Phú Quang không tin vào tính công minh của các giải thưởng. Ảnh: Pham Mi Ly. |
Nhìn Phú Quang thấy ông khá hơn nhiều so với ngày bị đột quỵ. Da dẻ hồng hào, dáng đi nhanh nhẹn, cười nói rộn ràng. Ông bảo, lần đó đột quỵ do mới đặt ống stent để thông mạch máu hai tuần đã vào Sài Gòn chuẩn bị cho đêm nhạc, sau tra trên mạng mới biết, người đặt ống stent phải 6 tuần mới được đi máy bay. “Tôi đã từng chết hụt tới sáu lần, thêm một lần nữa cũng có đáng kể gì?” - Phú Quang cười to.
Rồi ông vui miệng đùa rằng, hiện khỏe quá nên khi biết tên bị loại khỏi Giải thưởng Nhà nước cũng không bị choáng. Tác giả Đâu phải bởi mùa thu cho biết, ông không tin vào những giải thưởng bởi việc xét giải chỉ là cảm tính. Chỉ vì nhiều người vận động quá nên ông mới quyết định làm hồ sơ gửi Hội nhạc sĩ xin xét duyệt. “Lần sau, không bao giờ có việc tôi làm hồ sơ xin giải nữa. Đây là lần lầm lỡ duy nhất và cuối cùng” - Phú Quang tuyên bố. Theo vị nhạc sĩ sinh năm 1949, việc ông bị loại chỉ là chuyện “bình thường ở huyện” nhưng trong cái rủi có cái may, vì nhờ sự bị loại ấy, ông không phải “đứng cạnh một người ăn cắp”. Phú Quang bức xúc trước việc, trong số những người được đề cử có tên nhạc sĩ Lê Lan - người có bài hát ca ngợi Hồ Chí Minh nhưng giai điệu lấy từ ca khúc ca ngợi sư trưởng Sapaep (Liên Xô cũ).
“Tôi cho rằng hội đồng xét duyệt của Hội nhạc sĩ rất thiếu ý thức, một bài hát viết khi Hồ Chủ Tịch mất được ví như đồ cúng - tức là cần nhất sự linh thiêng, lòng thành, nhưng lại là đồ ăn cắp. Tôi nhớ hồi đó đại diện Liên Xô đã chất vấn: “Tại sao lấy bài hát của chúng tôi để ca ngợi lãnh tụ của anh?". Việc đưa một nhạc sĩ như vậy vào danh sách Giải thưởng Nhà nước là sự sỉ nhục dân tộc, điều đó với tôi lớn hơn nhiều so với việc mình bị gạt tên” - Phú Quang trần tình. Ông đánh giá, kiểu trao tặng cảm tính hiện nay rất nguy hiểm vì có tác động tiêu cực đến thế hệ trẻ, tạo cho họ suy nghĩ, không cần cố gắng, không cần trung thực vẫn có thể được ghi nhận.
Bùi Công Duy - con rể Phú Quang - bị loại khỏi danh sách xét tặng danh hiệu NSƯT. |
Xung quanh việc không tâm phục, khẩu phục với đề cử Giải thưởng Nhà nước, 11 nhạc sĩ gồm Đinh Quang Hợp, Ngọc Khuê, Đoàn Bổng, Lê Việt Hòa, Thế Song, Hoàng Hà, Văn Thành Nho, Trương Tuyết Mai, Phan Long, Triều Dâng và Trần Viết Bính đã đứng tên khiếu kiện nhưng Phú Quang thì không. Ông bảo: “Tôi không bao giờ kiện đầu gối mình. Giá trị thật mới là quan trọng. Tôi cũng trấn an những người trong gia đình, chẳng có việc gì mà bức xúc. Giải thưởng tiếng là của Nhà nước nhưng việc đánh giá chỉ là do một nhóm người. Nhìn vào danh sách ở tất cả hạng mục, thấy trong đó có mấy người xứng đáng?”. Con rể Phú Quang - tay violin Bùi Công Duy, có đến bốn giải nhất quốc tế, từng được mời làm giám khảo cuộc thi âm nhạc lớn của thế giới, nhưng cũng bị gạt khỏi danh sách xét NSƯT lần này. Theo Phú Quang, đây thêm một lần nữa cho thấy sự thiếu công bằng vì “xưa Ái Vân chỉ được giải thưởng của một tỉnh lẻ ở Đức về đã được phong NSƯT ngay”.
Phú Quang chia sẻ, ông không cần đến những sự vinh danh hão, chỉ cần nhân dân nghĩ thế nào về mình. Hàng năm, ông đều tổ chức hai liveshow, không có những bài hát mới, không có đột phá, giá vé cũng ở ngưỡng cao nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu người hâm mộ. Đó là niềm an ủi lớn nhất của Phú Quang. Hiện ông dồn sức vào chương trình “Hà Nội ngày trở về” vào 8-9-10/9 tại Nhà hát Lớn. “Nó giống như một món đặc sản, chỉ gồm ba ca sĩ hát hay nhất nhạc của tôi và được làm rất cẩn thận. Tôi không muốn so sánh nó với bất cứ chương trình của nhạc sĩ nào, chỉ cố gắng 'đo ván' chính tôi mà thôi” - Phú Quang nheo nheo mắt cười.
28 nhạc sĩ được đề cử xét tặng Giải thưởng Nhà nước: La Thăng (Nguyễn Văn Ngọ), NSƯT Thanh Anh (Bùi Anh Phò), NSƯT Bùi Đức Hạnh, Dương Viết Á (Minh Dương), Trí Thanh (Trần Trí Thanh), Nguyễn Hoàng Long và Nguyễn Hoàng Lân (Hoàng Long - Hoàng Lân), Ngô Quốc Tính, Nguyễn Ngọc Thiện, Doãn Tiến (Doãn Hùng Tiến), Minh Quang (Đỗ Minh Quang), Đức Trịnh (Nguyễn Đức Trịnh), Nguyễn Trọng Đài, Vũ Tự Lân, Nguyễn Văn Tiến, Trương Đình Quang, Trần Hồng, Lê Lan, Lê Tịnh, Tố Hải (Tố Trắp), Vĩnh Lai (Võ Thành Khôi), Nguyễn Chính (Nguyễn Đình Chín), Cát Vận, Đặng Hữu Phúc, Đỗ Hồng Quân, Vũ Thành (Vũ Thành Chính), Nguyễn Văn Hiên, Đinh Quang Hợp và Ngọc Khuê.
Cá nhân được Hội đồng cấp Bộ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh chỉ có nhạc sĩ Văn Chung (Mai Văn Chung) với các đóng góp nổi bật của ông cho nền âm nhạc Việt Nam như tác phẩm Đợi anh về, Ba cô gái đảm, Pì noọng ơi, Đếm sao và các tác phẩm về hợp xướng, khí nhạc. Cá nhân được Hội đồng cấp Bộ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND trong lĩnh vực âm nhạc chỉ có duy nhất ông Ngô Văn Thành - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng không có tên trong danh sách đề cử danh hiệu lần này: NSƯT Quang Lý bị gạt khỏi danh sách NSND. Trọng Tấn, Anh Thơ, Hồ Quỳnh Hương, Đan Trường, Cẩm Ly... không lọt vào danh sách NSƯT. |
Ngọc Trần