc phổ thông dễ đi vào lòng người. Những nhạc sĩ viết ca khúc cho dòng nhạc này thể hiện ca từ, giai điệu rất trau chuốt, xúc động. Ca sĩ như tôi chỉ cần hát một câu thôi cũng đủ rưng rưng nước mắt. Chính vì vậy mà bolero vẫn âm ỉ trong lòng người mộ điệu. Hiện nó trở lại thời hoàng kim của ngày xưa. Không chỉ có người lớn tuổi mới thích dòng nhạc này mà cả người trẻ, người phía Bắc cũng chuộng. Tôi nghĩ bolero sẽ tồn tại mãi với điều kiện, ca sĩ hát với cách phối âm cũ. Người sáng tác phải vắt óc, nặn ra những "áng thơ" hay thì nghệ sĩ và khán giả phải có bổn phận giữ gìn, bảo tồn.
- Không ít ca sĩ trẻ hiện nay thể hiện ca khúc xưa trên những bản phối mới, chị nghĩ sao về điều này?
- Tôi không phản đối việc các bạn trẻ sáng tạo và hát theo cách của họ nhưng đừng phối quá mới sẽ làm mất cái hồn vốn có của ca khúc. Là người gắn bó với bolero hơn 50 năm, tôi không chấp nhận việc ca sĩ hát sai lời. Các tác giả khi viết lời, họ đều chăm chút và có ngụ ý. Hát sai một từ thôi cũng làm sai cả mạch ca khúc. Tôi từng chỉnh một ca sĩ hát không đúng bài của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Câu "Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống" (bài Đêm đông) mà ca sĩ nọ hát "Chiều chưa đi màn đêm buông xuống". Từ "rơi" là tác giả muốn nói lên đêm xuống rất nhanh, còn "buông" là đêm dần xuống.
Nhiều ca sĩ đổ lỗi do tác giả viết lời ca khúc bằng tay nên khi truyền qua truyền lại dễ "tam sao thất bản". Theo tôi không phải vậy, ngày xưa các nhạc sĩ đều đánh máy bản nhạc của mình để đưa cho phòng thu. Người hát trước hát không rõ lời nên thế hệ sau nghe sai rồi hát theo. Họ không nghiên cứu kỹ từng câu, từng chữ trong bản nhạc mà tác giả muốn truyền tải. Ca sĩ là người tiếp bước, đem tâm tình của nhạc sĩ ra công chúng, nên phải hát bằng cái tâm của mình.
- Chị có lời khuyên nào cho các ca sĩ trẻ hát nhạc bolero?
- Trong đời tôi chỉ có một người thầy người Huế. Ông khó lắm, tôi theo đuổi ba năm ông mới chịu dạy cho tôi. Thầy bảo, người ca sĩ hát phải biết tôn trọng khán giả từ trang phục cho đến cách chào hỏi. Bài nào không có chiều sâu thì thầy không cho hát. Người nào hát trật nghe xong mình hát theo họ là không được. Bản thân ca sĩ phải cho người ta thấy mình hát có trình độ chứ đừng để nói "ca sĩ hát hay mà dốt".
- Ngày trước, cơ duyên nào khiến chị thành danh ở dòng nhạc này?
- Tôi không sinh ra trong gia đình nghệ thuật. Tôi kiên nhẫn theo nghề ca từ hai bàn tay trắng. Cùng thời của tôi có chị Thanh Thúy là một ngôi sao. Tôi không mặc cảm hay ganh tỵ mà lấy đó làm động lực để ý thức hơn trong việc trau dồi giọng hát, miệt mài tập dượt.
Thời đó, tôi lọc cọc đi xe đạp từ ngã tư Bà Quẹo đến Hàng Xanh để xem người ta hát, cứ như vậy ròng rã suốt hai năm. Sau đó, tôi được hãng đĩa Việt Nam mời thu âm bài Đường về khuya. Khi thành danh rồi, tôi luôn tâm niệm luôn giữ vững đạo đức, không sa lầy vào cám dỗ nghề nghiệp.
- Cát-xê đi hát của chị hiện nay như thế nào so với ngày xưa?
- Tôi nhớ ngày xưa, đi hát một tháng được gần 300 nghìn đồng. Một lượng vàng lúc bấy giờ chỉ có hơn ba nghìn đồng. Tôi cũng không quan tâm mấy đến mức tiền thù lao vì tôi hát chủ yếu cho niềm đam mê, vì muốn trở thành một ca sĩ hát hay trên sân khấu. Ngày nay cũng vậy, tôi không có chút lo lắng gì về kinh tế gia đình. Tôi có một vốn dành dụm kha khá để sống nhàn hạ. Nếu tôi hát nhiều thì tôi dành tiền đi từ thiện nhiều, chứ không hát để kiếm sống.
- Đến khi nào chị tính đến việc sẽ nghỉ ngơi?
- Có thể trong 2-3 năm tới tôi sẽ về vườn, sống cuộc sống nhàn nhã. Bây giờ tôi đi hát nhiều vì tôi muốn cho các con thấy hình ảnh đẹp của mẹ khi đứng trên sân khấu. Chúng lấy đó làm kỷ niệm. Tôi đã chuẩn bị sẵn cho tuổi già. Tôi về mảnh đất 3.000 mét vuông ở quê ngoại Long An cất nhà, đào ao, trồng cây chuối, cây dừa sống cùng con cháu, rồi tổ chức phát gạo cho người nghèo.
Tâm Giao thực hiện