* Bài tiết lộ một phần nội dung phim
Tác phẩm là phim kinh dị Việt đầu tiên ra rạp trong năm, do Hoàng Tuấn Cường đạo diễn. Dự án quy tụ dàn diễn viên quen thuộc của màn ảnh nhỏ như Lê Phương, Quốc Huy, Nhật Kim Anh, Hạnh Thúy...
Phim mở màn bằng một sự kiện bi kịch, khi Thảo (Lê Phương) dắt em gái đi phá thai. Thảo vốn có hôn nhân hạnh phúc với Tùng (Quốc Huy) - người chồng doanh nhân dù suốt 5 năm chưa có con. Một ngày, chồng cô mang về một con búp bê. Tổ ấm trở thành nỗi ám ảnh khi Phương bắt đầu phát hiện loạt hiện tượng lạ trong nhà. Khi cô mang thai, những cơn ác mộng ngày càng đeo bám. Từ đây, sai lầm trong quá khứ của nhân vật chính được gợi lại.
Với lối kể đa tuyến, đạo diễn lồng ghép thêm câu chuyện của hai nhân vật khác. Nhật Kim Anh vào vai bác sĩ sản khoa Phương - người mẹ có con nhỏ mắc bạo bệnh, đang đứng trước cửa tử. Nghệ sĩ Hạnh Thúy đóng bà Thuận - một phụ nữ nhận các bào thai bị bỏ ở bệnh viện phụ sản, đem về chôn cất.
Dù môtíp không mới, tác phẩm xây dựng khá tốt không khí u ám. Lê Phương làm nên sức hút cho phim trong các phân đoạn kinh dị. Biểu cảm của cô tạo sự căng thẳng khi Thảo nhận ra vẻ lạ lùng, thoắt ẩn thoắt hiện của con búp bê. Ở những cảnh cao trào - như phân đoạn Thảo đối diện với thế lực quỷ dị, diễn viên gợi được nỗi sợ hiện diện trong cách nhân vật gồng cứng người, toát mồ hôi, mắt trợn trừng. Tâm lý nhân vật được khắc họa theo diễn tiến: Cô từ chỗ không tin vào chuyện tâm linh buộc phải tìm cách để bảo vệ gia đình.
Nửa sau của phim, khi uẩn khúc dần hé lộ, phim đào sâu hơn về nội tâm nhân vật. Tác phẩm giảm các phân cảnh jump-scare (hù dọa đột ngột) để xoáy vào bi kịch của Thảo khi cô phải trả giá vì hành động ép em gái phá thai. Nỗi đau nhân vật còn bắt nguồn từ một sự cố trong quá khứ, khiến cô quẫn trí và chọn cách giải quyết tiêu cực.
Tác phẩm tận dụng bối cảnh để khơi gợi nỗi sợ cho người xem. Đạo diễn chọn xanh đen làm tông màu chủ đạo, khắc họa không gian lạnh lẽo của bệnh viện - nơi những phụ nữ đến phá thai, hay căn nhà bị ma ám của cặp vợ chồng trẻ. Thỉnh thoảng, gam đỏ được sử dụng để tạo hiệu ứng thị giác mạnh - như cảnh nhân vật Thảo tìm đến nhà của thầy đồng. Âm thanh cũng góp phần vào lối kể chuyện của phim. Giai điệu Chúc bé ngủ ngon (sáng tác: Lưu Hà An) được phối lại để tạo âm hưởng rùng rợn trong các phân đoạn hù dọa.
Tuy nhiên, kịch bản bị rời rạc, dàn trải vì ba tuyến nhân vật thiếu tính kết nối. Nếu tuyến truyện của Thảo được khai thác tương đối tròn trịa, câu chuyện của bác sĩ Phương lạc lõng với bầu không khí chung của tác phẩm. Những phân cảnh mẹ con Phương tâm sự bên giường bệnh được khai thác qua loa, khiến người xem khó đồng cảm với nhân vật, dù hoàn cảnh của cô đậm màu bi kịch.
Phong cách hù dọa của phim còn khá cũ, phần nào rơi vào lối mòn. Sau mỗi lần nhân vật đối diện "vong nhi", cô lại tỉnh giấc, phát hiện chỉ là giấc mơ. Cuối phim, đạo diễn cài cắm một twist để tạo bất ngờ cho người xem, song tình tiết này có phần dễ đoán do cách dẫn dắt câu chuyện chưa khéo. Phần thoại cũng là điểm trừ khi mắc lỗi của văn viết, còn gượng gạo, chưa mang không khí đời thường.
Nghệ sĩ Hạnh Thúy - biên kịch của phim - ấp ủ kịch bản bảy năm trước, khi chị tham gia sản xuất chương trình Giữ lấy mầm sống, talk-show truyền hình về nạn phá thai. Nhiều tình tiết trong phim được lấy cảm hứng từ các hoàn cảnh chị chứng kiến ngoài đời thực - chẳng hạn câu chuyện của người phụ nữ thầm lặng tìm nơi an nghỉ cho các bào thai.
"Phim không lên án hay cổ xúy cho hành động nạo phá thai. Chúng tôi đơn giản chỉ muốn kể một câu chuyện để khán giả tự rút ra suy nghĩ, từ đó góp phần giúp một bộ phận giới trẻ thay đổi hành vi, sống có trách nhiệm hơn", Hạnh Thúy nói.
Mai Nhật